Sau 2 năm thực hiện thí điểm, Chương trình tìm gia đình thay thế cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt tại 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giúp giải quyết được 123 trường hợp. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn so với 1.088 trẻ em có nhu cầu đặc biệt tại 4 địa bàn thí điểm.
Mở ra cánh cửa đã khép lại
Một trong những nguyên tắc được Luật Nuôi con nuôi khẳng định là ưu tiên con nuôi trong nước. Tuy nhiên, những trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước là những trẻ em khỏe mạnh, không có vấn đề trầm trọng về sức khỏe, còn trẻ em có nhu cầu đặc biệt (chủ yếu là trẻ em bị các loại bệnh nặng, khó có khả năng chữa trị như viêm gan B, HIV, khuyết tật về não…) thì khó tìm được cha mẹ nuôi trong nước. Chương trình tìm gia đình thay thế do Quỹ Nhi đồng Liên Hợåp Quốc đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam ra đời trong bối cảnh đó. Tìm được những gia đình cha mẹ nuôi ở nước ngoài đã được chuẩn bị đầy đủ về mọi phương diện để đồng hành cùng các em trong cuộc đời là ý nghĩa lớn lao nhất mà chương trình này mang lại sau 2 năm thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh). Điều đáng nói là cùng với sự hỗ trợ của UNICEF, đã có 12 tổ chức tham gia thực hiện chương trình như TDH Canada, COFA, Providence (Mỹ)... Đây chính là việc hiện thực hóa quy định tại Luật Nuôi con nuôi cũng như cam kết của Việt Nam khi là thành viên của Công ước Lahaye về quyền trẻ em và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.
Đại diện Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp chia sẻ, tìm một gia đình sẵn sàng nhận nuôi một đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt là một việc làm khó, cần sự chuẩn bị chu đáo về điều kiện đón nhận và tâm lý đón nhận của người nhận nuôi, của con cái và những người thân trong gia đình. Từ nhu cầu đặc biệt của trẻ thì một trong những yêu cầu cơ bản của việc tìm cha mẹ nuôi là phải lựa chọn được những gia đình cha mẹ nuôi có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và chữa trị cho trẻ em bị bệnh tật hiểm nghèo và khuyết tật. Yêu cầu này đã mở ra những cánh cửa tưởng chừng như đã khép lại đối với những trẻ em bị bỏ rơi không may bị khuyết tật, bệnh nặng. Những báo cáo định kỳ đánh giá về tình hình sức khỏe cũng như tâm lý của các em được cha mẹ nuôi gửi về các Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em chính là những động lực để chương trình được mở rộng trên toàn quốc. Điều đáng nói, chương trình đã thúc đẩy lên những động thái tích cực từ địa phương, các bộ, ngành nỗ lực vì một cuộc sống tốt hơn cho các em có hoàn cảnh đặc biệt.
Xác nhận hồ sơ còn chậm
Đây không chỉ là nhận định của Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp), Sở Tư pháp – cơ quan quản lý nhà nước về nuôi con nuôi– mà còn là vấn đề được đại diện các Trung tâm Bảo trợ trẻ em tại 4 tỉnh, thành thí điểm quan tâm. Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, thời gian xác định đủ điều kiện nuôi con nuôi, bao gồm trình tự giới thiệu làm con nuôi đến việc ra quyết định cho trẻ em làm con nuôi khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, theo tính toán của Cục Nuôi con nuôi thì tính từ thời điểm Cục chấp thuận cho một tổ chức hỗ trợ, chăm sóc, y tế và tìm gia đình thay thế cho trẻ đến khi các em được xác định đủ điều kiện làm con nuôi người nước ngoài là từ 4 – 6 tháng, thậm chí có trường hợp kéo dài đến 1 năm. Hậu quả là, không ít trường hợp các em đã qua đời do chuyển biến của bệnh lý trước khi các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ.
Đại diện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, theo quy định tại Điều 33 Luật Nuôi con nuôi thì công an tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có trách nhiệm xác minh nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp. Tuy nhiên, hầu hết các hồ sơ này đều bị kéo dài thời gian. Như vậy, việc tìm mái ấm thay thế bị “vướng” vào các thủ tục hành chính với những điều kiện về xác minh nguồn gốc. Trong khi đó nhiều em mắc bệnh hiểm nghèo, kéo dài thời gian thủ tục hành chính ảnh hưởng đến cơ hội được nhận làm con nuôi của các em.
Không chỉ vướng về thời gian mà nội dung xác minh cũng chưa đáp ứng quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, đơn vị chịu trách nhiệm xác minh phải xác minh rõ ràng về nguồn gốc của trẻ, địa chỉ cư trú mới của bố, mẹ… Nhưng không ít hồ sơ chưa được xác định những nội dung trên đã được gửi về Sở Tư pháp. Khi được gửi đến Bộ Tư pháp, do nội dung xác minh chưa đạt yêu cầu, những hồ sơ này đã bị trả về Trung tâm bảo trợ trẻ em.
Từ thực tế này, đại diện nhiều Sở Tư pháp, Trung tâm Bảo trợ trẻ em đề nghị, cần ưu tiên xác minh sớm, tạo điều kiện cho các em sớm ra nước ngoài chữa bệnh. Trung tâm nuôi dưỡng Thị Nghè, TP Hồ Chí Minh đề xuất, đối với những trường hợp trẻ bị bệnh nặng đã có tổ chức, gia đình đồng ý nhận làm con nuôi, ngành Tư pháp cần phối hợp với công an xác minh sớm hơn hoặc giao lại cho Trung tâm trực tiếp với địa phương đi xác minh. Tất nhiên, để sớm hiện thực hóa được những đề xuất trên, thì không chỉ dừng lại ở sự chủ động của Bộ Tư pháp, cơ sở Bảo trợ mà còn sự vào cuộc của ngành công an.
Theo Nguyễn Quỳnh Thư/ Báo daibieunhandan.vn