Cập nhật: 17/10/2012 15:30:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thế giới mạng bát nháo, nhiều sai phạm, ai ai cũng có thể tạo được trang web chỉ với 300.000 đồng. Hầu hết các trang đều vi phạm bản quyền khi sao chép thông tin của nhau, thế nhưng vì sao không đơn vị nào bị xử lý? Nguyên nhân do công tác quản lý của các cơ quan chức năng quá lỏng lẻo hay pháp luật chưa chặt chẽ?

Hình ảnh quảng cáo của một trang web bán điện thoại nhưng thực chất là điểm rửa xe.

 

Tạo trang web chỉ 300.000 đồng

“Chỉ cần bỏ ra 300.000 đồng mua tên miền sẽ có được một trang web!” - một cư dân mạng nói. Do vậy, rất nhiều trang web ra đời mà không được kiểm soát. Nếu chiếu theo quy định pháp luật hầu như trang web nào hoạt động cũng có vi phạm.

 

Cụ thể, trang thông tin điện tử trên internet gồm các trang thông tin điện tử (website), trang thông tin điện tử cá nhân (blog), cổng thông tin điện tử (portal) và các hình thức tương tự khác. Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet quy định rất rõ, trang thông tin điện tử chỉ được tự giới thiệu về hoạt động, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề hoạt động của chính tổ chức, doanh nghiệp mà không được trích dẫn thông tin từ nguồn khác (đối với các trang này không cần phải đăng ký, xin phép).

 

Còn trang thông tin điện tử tổng hợp mới có quyền tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí hoặc từ các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, khi hoạt động, muốn trích dẫn từ trang web nào, chủ trang thông tin điện tử phải ký kết văn bản thỏa thuận với chủ cơ quan cung cấp nguồn tin. Đặc biệt, trang thông tin điện tử tổng hợp không được quyền tự sản xuất tin, bài. Đơn vị muốn lập trang thông tin điện tử tổng hợp phải đăng ký và được Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép mới được hoạt động.

 

Thế nhưng, trên thực tế, các trang web hiện nay vô tư trích dẫn lẫn nhau. Nhiều cá nhân tự mua tên miền, tạo trang web cá nhân rồi đăng các bài báo, trích dẫn từ báo khác. Những trang thông tin điện tử thì tự do trích dẫn không hề có sự thỏa thuận với cơ quan cung cấp nguồn tin.

 

Ngay cả các mạng xã hội như facebook, google hiện nay cơ chế quản lý, thu thuế cũng chưa rõ ràng theo số lượng người truy cập. Quy định về dịch vụ quảng cáo, thu phí trên mạng cũng chưa có văn bản pháp quy nào quy định. Đặc biệt đối với những trang bán hàng, quảng cáo có thu phí thì chưa có sự kiểm tra, giám sát, xử lý, trong khi Nghị định 97/2008/NĐ-CP quy định rõ: “Mạng internet dùng riêng là mạng lưới thiết bị internet do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập, kết nối với internet để cung cấp các dịch vụ internet cho các thành viên của cơ quan, tổ chức đó trên cơ sở không kinh doanh và hoạt động phi lợi nhuận”.

 

Quản lý ra sao?

 

Quy định đã có, nhưng việc quản lý còn lỏng lẻo. Đó là lý do một số trang web hoạt động vi phạm liên tục từ khi ra đời nhưng vẫn không cơ quan nào phát hiện, mãi đến khi doanh nghiệp tố cáo mới “lòi” ra trang web chưa được cấp phép. Các trang này tự sản xuất tin bài, tự đăng thông tin trích dẫn từ các trang khác mà không có sự đồng ý của chủ nguồn tin…

 

Việc buông lỏng quản lý thể hiện rõ nhất qua vụ trang www.mb24.vn lừa đảo tiền tỷ, cơ quan chức năng mới phát hiện và giải quyết hậu quả. Đây là trang web bán hàng đa cấp, tức người thiết lập trang web để nhằm bán diện tích trang cho đơn vị khác dùng quảng cáo. Thực tế, pháp luật chưa có quy định về hoạt động này. Đến khi phát hiện đã có quá nhiều nạn nhân bị lừa.

 

Một số doanh nghiệp, cá nhân than vãn rằng, dù có quy định buộc phải có sự thỏa thuận của cơ quan cung cấp nguồn tin (báo chí, cơ quan chức năng), nhưng trên thực tế ít trang thông tin tổng hợp nào thực hiện nên đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu thông tin đã đăng có sai sót.

 

Chẳng hạn, khi một tờ báo đăng bài, ngay lập tức các trang thông tin tổng hợp sao chép hàng loạt. Đến khi có khiếu nại, tờ báo thừa nhận mình sai, tháo bỏ bài đã đăng và đăng lại thông tin cải chính. Thế nhưng, các trang thông tin điện tử thì vẫn vô tư sao chép và lưu trữ bài sai đó, thậm chí không ngó ngàng gì tới tin cải chính. Khi thông tin đã phát tán sẽ được lưu trữ trên nhiều trang khác nhau mà cơ quan báo chí không thể kiểm soát được. Ngay cả các cơ quan báo chí cũng như những cá nhân, tổ chức là “nạn nhân” vẫn đang lúng túng chưa biết kiện như thế nào, ở đâu để đòi bồi thường thiệt hại. Bởi hầu hết các trang thông tin không có địa chỉ rõ ràng, dù biết rõ họ vi phạm không thỏa thuận trước khi trích nguồn tin…

 

Vấn đề này đang còn nhiều tranh cãi. Sở dĩ quy định trang thông tin tổng hợp khi lấy thông tin ở trang web nào phải có sự thỏa thuận ký kết với chủ nguồn tin nhằm để đảm bảo bản quyền, nguồn tin chính xác, đồng thời để xử lý sửa chữa kịp thời khi thông tin có sai sót như nói trên. Trong khi đó, ngành thông tin truyền thông cho rằng, mình có chức năng quản lý cấp phép nhưng việc sao chép lẫn nhau là việc dân sự của các tổ chức, cá nhân nên chỉ xử lý khi có khiếu kiện của các bên. Còn các bên không thể giám sát hết toàn bộ những trang web trên mạng, cũng như không thể biết trang nào có chức năng gì, ai là chủ quản lý… Đó chính là những điều bất cập, buộc nhà nước phải có quy định chặt chẽ, có cơ chế kiểm tra giám sát hữu hiệu hơn.

 

 

Theo SGGP Online

 

Tệp đính kèm