Cập nhật: 31/07/2009 22:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII), ngành giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy vậy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV) lại chưa được như mong muốn, trong đó có những thiếu sót khuyết điểm, nếu không sớm khắc phục, ngăn chặn thì sẽ có nguy cơ làm hỏng một bộ phận chủ nhân tương lai của đất nước sau này.

 

Thông báo số 242 - TB/T.Ư (ngày 15-4-2009) đã nêu quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị: "Cần coi trọng cả ba mặt giáo dục: dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; đặc biệt chú ý giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, giáo dục về Ðảng".

 

Khi thực hiện "giáo dục về Ðảng" cho HSSV cần tập trung làm rõ một số nội dung sau:

 

Thứ nhất, Ðảng ta ra đời là một tất yếu khách quan trong tiến trình lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta vào nửa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ðảng ra đời gắn liền với những hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: Người tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, trực tiếp chuẩn bị tổ chức, chủ trì Hội nghị thành lập Ðảng. Sự ra đời của Ðảng là bước ngoặt lịch sử, mở ra con đường cách mạng của dân tộc Việt Nam, là điều kiện tiên quyết cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi về sau.

 

Thứ hai, các lãnh tụ Ðảng, đảng viên đều là những người ưu tú của quần chúng cách mạng, lòng tràn đầy yêu nước, dám đấu tranh chống áp bức bóc lột, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập dân tộc và sự phồn vinh của Tổ quốc, luôn tiên phong và kiên cường bất khuất trong mọi hoàn cảnh, tất cả vì một mục tiêu phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Sự hy sinh của nhiều thế hệ đảng viên, cán bộ của Ðảng cũng như quần chúng cách mạng chính là tấm gương sáng ngời về đạo đức lý tưởng cách mạng, thế hệ trẻ cần phải ghi nhớ công lao các bậc tiền bối và phải biết sống, học tập, cống hiến cho xứng đáng với sự hy sinh của họ, đó cũng là nghĩa cử báo đáp công ơn của Ðảng, Bác Hồ.

 

Thứ ba, từ ngày thành lập đến nay, Ðảng CSVN không ngừng lớn mạnh, số lượng đảng viên và hệ thống tổ chức của Ðảng ngày càng tăng lên và hoàn thiện, bảo đảm tuyệt đối vị thế cầm quyền của Ðảng đối với cách mạng  nước nhà, được nhân dân tin yêu, ủng hộ, góp ý xây dựng cho Ðảng ngày càng vững mạnh. Mặc dù còn có những khuyết điểm, yếu kém nhưng Ðảng vẫn thật sự là một tổ chức chính trị được khẳng định trên các phương diện lịch sử, pháp lý, tư tưởng và tình cảm nhân dân. Cần phải lên án và hết sức cảnh giác với những luận điệu bôi nhọ, chống phá Ðảng do các thế lực phản cách mạng trong nước và quốc tế câu kết với nhau thực hiện.

 

Thứ tư, sự phát triển và lớn mạnh của Ðảng không chỉ dựa vào sức mạnh của nhân dân, mà còn dựa trên nền tảng tư tưởng, lý luận cách mạng, đó là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhờ vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng vào hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam mà Ðảng ta đã đề ra được đường lối đúng đắn, đưa cách mạng nước ta tiến lên. Do vậy, việc học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cần thiết để giúp cho HSSV nắm được quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng mà triển khai thực hiện, mà học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng.

 

Thứ năm, nhân dân ta đã chịu nhiều hy sinh, gian khổ, một lòng một dạ đi theo Ðảng, những thắng lợi của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng là do xương máu, công sức của nhân dân mà có, cho nên bằng mọi giá phải bảo vệ thành quả đó. Thành quả cách mạng đã từng bước nâng cao mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi cơ chế cũng đã nảy sinh nhiều tiêu cực, nhất là tệ tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, gây mất niềm tin trong nhân dân, tạo kẽ hở cho kẻ thù kích động, bôi nhọ uy tín Ðảng. Vì vậy, bảo vệ uy tín Ðảng là trách nhiệm của mọi người dân yêu nước nhưng tin yêu Ðảng, bảo vệ Ðảng không có nghĩa là bao che, mà là đấu tranh, tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng theo tinh thần Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

 

Ðể công tác "giáo dục về Ðảng" đạt hiệu quả cao cần chú ý nâng cao nhận thức và đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:

 

Thực tế đã và đang có những biểu hiện coi nhẹ giáo dục tư tưởng, chính trị cho thế hệ trẻ. Thực chất đây là những biến tướng của chủ nghĩa thực dụng, mơ hồ chính trị (coi kiến thức, kỹ năng gắn với nghề nghiệp là trên hết để kiếm sống, còn không cần kiến thức về tư tưởng chính trị; coi giáo dục đứng ngoài chính trị); thậm chí đây còn là một thủ đoạn của âm mưu "diễn biến hòa bình". Những bài học kinh nghiệm xương máu từ sự đánh mất vai trò cầm quyền của Ðảng Cộng sản Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu vẫn là một bài học liên quan tới vấn đề này. Cần khẳng định tính bắt buộc đối với nội dung giảng dạy, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV. Mỗi HSSV phải coi những hiểu biết về Ðảng, về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hành trang không thể thiếu để thế hệ trẻ Việt Nam tiếp bước cha anh xây dựng đất nước theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

 

Ðể việc tuyên truyền, giáo dục chính trị cho HSSV không bị rơi vào hình thức, khô cứng, các cấp chỉ đạo, quản lý cần lựa chọn những nội dung vừa sức, phù hợp từng đối tượng (phổ thông, sau phổ thông; chuyên ngành, không chuyên ngành) để đưa vào chương trình giáo dục; không tách giáo dục về Ðảng thành một nội dung độc lập, mà nên gắn kết, lồng ghép trong từng môn học liên quan. Tránh thuyết giảng một chiều, mà phải tăng cường các hoạt động tìm tòi, trao đổi, thâm nhập thực tế; đưa người học vào một phạm vi không gian mở hơn với các nguồn thông tin. Ðề cao ý nghĩa giáo dục của các di tích lịch sử, các tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, truyền hình, các nhân chứng lịch sử, những tấm gương "người đương thời". Việc kiểm tra, thi cử, làm luận văn, luận án cần tránh lối tái hiện kiến thức đã có trong tài liệu, để tăng cường luận giải những vấn đề có tính lịch sử, chính trị, xã hội của đất nước, gắn với vai trò lãnh đạo của Ðảng; khuyến khích sự phản biện xã hội một cách có khoa học, nhằm phản bác các luồng tư tưởng độc hại hòng xuyên tạc, hạ uy tín của Ðảng.

 

Những người trực tiếp làm công tác chỉ đạo, quản lý, nhất là những nhà giáo làm công tác giảng dạy, giáo dục chính trị, tư tưởng trong các nhà trường cần nâng cao tính tự giác, bản lĩnh chính trị, xác định công tác của mình có tính đặc thù, chứ không đơn thuần là một nghề làm công hưởng lương. Do vậy, phải không ngừng trau dồi tư tưởng chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; không ngừng nghiên cứu để tìm ra những giá trị sâu sắc từ lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục thế hệ trẻ.

 

 

Theo TS Trần Viết Lưu - Ban Tuyên giáo T.Ư

              Báo ND Online

 

Tệp đính kèm