Sau khi có thông tin 4 ngân hàng Việt Nam liên quan đến mạng lưới rửa tiền toàn cầu Liberty Reserve, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức phối hợp với Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, nhập cuộc điều tra.
Sau khi có thông tin 4 ngân hàng Việt Nam liên quan đến mạng lưới rửa tiền toàn cầu Liberty Reserve, một lãnh đạo Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này và Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an chính thức nhập cuộc điều tra, tìm hiểu đường đi nước bước của Liberty Reserve (LR - Công ty chuyên chuyển ngoại hối và thanh toán trực tuyến đặt trụ sở tại Costa Rica), sau khi có thông tin các ngân hàng (NH) Ngoại thương, Công thương, Á Châu và Đông Á có liên quan trong vụ rửa tiền qua mạng của công ty này.
Giới chức Mỹ hôm 28.5 đã công bố “vụ rửa tiền lớn nhất nước Mỹ”, qua việc truy tố công ty ngoại hối LR và 7 lãnh đạo công ty này. LR bị cáo buộc rửa tiền 6 tỉ USD trong vòng 7 năm. Được thành lập năm 2006, LR đăng ký hoạt động tại Costa Rica và là một cơ sở chuyển tiền điện tử hoạt động hết sức tích cực. Liberty Reserve sử dụng loại tiền điện tử “LR”, giúp gửi tiền cho bất kỳ ai và bất cứ nơi nào trên thế giới mà không để lại dấu vết và đứng ngoài mọi quy định. LR được sử dụng tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Nigeria, Trung Quốc và Mỹ.
Dù đã nhận được phản hồi từ phía 4 ngân hàng nói trên không liên quan gì tới Liberty Reserve (LR), nhưng trước một vụ việc chấn động, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức phối hợp với Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, nhập cuộc điều tra, phối hợp xác minh các thông tin liên quan đến đường dây rửa tiền này và sẽ sớm có thông tin tới báo chí để người dân được rõ.
Trang mạng đứng tên tổ chức này lâu nay cung cấp dịch vụ chuyển tiền, cho phép người dùng mua, bán tiền LR và theo giới thiệu, việc chuyển tiền sẽ được gửi qua một trong bốn ngân hàng trên. Ngay sau khi vụ rửa tiền bị phanh phui ở Mỹ, trang mạng LR tại Việt Nam cũng gửi thông báo dừng mọi hoạt động và khẳng định: "Trong thời gian này mọi hoạt động giao dịch sẽ không thể thực hiện được, kể cả giao dịch đổi tiền liên ngân hàng Việt Nam".
Tại VN, việc giao dịch tiền ảo LR được tiến hành qua rất nhiều tên miền khác nhau, như libertyreserve.com.vn, libertyreserve.net.vn, autoexchange.net, exchange24h.vn… Điều đáng lo ngại, là theo các hướng dẫn trên các website này, chỉ cần lập một tài khoản là những người sử dụng có thể thực hiện các giao dịch sử dụng tiền ảo LR để mua bán trực tuyến, thậm chí đổi thành tiền thật thông qua tài khoản tại một số ngân hàng ở VN.
Ngoài LR, một số website còn cho ra đời nhiều dịch vụ mua bán, trao đổi các loại tiền ảo thịnh hành khác trên thế giới như Perfect Money, Payza, Paypal, WMZ, BitCoin... và một số loại tiền ảo trong nước như Bảo Kim, Ngân Lượng...
Riêng với tiền ảo LR, để sở hữu tiền ảo này những người sử dụng phải chuyển tiền thật vào tài khoản của các chủ sở hữu website tại ngân hàng, sau đó tiền ảo LR sẽ được chuyển về tài khoản trên web của người sử dụng. Giá trị đồng tiền thường tương đương hoặc thấp hơn chút ít so với giá USD.
Theo tìm hiểu, trước khi tổ chức này bị đánh sập, có rất nhiều dịch vụ, hàng hóa giao dịch qua mạng chấp nhận đồng tiền ảo LR, như một thứ ngoại tệ có tính thanh khoản cao.
Anh Nguyễn Trọng, một người thường dùng các dịch vụ thanh toán trực tuyến cả trong và ngoài nước nhận xét: "LR là một mạng giao dịch tiện lợi, nhanh chóng, đặc biệt là người mua và người bán không hề biết nhau. Cũng chính vì vậy mà các giao dịch đen thường được thực hiện tại đây". Anh cho biết thêm, LR được sử dụng khá nhiều để mua các tài khoản tín dụng bị ăn cắp ở nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên , đại diện một ngân hàng cho biết trường hợp thành viên các website này, hoặc thành viên LR lập tài khoản để giao dịch tiền thật tại ngân hàng thì cũng giống như các khách hàng khác. Bộ phận chống rửa tiền tại các ngân hàng sẽ “để ý” tới các tài khoản này nếu lượng tiền đổ vào đó từ các tài khoản khác đều đặn và đủ nhiều. Các quy định về chống rửa tiền đều rất chi tiết và chặt chẽ.
Theo nhận định của lãnh đạo một ngân hàng, do không có quy định nào xác định tiền ảo này là ngoại tệ hay trang mạng thanh toán không phải là điểm giao dịch hoặc thu đổi ngoại tệ nên NHNN cũng khó xử lý.
Trao đổi với PV, Luật sư Kiều Đại Bằng cho biết, nếu những trang website làm đối tác chuyển đổi tiền ảo LR này không được cấp phép thì họ đã hoạt động sai luật. Trong trường hợp, cơ quan chức năng điều tra ra các giao dịch chuyển đổi tiền thì không những bị truy hoàn số tiền trên cho Nhà nước mà còn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo phapluatxahoi.vn/