Cập nhật: 07/08/2012 16:35:08 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mỗi ngày có hàng ngàn con trâu bò từ Lào được vận chuyển lậu về nhiều địa phương của Việt Nam không qua kiểm dịch. Không những thế, nó còn được các cơ quan chức năng tiếp tay, hợp thức hóa thành trâu bò Việt Nam. PV NNVN đã theo chân những ông chủ buôn trâu bò của tỉnh Luongprabang, Xiêng Khoảng (Lào) và Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương để trực tiếp chứng kiến quá trình biến trâu bò Lào thành trâu bò Việt.

Mua bán lậu xuyên quốc gia

 

Giá thịt trâu bò tại Việt Nam luôn cao hơn gấp rưỡi ở Lào, từ tháng 1/2012 đến nay giá có thời điểm cao gần gấp đôi (thịt bò thăn tại Lào là 34.000 – 40.000 kíp, tương đương với 92.000 – 100.000 đồng/kg, tại Việt Nam là 130.000 – 180.000 đồng/kg). Dắt lậu qua biên giới, các chủ trâu bò Việt tranh nhau mua bán “trên dây” cũng thu siêu lợi nhuận.

 

Từ cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Nghệ An) chúng tôi ngược đường 7 (bên Lào gọi là "thang chết")  hơn 300 km đến cố đô Luongprabang bắt đầu hành trình “Sự tô khoai, tô ngua dù Lào” (mua trâu bò ở Lào). Cố đô Luongprabang nằm bên dòng sông Mê Kông thơ mộng, từ ngàn đời nay nổi tiếng với những đàn trâu mộng mà người Lào gọi là “tô khoai nhầy nhầy”.

 

Mờ tối, chúng tôi có mặt tại ngã ba Xala Fô Cun (nơi đi thẳng là thủ đô Viêng Chăn, rẽ trái là cố đô Luongprabang), hàng trăm con trâu đã được tập kết hai bên đường. Ông chủ tên A Phơ – người chúng tôi đã điện trước cho biết: Trung bình mỗi ngày mua được 40-50 con. Mùa đông thì có đủ trâu lúc nào là điều xe chạy về Nậm Cắn lúc ấy, còn mùa này nắng nóng, mưa nhiều nên phải gom hàng vào điểm tập kết trước 18 giờ, để từ 19-21 giờ xe đến nhận hàng, chạy một mạch, sáng hôm sau là tới cửa khẩu Nậm Cắn.

 

Hôm sau A Phơ dẫn chúng tôi đến một số lò mổ và chủ trâu ở cố đô, sau đó vào một số bản để nhận trâu. Công việc thu mua ở đây diễn ra hết sức nhẹ nhàng. Toàn bộ việc mua bán đều được thực hiện “trên dây” – nghĩa là người có trâu bán chỉ cần điện thoại cho người mua, báo số con, số kg thịt sau khi đã cầm (cầm trâu là ước tổng lượng thịt sau khi mổ/con trâu hơi, để cầm chuẩn, người cầm phải có khả năng bẩm sinh và nhiều kinh nghiệm trong nghề ), nếu người mua đồng ý, đến chở trâu về, trả tiền là xong.

 

“Hôm nay tao đang có 15 con trâu, cầm ra thịt là 2 tấn và 17 con bò, cầm ra thịt là 1,8 tấn nhân với giá thành trâu 35.000 kíp/kg (tương đương trên 90.000 đồng), bò là 40.000 kíp (tương đương với 100.000đ), thành tổng số tiền 140 triệu kíp, tao chỉ cần alô báo cho người Việt tổng số kg như thế, ra tổng số tiền như thế, ông Hải ở Đô Lương, Nghệ An đã OK, tý tao cho xe xếp hàng chở về cửa khẩu Nậm Cắn, thuê người dắt trâu sang phía Việt Nam giao cho nó, lấy tiền là xong. Tao chỉ kiếm mỗi con một ít, nhưng chắc chắn, còn lỗ lãi kệ người Việt. Có chuyến người Việt kêu lỗ, nhưng mua bán “trên dây” là do người Việt dạy. Mà, không mua bán như thế, người Việt chả có thịt trâu bò ăn đâu” – A Pao nói.

 

Nếu Luongprabang là đất của trâu thì Xiêng Khoảng là đất của bò (Xiêng Khoảng là tỉnh có đàn bò lớn nhất Lào). Đi các huyện Mường Pẹt, Mường Khun, Mường Khăm, Thác Hôm, Mường Fun Cụt…, tất cả những thảo nguyên xanh mênh mông đều được nhuộm màu vàng của bò. Mỗi hộ nuôi bò ở Xiêng Khoảng, ít cũng từ 20 con trở lên, nhiều thì từ 50-200 con. Bản nào cũng có hàng chục đàn bò. 

 

Áp tải 2 xe trâu của A Phơ từ Luongprabang về đến TX. Phonsavan (tỉnh lị Xiêng Khoảng), chúng tôi dừng lại gặp Khăm Kềnh - một trong 4 ông chủ trâu bò lớn nhất Xiêng Khoảng. Sau cái bắt tay, Khăm Kềnh chỉ đạo mấy đàn em chạy ra phố lôi về 1 két bia Halida Việt Nam đãi khách (theo phong tục của người Lào, khách đến nhà là uống bia rồi múa lăm vông mới là khách quý). Kềnh bảo: Tao có 4 xe ô tô chuyên để chở trâu bò. 2 xe nhỏ vào bản thu mua của dân, 2 xe lớn mang trâu bò đi cửa khẩu Nậm Cắn. Trung bình mỗi ngày thu mua được trên dưới 100 con. Tất cả trâu bò đều bán “trên dây” cho người Việt.

 

Trước đây, khi tỉnh Xiêng Khoảng chưa cấm người Việt sang mua trâu bò, tại nhà Khăm Kềnh lúc nào cũng có vài chục lái trâu bò người Việt lập doanh trại ở đây để đi bắt trâu bò cùng Khăm Kềnh. Sau khi bị cấm, chỉ còn người Mông ở Kỳ Sơn (Nghệ An) có “quan hệ” tốt với người Lào nhận tiền của các ông chủ ở Đô Lương - Nghệ An sang đây đi mua cùng Khăm Kềnh.

 

Ngoài gom tại Xiêng Khoảng, các ông chủ tỉnh này còn lên tận vùng thượng Lào như Udonxay hay Sầm Nưa để gom trâu bò. Từ hai tỉnh xa xôi này, họ bán ngay “trên dây” cho các ông chủ ở Việt Nam hoặc các ông chủ lớn ở Lào. “Người Việt “ăn” rất tợn, bao nhiêu trâu bò cũng hết. Do vậy, trâu bò ở khắp nơi của thượng Lào dồn về Xiêng Khoảng. Thậm chí bò từ Myanmar cũng vượt sông Mê Kông dồn về Xiêng Khoảng” – Khăm Chay, chủ gom trâu bò ở Sầm Nưa cho biết.

Hàng trăm ngàn con đi qua một cái khe

 

Cách cửa khẩu Nậm Cắn gần 2km phía bên Lào là bản Đin Đăm, huyện Noọng Hét. Tại đây có một bãi tập kết trâu bò do tỉnh Xiêng Khoảng lập ra. Trâu bò khắp nơi sau khi bán “trên dây” cho người Việt đều được đưa về tập kết tại bãi này. Sau đó các chủ trâu bò người Lào thuê người dân bản Đin Đăm (trung bình mỗi ngày có từ 30-40 người dân được thuê) dắt trâu bò qua một cái khe đến đường biên giới Lào – Việt, cách cửa khẩu Nậm Cắn phía Việt Nam chừng 700m.

 

+ Để trâu bò không bị nhầm lẫn, thất lạc khi dắt lậu qua khe, tên ông chủ người Việt mua sẽ được viết lên mông mỗi con trâu bò bằng sơn. Ví dụ bán cho ông Hải thì viết Hải, bán cho ông Cho thì viết Cho.

 

+ Toàn tỉnh Xiêng Khoảng có khoảng 30 chủ trâu bò, trong đó có 4 ông chủ lớn được cấp giấy hành nghề. Mỗi ông chủ lớn này một ngày thu mua được từ 100-200 con. Ngoài ra, có khoảng 7-10 chủ trâu bò ở Luongprabang, mang trâu bò về bản Đin Đăm giao cho người Việt. 90% số trâu bò các chủ này gom được bán “trên dây” cho tư thương Việt Nam – Ông Văn Đi, GĐ Chăn nuôi thú y, Sở Nông lâm Xiêng Khoảng.

 

Từ bãi tập kết trâu bò ở Đin Đăm đến cái khe (người Lào gọi là thang lắc tô khoai, tô ngua – đường dắt trâu bò lậu) chừng 300m. Trâu bò từ khắp vùng thượng Lào về sau khi xuống bãi tập kết sẽ được những người dân dắt thuê lùa vào con đường này để dắt qua phía Việt Nam. Số liệu mà Trạm kiểm dịch Đin Đăm (Lào) cung cấp, con số kiểm soát được đi lậu qua con đường mòn này lên đến 150.000 con trâu, bò, ngựa, dê/năm. Nếu cộng cả số không kiểm soát được nữa lên đến hàng trăm ngàn con/năm. Có những ngày hàng chục xe trâu bò nối đuôi nhau về Đin Đăm để chui vào con đường mòn này.

 

Mỗi một con trâu bò được thuê dắt qua đoạn đường khe rất khó đi với đá tai mèo dựng đứng là 10.000 kíp (tương đương 26.500 đồng). Cũng có khi giá dắt cao gấp đôi nếu thời điểm là đêm tối. Khi trâu bò bắt đầu vào con đường mòn độc đạo sẽ phải nộp 2.000 kíp/con cho những người dân trấn giữ tại cổng đường mòn.

 

Theo Trưởng bản Đin Đăm, con đường mòn này đã tồn tại hàng chục năm nay. Mỗi năm nó cõng trên mình hàng trăm ngàn con gia súc. Nó là con đường cơm áo của đa số dân bản. Vì vậy, hai bên con đường mòn có bề rộng trung bình 2-3m này được rào bằng cột gỗ, thép gai cực kỳ chắc chắn. Và chúng được bảo vệ bằng… AK, súng kíp.

 

 

Theo Báo điện tử Nông nghiệp VN

 

Tệp đính kèm