Xử lý nghiêm những cán bộ giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) sai; tăng cường đối thoại với người dân… là những kiến nghị và giải pháp đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ tổ chức sáng 11/12, tại Hà Nội.
Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP), năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo đã giảm hơn so với năm 2011. Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người tăng, có thời điểm, tính chất, mức độ gay gắt hơn. Trong đó, có nhiều việc trước đây địa phương đã giải quyết nhưng không dứt điểm, hoặc đã dứt điểm nhưng lại tái diễn, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai.
Đáng chú ý là một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối, tụ tập làm mất an ninh trật tự trước trụ sở cơ quan Trung ương, đưa lên mạng những nội dung vu khống, sai bản chất sự việc, nhằm bôi xấu chính quyền…
Trước tình hình đó, ngày 18/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Qua 6 tháng triển khai, số lượng đơn thư KNTC thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011; nhận thức trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính các cấp, các ngành, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết KNTC tiếp tục được nâng lên. Nhiều địa phương không phát sinh mới các vụ việc KNTC phức tạp, đông người. Tỷ lệ quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo được thực hiện tăng so với thời gian trước, góp phần vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết KNTC.
Trong 528 vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài mà Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, đến nay đã rà soát được 527 vụ việc, đạt 99,81%. Sau khi kiểm tra, rà soát, thực hiện quy trình, lãnh đạo Bộ, ngành và các địa phương đã ký biên bản thống nhất chủ trương và phương án để chấm dứt việc xem xét, giải quyết 274 vụ việc KNTC. Số vụ còn lại giao cho các Bộ, ngành, địa phương giải quyết theo thẩm quyền.
Minh bạch, công khai và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm
Tuy nhiên, hiệu quả công tác thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện pháp luật về KNTC còn thấp. Trên thực tế, vẫn còn những địa bàn có nhiều vụ việc KNTC hoặc người có thẩm quyền biểu hiện thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết KNTC. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, Thành phố, mặc dù từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành đã triển khai 1.589 cuộc thanh tra trách nhiệm của các thủ trưởng cơ quan quản lý các cấp trong việc chấp hành khiếu nại về pháp luật KNTC, tuy nhiên, việc kiến nghị và xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức còn hạn chế (xử lý hành chính 18 người, chuyển cơ quan điều tra xử lý 3 vụ).
Liên quan đến nội dung này, tại Hội nghị, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị xử lý nghiêm những người có trách nhiệm giải quyết nhưng không giải quyết hoặc giải quyết sai phải bồi thường thiệt hại. Vì trên thực tế, có vụ việc KNTC qua kiểm tra cho thấy, chính quyền giải quyết không đúng, cố tình bao che, né tránh. Bên cạnh đó, đề nghị Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp các Bộ, ngành giải quyết một số vụ việc đặc thù, do vướng mắc về pháp luật không giải quyết được, do lịch sử để lại sao cho hợp tình hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân, từ đó, mới chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Thuộc địa bàn nằm trong “điểm nóng” về KNTC đông người, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc KNTC tồn đọng kéo dài là do quá trình quản lý nhà nước thực thi công vụ chưa tốt gây thiệt thòi cho người dân, có nơi chưa làm hết thẩm quyền, hết trách nhiệm của mình trong giải quyết KNTC đối với người dân, cũng như đưa ra các kết luận chưa đúng dẫn đến việc tiếp tục khiếu nại lên cấp trên. Vì vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh, cần phải giải quyết từ “ gốc” nguyên nhân của vấn đề, song đây là công việc phải thực hiện lâu dài, không phải “một sớm một chiều” mà giải quyết hết được.
Theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, trong thời gian tới, cần nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, nhất là Chủ tịch UBND trong quản lý nhà nước và trong công tác giải quyết KNTC, nhất là trong lĩnh vực đất đai, thực hiện dự án thu hồi đất. Theo Tổng thanh tra Chính phủ, nhiều địa phương KNTC gay gắt mà lãnh đạo địa phương không quan tâm thì e rằng, kết quả thực hiện cũng không thể đạt hiệu quả cao.
Tăng cường đối thoại với người dân
Nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, hoặc do bị kẻ xấu kích động... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài.
Theo đại diện tỉnh Tuyên Quang, trên thực tế, để giải quyết dứt điểm các vụ việc trên không phải dễ, bởi trong nhiều trường hợp, các cấp chính quyền đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng người dân do không hiểu rõ về pháp luật, nhiều khi theo “cảm tính”, sợ thiệt thòi, nhất là trong các vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai; mặt khác lại bị lôi kéo, kích động nên không thể giải quyết dứt điểm. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải tăng cường đối thoại cũng như tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với địa phương trong giải quyết KNTC.
Đại diện tỉnh Đắk Nông cũng thừa nhận, việc tổ chức tiếp nhận xử lý đối với các đơn thư KNTC của các cán bộ chưa được thấu đáo, thiếu đối thoại, nặng nề văn bản hành chính là bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ việc KNTC kéo dài tại địa phương này.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng đặt vấn đề, cần xem xét lại quỹ thời gian đối với công tác đối thoại với người dân. Bởi theo quy định, đối với trường hợp giải quyết lần 2 phải đối thoại, trong khi năm qua, Hà Nội phải giải quyết hơn 500 vụ việc KNTC dẫn đến quỹ thời gian cho công tác này rất “eo hẹp”.
Ở một khía cạnh khác, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đề nghị, đối với các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người, các cơ quan chức năng đã thực hiện việc tuyên truyền vận động nhưng vẫn không hiệu quả, thì đòi hỏi phải có các biện pháp hành chính cao hơn để có căn cứ pháp lý chắc chắn, nhằm bảo đảm an ninh trật tự nhưng vẫn phải đảm bảo quyền KNTC của công dân./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN