Cập nhật: 01/11/2009 21:39:23 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra thông tư ban hành quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Theo đó, việc đánh giá học sinh được thực hiện thường xuyên và định kỳ, giáo viên khi nhận xét không dùng những từ ngữ gây tổn thương học sinh.

Nguyên tắc đánh giá và xếp loại căn cứ theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và các nhiệm vụ của học sinh; kết hợp đánh giá định lượng và định tính, giữa đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học sinh; thực hiện công khai, công bằng, khách quan, chính xác và toàn diện; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh, không tạo áp lực cho cả học sinh và giáo viên.

Có 5 nội dung đánh giá về hạnh kiểm theo kết quả rèn luyện đạo đức và kỹ năng sống. Giáo viên đánh giá thường xuyên, chú ý đến quá trình tiến bộ của học sinh, ghi nhận xét cụ thể những điểm học sinh đã thực hiện và chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên giúp đỡ học sinh tự tin trong rèn luyện, thông nhất với cha mẹ học sinh các biện pháp giáo dục học sinh.

Về đánh giá và xếp loại học lực, giáo viên phải thực hiện đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên được thực hiện ở tất cả các tiết học theo quy định của chương trình nhằm mục đích theo dõi, động viên, khuyến khích hay nhắc nhở học sinh học tập tiến bộ, đồng thời để giáo viên đổi mới phương pháp, điều chỉnh hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục nhằm đạt hiệu quả thiết thực. Đánh giá thường xuyên được tiến hành dưới các hình thức kiểm tra thường xuyên (KTTX), gồm: kiểm tra miệng, kiểm tra viết (dưới 20 phút), quan sát học sinh qua hoạt động học tập, thực hành vận dụng kiến thức, kĩ năng

Đánh giá định kì kết quả học tập của học sinh được tiến hành sau từng giai đoạn học tập, nhằm thu nhận thông tin cho giáo viên và các cấp quản lí để chỉ đạo, điều chỉnh quá trình dạy học; thông báo cho gia đình nhằm mục đích phối hợp động viên, giúp đỡ học sinh.

Thông tư quy định rõ kết quả học tập của học sinh được ghi nhận bằng điểm kết hợp với nhận xét cụ thể của giáo viên, trong đó nhận xét của giáo viên về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng, không dùng những từ ngữ gây tổn thương học sinh.

Khi học sinh có điểm kiểm tra định kỳ bất thường so với kết quả học tập hàng ngày hoặc không đủ số điểm kiểm tra định kỳ đều được kiểm tra bổ sung.

Đối với học sinh khuyết tật, việc đánh giá thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của học sinh là chính; đảm bảo quyền được chăm sóc và giáo dục của tất cả học sinh.

Nhà trường, giáo viên căn cứ vào kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân của từng học sinh; dựa vào mức độ đáp ứng các phương tiện hỗ trợ đặc thù, mức độ và loại khuyết tật để đánh giá theo cách phân loại sau: Học sinh khuyết tật có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục chung được đánh giá, xếp loại dựa theo các tiêu chí của học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ về yêu cầu; Học sinh khuyết tật không đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục chung được đánh giá dựa trên sự tiến bộ của học sinh và không xếp loại đối tượng này.

Đối với học sinh lang thang cơ nhỡ học ở các lớp học linh hoạt, việc đánh giá dựa trên kết quả kiểm tra hai môn Toán, Tiếng Việt theo chương trình đã điều chỉnh.

Thông tư quy định rõ giáo viên chủ nhiệm thông báo kết quả đánh giá, xếp loại hạnh kiểm, xếp loại học lực từng môn học, xếp loại giáo dục của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ. Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điểm chưa tốt của từng học sinh.

Thông tư có hiêu lực thi hành từ ngày 11-12-2009, thay thế Quyết định 30/2005/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Các quy định trước đây trái với quy định tại thông tư này đều bị bãi bỏ.

 

Theo Ngọc Trác – Báo NDĐT

Tệp đính kèm