Cập nhật: 26/03/2013 13:52:43 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp phấn đấu hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất lần đầu trong năm 2013 tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết: Trong năm qua, thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg, nhiều địa phương đã nghiêm túc triển khai, tập trung chỉ đạo, thực hiện một số giải pháp để đẩy mạnh cấp GCN; đã coi trọng chỉ đạo xây dựng hồ sơ địa chính gắn với cấp GCN, một số tỉnh, thành phố đã chỉ đạo triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong quản lý. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở nhiều địa phương chưa quyết liệt; số lượng tồn đọng chưa cấp GCN tại 22 tỉnh, thành phố còn nhiều; tổng số tồn đọng cần cấp năm 2013 gần 4 triệu giấy với diện tích khoảng trên 2 triệu ha (chiếm70% khối lượng cần thực hiện của cả nước). Những tồn tại này là do sự thiếu quyết tâm và chưa thực sự vào cuộc để chỉ đạo thực hiện Chỉ thị; việc đầu tư kinh phí cho thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp GCN còn hạn chế so với yêu cầu; hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất còn thiếu cán bộ, trang bị kỹ thuật; nhận thức pháp luật đất đai và các quy định về cấp GCN của cán bộ, chuyên môn, lãnh đạo quản lý ở các cấp còn hạn chế; nguồn gốc sử dụng đất của phần lớn các trường hợp tồn đọng là rất phức tạp, do tranh chấp, vi phạm luật đất đai.

 

Theo ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đến ngày 31-12-2012, có 20/22 tỉnh, thành phố trọng điểm đã có văn bản của UBND chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện Chỉ thị ở địa phương. Tuy nhiên, còn 8 tỉnh chỉ đạo thực hiện chậm (sang năm 2012 mới có văn bản) nhất là các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang và Đăk Nông; còn 2 tỉnh, thành phố chưa có văn bản chỉ đạo của UBND gồm Sơn La, Hải Phòng. Nhiều tỉnh đã tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả như: Thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác liên ngành ở các cấp tỉnh, huyện để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện; họp giao ban định kỳ giữa các cấp tỉnh, huyện, xã để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tạo sự quyết tâm cao trong việc cấp GCN ở địa phương; điển hình như các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quảng Ninh.

 

Về việc rà soát, thống kê các trường hợp tồn đọng chưa cấp GCN quyền sử dụng đất, ông Lê Văn Lịch cũng cho biết, trong số 22 tỉnh, thành phố trọng điểm, có 18 tỉnh, thành phố báo cáo đã rà soát thống kê kết quả và tình hình tồn đọng cấp GCN ở các tỉnh còn rất lớn, nhiều nhất là Hà Nội (khoảng 168.000 thửa đất và gần 500 nghìn căn hộ); Nghệ An (335.000 thửa), thành phố Hồ Chí Minh (311.000 thửa đất và căn hộ), Gia Lai (218.000 thửa)… Số liệu kết quả cấp GCN thời gian qua ở nhiều tỉnh còn chưa chính xác, sau khi rà soát, kết quả cấp giấy đến ngày 31-12-2012 của nhiều tỉnh giảm đi. Kết quả rà soát nêu trên còn cho thấy, số lượng các trường hợp tồn đọng có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm luật đất đai ở nhiều địa phương có khối lượng rất lớn, dưới nhiều hình thức, phổ biến là các trường hợp giao đất trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm đất đai nên các huyện, thị còn để lại chưa giải quyết.

 

Được biết, thời gian qua, việc bố trí kinh phí để thực hiện cấp GCN, trong năm 2012 các tỉnh thành phố chưa báo cáo tình hình đầu tư kinh phí cho công tác cấp GCN. Trách nhiệm của của tỉnh, thành phố là phải dành tối thiểu 10% tiền sử dụng đất thu hằng năm để đầu tư cấp GCN, tuy nhiên, chỉ có tỉnh Bắc Giang tăng đầu tư kinh phí so với năm 2011(32 tỷ đồng); các tỉnh, thành phố còn lại đều không thực hiện đúng yêu cầu; nhiều địa phương mặc dù khối lượng tồn đọng cần cấp GCN còn nhiều, nhưng việc đầu tư kinh phí trong năm 2012 vẫn còn rất hạn chế như Điện Biên (1 tỷ đồng), Lai Châu (2 tỷ đồng), Sơn La (4,8 tỷ đồng); có địa phương như thành phố Hải Phòng không bố trí kinh phí cho thực hiện cấp GCN mà giao cho cấp huyện phải bố trí, dẫn đến tình trạng đo vẽ xong bản đồ mà không triển khai được việc cấp GCN.

 

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến  về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ cấp GCN trong năm 2013. Trong đó, các ý kiến nhấn mạnh, địa phương cần thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện; cần xác định cụ thể số lượng thửa đất, diện tích đã cấp, chưa cấp GCN; số lượng trường hợp có tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai theo từng loại hình: Chuyển nhượng, chuyển mục đích trái phép, lấn chiếm đất công… Sở TN&MT và Văn phòng đăng ký các cấp phải cử cán bộ tăng cường cho cán bộ các xã, phối hợp với địa phương chủ động tổ chức cho người dân và các tổ chức sử dụng đất kê khai đăng ký đồng loạt cho từng xã mà không thụ động chờ người sử dụng đất đến đăng ký như trước đây; tăng cường công tác thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh những tiêu cực của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ./.

 

 

Theo Bích Liên / Báo dangcongsan.vn

Tệp đính kèm