Cập nhật: 10/12/2009 21:50:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an, từ năm 2005-2008, có hơn 8.000 trường hợp học sinh sinh viên vi phạm pháp luật hình sự với nhiều hành vi: đánh nhau gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản, xâm hại sức khỏe, tính mạng cho đến tội phạm ma túy,...

Con số này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông về tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng và cần có những liệu pháp trị liệu tích cực về cả luật pháp, tâm lí và giáo dục.

 

Học sinh phạm tội gia tăng

 

Tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm trong học sinh phổ thông.

 

 

Học sinh càng lên các lớp cao, tình trạng đi xuống về đạo đức, lối sống, nề nếp học tập, sinh hoạt càng gia tăng. (Cô giáo Lê Nguyên Hương - Trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội)

 

Cơ quan công an cho biết hiện có khoảng gần 20.000 thanh niên bỏ học, sống lang thang, bụi đời, thông qua mạng Internet để kết thành băng nhóm sử dụng ma tuý, gây ra nhiều vụ đánh nhau, gây rối trật tự xã hội, cướp tài sản... Ở một số nơi vẫn còn tình trạng học sinh mang hung khí đến trường, sẵn sàng tụ tập đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn.

 

TS tâm lý học Trương Bích Hà, giám đốc một trung tâm tham vấn học đường kể: Một bà mẹ phát hiện con gái lấy cắp tiền của mình nhiều lần đã hoảng sợ và sốc nặng. Trong một ca tham vấn tâm lý, cô con gái giải thích “lấy cắp tiền vì muốn có một chiếc điện thoại giống của  mẹ”.

 

Ở Hà Tĩnh, một học sinh không được thi tốt nghiệp dọa hành hung thầy giáo, một học sinh khác ở Thanh Hóa chém cô giáo chỉ vì cô đã can thiệp không cho mình thi lại. Hà Nội cũng có nhóm học sinh lớp 10 tổ chức cướp tiền của cô giáo chỉ để trả thù.

 

Tại các đô thị lớn, tình trạng “phân đẳng cấp” trong giới học sinh đang là vấn đề bức xúc. Trong đó những nhóm học sinh bị lôi kéo vào tầng lớp “đẳng cấp cao” từ chỗ chỉ chạy theo xe đẹp, thời trang đẹp, điện thoại đẹp đến chỗ thuê nhà nghỉ cắn thuốc lắc, xem phim sex, nghiện chơi games, sử dụng ma túy, tổ chức đua môtô trên đường phố, thậm chí tổ chức lừa đảo, cướp giật.

Tình trạng học sinh nghiện chơi games, chát, dẫn đến sao nhãng học hành, bỏ học. Có học sinh  vì không có tiền để chơi đã trộm cắp, giết người để cướp của và sẵn sàng bán mình chỉ vì vài chục nghìn “cứu nét”.

 

Cần nhiều giải pháp tích cực

 

Đa số các đại biểu đều cho rằng: Sở dĩ có tình trạng một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc về lối sống, đạo đức dẫn đến sa đà vào tệ nạn xã hội và phạm tội là do áp lực từ việc dạy học kiến thức thuần túy đã khiến vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Chương trình học nặng nề, áp lực thi cử khiến thầy cô giáo chỉ lo truyền dạy kiến thức, bỏ quên việc “chăm sóc tinh thần” cho học sinh ở các trường phổ thông. Hiện nay, ít có thầy cô giáo chủ nhiệm nào hiểu cặn kẽ được hoàn cảnh, tâm tư, mong ước của học sinh lớp mình hoặc hiểu nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch lạc của các em.  Không được nhà trường trang bị bản lĩnh đạo đức, kỹ năng sống nên nhiều học sinh không chống đỡ nổi với cạm bẫy, cám dỗ, phát triển tâm lý lệch lạc, thậm chí vi phạm pháp luật. Thay vì bù đắp những hẫng hụt về tinh thần của các em, nhà trường chỉ biết áp dụng hình phạt.

 

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng học sinh càng lên lớp cao tình trạng đi xuống về đạo đức, lối sống càng gia tăng là do việc thực hiện chương trình giáo dục trung học đang bị mất cân đối.  Từ đó, cô giáo Lê Nguyên Hương, Hà Nội kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần bố trí thời gian, chương trình sao cho các nhà trường có thời gian dạy học sinh “làm người” chứ không chỉ học chữ. Nếu nhà trường tổ chức được nhiều hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh tham gia sẽ tránh được nguy cơ các em sa đà vào các việc tiêu cực ngoài xã hội.

 

Thạc sĩ Đỗ Thị  Hải- Viện Nghiên cứu môi trường  và các vấn đề xã hội cho rằng, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, áp lực học tập thi cử, sự quá tải của chương trình giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối nhiễu tâm lý ở trẻ vị thành niên. Theo bà Hải, để nâng cao đạo đức, lối sống cho học sinh rất cần sự hỗ trợ của người lớn. Bộ GD&ĐT cần xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng sống cho từng cấp học, đào tạo  giáo viên, đưa môn này vào dạy trong chương trình học như một môn bắt buộc.

 

Việc học sinh vi phạm đạo đức, lối sống và phạm pháp gia tăng không chỉ là vấn đề nằm trong phạm vi gia đình và nhà trường mà đã trở thành một vấn đề xã hội phức tạp. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, việc giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực trong học sinh phổ thông cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài được triển khai một cách đồng bộ. Như việc xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn và đạo đức tốt, đặc biệt là xây dựng lực lượng giáo viên chuyên thực hiện việc này và đội ngũ giáo viên làm công tác Đoàn Đội; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; thiết lập, góp ý chương trình cho hiệu quả hơn... Về lâu dài, nên thực hiện tốt phong trào “Xây dựng  trường học thân thiện - học sinh tích cực”; tăng cường cơ sở vật chất, tạo cơ hội có nhiều thời lượng cho hoạt động dạy học đạo đức...

 

 

Theo VanHoa Online

Tệp đính kèm