Cập nhật: 28/11/2012 15:05:47 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các cửa khẩu hải quan với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp vào những tháng cuối năm 2012, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban chỉ đạo 127 Trung ương) có phương án đấu tranh hiệu quả đối với tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

“Cuộc chiến” chưa có hồi kết

 

Từ đầu năm đến nay, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại tại cửa khẩu hải quan của các tỉnh như Quảng Trị, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Đà Nẵng… diễn ra phức tạp. Mặc dù cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nhưng tình hình buôn lậu vẫn có chiều hướng gia tăng trong những tháng cuối năm 2012.

 

Cụ thể, theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127 Quảng Trị, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chống buôn lậu tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 1.702 vụ vi phạm trị giá hàng hóa gần 23,3 tỷ đồng. Hàng hóa tịch thu chủ yếu là các mặt hàng điện tử, máy điều hòa nhiệt độ, thuốc lá, rượu ngoại và một số mặt hàng tiêu dùng khác. Đặc biệt trong thời gian gần đây, tình trạng doanh nghiệp xuất nhập khẩu lợi dụng loại hình tạm nhập tái xuất, xuất khẩu chuyển cửa khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại và tình trạng xuất hàng Việt Nam sản xuất vào Khu kinh tế thương mại Lao Bảo  để được hoàn thuế giá trị gia tăng sau đó tìm cách đưa lại về nội địa diễn ra phức tạp, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu.

 

Tương tự, tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2012, qua thanh tra, kiểm tra, tình trạng gian lận trong kinh doanh hàng hóa cũng diễn ra khá phổ biến với các vi phạm như: không niêm yết giá, kinh doanh sai nội dung, vi phạm về nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy... Đặc biệt, không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn thuế, gian lận thuế như: Mua hàng không có hóa đơn đầu vào, bán hàng không đăng ký với cơ quan Thuế, lập hóa đơn giá trị gia tăng thấp hơn tiền hàng hóa, dịch vụ thực tế, bán hàng không hóa đơn... Theo kết quả thanh, kiểm tra quyết toán thuế 490 doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã truy thu tiền thuế hơn 34,7 tỷ đồng, phạt hành chính trong lĩnh vực thuế gần 16,8 tỷ đồng... Trong khi đó, theo Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa, chỉ riêng số vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ và sử dụng lâm sản trái phép bị phát hiện từ đầu năm đến nay đã lên tới 470 vụ, tăng 42 vụ so với cùng kỳ. Các đối tượng này hoạt động ngày càng tinh vi: khi thì chở hàng bằng ô tô trên các tuyến đường đèo dốc vào ban đêm; lúc lại dùng xe máy, xe đạp để vận chuyển trái phép; sẵn sàng bỏ cả hàng, xe chạy trốn khi bị ngành chức năng phát hiện...

 

Còn tại Lạng Sơn, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngoài những thủ đoạn buôn lậu truyền thống như: chia nhỏ, xé lẻ thuê người mang vác hàng hóa qua đường mòn, đường tắt hai bên cánh gà các cửa khẩu, thì nay các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để gian lận, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, lợi dụng chính sách của Nhà nước, các đối tượng đã làm giả chứng từ, khai man để rút tiền hoàn thuế của Nhà nước (như các vụ hoàn thuế giá trị gia tăng) hoặc khai sai thuế suất, sai tỉ giá, số lượng, trọng lượng, trị giá tính thuế để gian lận gây thất thu cho ngân sách Nhà nước; lợi dụng qui trình hậu kiểm, qui trình quản lí hàng hóa đối với loại hình tạm nhập-tái xuất… tình hình gian lận thương mại trên các tuyến đường sắt, hàng chuyển cảng, chuyển khẩu đang nóng lên tại khu vực Khơ Đa, Bãi Gianh, hai bên cánh gà cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma…

 

Chưa hết, tại TP. Đà Nẵng, Ban chỉ đạo 127 TP.Đà Nẵng cho biết tình hình nhập lậu, vận chuyển buôn bán hàng cấm có xu hướng phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong 9 tháng đầu năm 2012, liên ngành Ban chỉ đạo 127 TP. Đà Nẵng đã kiểm tra 5.032 vụ vi phạm, phát hiện 208 vụ liên quan đến hàng cấm, nhập lậu, 68 vụ hàng giả, hàng dỏm, nhái, 1.774 vụ vi phạm nhãn mác, khởi tố hình sự 13 vụ/13 bị can, thu tiền phạt, bán hàng tịch thu và truy thu thuế được gần 45,5 tỉ đồng. Cục Hải quan TP.Đà Nẵng cho biết, tình hình lợi dụng quà biếu gửi qua bưu chính để nhập lậu thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, đĩa, tài liệu có nội dung phản động, đồi trụy không giảm mà ngày càng phức tạp, nhiều doanh nghiệp khai sai tên hàng hóa, mã số, xuất xứ, chậm nộp thuế…

 

Theo Ban chỉ đạo 127 Trung ương, trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, tính từ ngày 16/9 đến ngày 15/10/2012, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 4.906 vụ việc vi phạm, trị giá ước tính trên 113 tỷ đồng, trong đó có 182 vụ việc liên quan đến ma tuý. Thời gian gần đây hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ hợp pháp bằng nhiều phương thức thủ đoạn phức tạp gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ cao về lây lan các dịch bệnh, gây thất thu ngân sách, tác động xấu đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

 

"Mạnh tay" với buôn lậu cuối năm

 

Trước tình hình đó, Cục Hải quan các tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nắm vững diễn biến tình hình, chủ động và triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Cục Hải quan địa phương và các đơn vị trực thuộc Cục với các đơn vị ngoài ngành được yêu cầu chú trọng và nâng cao hiệu quả phối hợp.

 

Những tháng cuối năm, do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thường diễn biến với quy mô lớn hơn và thủ đoạn tinh vi hơn. Do đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý chống buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đơn vị kinh doanh... nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây đã yêu cầu Ban chỉ đạo 127 Trung ương lập phương án đấu tranh hiệu quả đối với tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là những tháng cuối năm đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ.  Đồng thời, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩu trương phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, để khắc phục tình trạng lợi dụng để hợp thức hóa hàng lậu.

 

Cùng với đó, Ban chỉ đạo 127 Trung ương tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có phương án đấu tranh hiệu quả đối với tình hình buôn lậu, gian lân thương mại, nhất là thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Trước đó, ngày 24/10/2012, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8475/VPCP-KNTN, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 Trung ương lập phương án đấu tranh có hiệu quả đối với tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Trong đó tập trung vào các mặt hàng pháo, thuốc nổ, xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, gia cầm, thực phẩm, điện thoại, máy tính bảng tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển trên các tuyến, địa bàn trọng điểm: Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh; báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo kịp thời.

 

 

Theo Tạp chí Tài chính

 

Tệp đính kèm