Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong ba ngày (từ ngày 2 đến 4-6) với sáu môn thi như mọi năm, nhưng nội dung và tính chất đã có nhiều khác biệt.
Tại kỳ thi này, quy chế thi đã có nhiều thay đổi và bổ sung như tổ chức thi theo cụm, chấm chéo bài thi giữa các địa phương; nhất là có cả lực lượng lớn thanh tra, giám sát được huy động từ các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, việc ra đề thi, coi thi, chấm thi cũng đã được ngành chủ quản quán triệt theo tinh thần siết chặt hơn.Ðây được coi là động thái tích cực, thể hiện quan điểm của ngành giáo dục và đào tạo là nhằm tổ chức kỳ thi một cách nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất trình độ văn hóa của học sinh; từ đó tạo tiền đề cho việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia sau này (lấy kết quả thi để vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ÐH, CÐ, trung cấp).
Ðến thời điểm này, việc chuẩn bị mọi điều kiện cho kỳ thi dường như đã gần hoàn tất, từ việc bố trí các cụm thi, phòng thi, huy động và tập huấn cán bộ coi thi, chọn địa điểm in, sao đề, v.v. Nhiều tỉnh, thành phố còn đề ra phương án dự phòng, đối phó mưa, bão, lũ lụt, ùn tắc giao thông, sự cố mất điện. Nhất là nhiều tỉnh thuộc vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa chuẩn bị chu đáo, tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích, giúp đỡ các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia kỳ thi.
Tuy nhiên, xác định và coi kỳ thi này là bước đệm cho những đột phá về đổi mới, cải tiến các kỳ thi và tuyển sinh tiếp theo, cho nên càng không thể chủ quan, lơ là. Thực tế thi cử ở nước ta nhiều năm qua cũng đã từng có những bài học và kinh nghiệm quý giá. Bởi vậy, các ngành, các cấp, từng nhà trường, cả phụ huynh và học sinh cần kiểm tra lại từng khâu, từng công đoạn của kỳ thi, nhất là về cơ sở vật chất, kỹ thuật ở từng cụm thi, trường thi cũng như việc huy động và tập huấn cán bộ coi thi, giám sát. Ngành giáo dục và đào tạo cần phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với các ngành có liên quan như: công an, điện lực, giao thông vận tải, y tế, bưu điện và chính quyền địa phương các cấp để tất cả cùng vào cuộc, góp sức tổ chức kỳ thi thật sự an toàn, nghiêm túc. Ðáng lưu ý, năm nay, mặc dù quy định tổ chức theo cụm nhưng một số trường vẫn phải thi riêng lẻ do khó khăn về giao thông đi lại hoặc về cơ sở vật chất. Ngành giáo dục và đào tạo cần phối hợp chặt chẽ các địa phương chuẩn bị chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi, không để thí sinh bỏ thi với những lý do không đáng có. Việc chấm chéo các bài thi tự luận giữa các địa phương có những mặt ưu điểm nhất định nhưng nếu kiểm tra, giám sát lỏng lẻo, thiếu nghiêm túc sẽ dễ dẫn tới những hiện tượng tiêu cực. Ðó là chưa kể khâu ra đề thi cần bảo đảm tính chính xác, khoa học, phù hợp trình độ của nhiều đối tượng học sinh (ba ban của giáo dục THPT, giáo dục trung học thường xuyên), nhiều loại kiến thức chương trình (chương trình chuẩn và chương trình nâng cao). Một kỳ thi diễn ra trên phạm vi cả nước cùng một thời điểm, với quy mô hơn 1,1 triệu thí sinh đang theo học trong gần 3.200 trường phổ thông quả là một khó khăn, phức tạp cho những người trực tiếp làm công tác thi. Ðể kỳ thi diễn ra thật sự an toàn, nghiêm túc, nhất là đánh giá đúng thực chất việc dạy và học trong nhà trường phổ thông, trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục - đào tạo nói chung, từng trường học nói riêng, mà còn cần sự chung vai, gánh vác, chia sẻ trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể, các bậc phụ huynh và mỗi một thí sinh dự thi.
Theo ND