Cập nhật: 20/12/2009 17:38:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với quyết tâm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD và ÐT), năm qua, ngành chủ quản đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, lấy chủ đề năm học 2009-2010 là năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.

Với sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước; bằng việc thông qua các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua sôi nổi, GD  và ÐT nước nhà đang có bước chuyển đáng kể, tạo tiền đề cho việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.

 

Kết quả từ các cuộc vận động và phong trào thi đua thiết thực 

 

Trước thực trạng GD và ÐT đang còn nhiều yếu kém, nhất là chất lượng đào tạo thấp và không đồng đều giữa các vùng miền, ngành chủ quản đã chủ động tìm hướng tháo gỡ. Ðộng thái đáng kể đầu tiên là việc ngành đề ra ba cuộc vận động lớn như: Cuộc vận động Học tập và  làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Năm học qua, toàn ngành triển khai phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. TS Văn Ðình Ưng, Thành viên Ban chỉ đạo phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (Bộ GD và ÐT) cho biết: Các cuộc vận động và phong trào nói trên được phát động đang dần đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa lớn, được đông đảo các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục khắp nơi trong cả nước hưởng ứng nhiệt liệt. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục cơ bản từng bước được nâng lên. Tình trạng học sinh yếu kém và vi phạm về đạo đức nhà giáo giảm. Môi trường giáo dục lành mạnh trong nhà trường được xác lập. Nhiều tấm gương tận tụy vì học sinh thân yêu, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới GD và ÐT được biểu dương kịp thời. Từ phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, ngành huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xã hội và ngoài nhà trường tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả và giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là về đạo đức và nhân cách. Chính từ phong trào này mà học sinh khắp nơi trong cả nước; nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn từng bước đáp ứng yêu cầu ba đủ (đủ ăn, đủ sách vở, đủ quần áo), một có (có chỗ học tập ổn định, thuận lợi) cũng như ba biết (biết các chính sách của Nhà nước hỗ trợ học tập của con em các gia đình thuộc các vùng miền khác nhau, có hoàn cảnh gia đình khác nhau, trong đó có chính sách khuyến khích học nghề đối với con em nông dân; biết nhu cầu lao động và việc làm ở địa phương và vùng lân cận để từ đó quyết định việc học nghề, học đại học, cao đẳng, trung cấp một cách hợp lý; biết chọn các cơ sở học tập và đào tạo phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình). Chính cũng từ những cuộc vận động và phong trào nói trên mà công tác phổ cập giáo dục và đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục trong các cấp học đã đạt kết quả đáng kể. Hiện đã có 47/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Các địa phương đang khắc phục khó khăn để thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi. Các vùng khó khăn đã tập trung điều kiện phát triển giáo dục mầm non, tăng nhanh số trẻ mẫu giáo năm tuổi được đến trường. Ðội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở cấp học này dần ổn định và từng bước nâng cao chất lượng. Ðáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội (khóa 10), ngành GD và ÐT đã triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, nhờ đó khắc phục được những hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông. Nội dung các chương trình, tài liệu phục vụ giáo dục thường xuyên ngày càng phong phú; nhất là đối với chương trình đáp ứng nhu cầu người học trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư, công nghệ thông tin - truyền thông; chăm sóc sức khỏe cộng đồng và hoạt động dịch vụ. Hình thức tổ chức học tập của loại hình này  ngày càng linh hoạt, hấp dẫn, phù hợp và đáp ứng nhu cầu cho nhiều đối tượng theo học. Năm học 2008-2009, ngành GD và ÐT cũng đã tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, trên cơ sở đó, nâng cao kỹ năng thực hành, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Ðội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trung cấp chuyên nghiệp tăng cả về số lượng và trình độ. Bên cạnh đó, giáo dục đại học cũng có những giải pháp đột phá, tạo bước phát triển về quy mô, mạng lưới; nhất là chất lượng và hiệu quả đào tạo được nâng lên. Ðáng chú ý năm qua, ngành chủ trương thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, công bố chuẩn đào tạo và cam kết thực hiện ba công khai tại tất cả các bậc học (công khai về chất lượng đào tạo, công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và công khai thu chi tài chính). Ngoài ra, việc chăm lo, đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; việc củng cố tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, thiết bị giáo dục và triển khai, thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên cũng đạt kết quả cao hơn.

Tóm lại, những thành tựu đạt được nói trên tạo tiền đề cho GD và ÐT nước nhà tiếp tục phát triển ở những năm sau. Nhất là quản lý nhà nước về giáo dục đã có nhiều tiến bộ, trong đó quản lý chất lượng giáo dục được thực hiện ngày một thực chất hơn. Cơ chế quản lý tài chính giáo dục đã được xác lập, tạo nguồn lực để phát triển. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục có chuyển biến mới về chất. Nhiều chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển giáo dục 2009-2010 đã được thực hiện, tạo cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện chất lượng phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.

 

Còn nhiều khó khăn, thách thức

 

Mặc dù GD và ÐT nước nhà đã  có những bước tiến mới, đã nâng cao dần chất lượng ở mọi bậc học, cấp học nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều trở ngại và khó khăn, thách thức.  Ðó là, quản lý hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập, hạn chế hiệu quả và chất lượng giáo dục. Phân cấp quản lý giáo dục chưa hợp lý giữa Bộ GD và ÐT với các bộ, ngành, địa phương. Cơ chế quản lý tài chính còn bất hợp lý. Quy hoạch, quản lý cán bộ chưa hiệu quả. Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý theo yêu cầu mới chậm được triển khai. Hệ thống quản lý chất lượng giáo dục mới hình thành, chưa phát huy vai trò trong thực tế. Công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, chậm tiến độ. Kết quả về đổi mới phương pháp dạy và học còn thấp, vẫn phổ biến tình trạng dạy theo cách "đọc chép". Ngành đã có chỉ đạo bước đầu nhưng vẫn chưa thống nhất được mô hình, phương pháp và tài liệu phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học. Tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở các cấp học kéo dài nhiều năm, nhưng chưa giải quyết triệt để. Phương pháp và chất lượng đào tạo giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của giáo dục. Cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu thốn và lạc hậu như thiếu đất, trường, lớp; trường học chưa bảo đảm vệ sinh môi trường, thiếu nhà vệ sinh, nước sạch; hệ thống thư viện còn nghèo nàn; phòng học bộ môn còn hạn chế về số lượng và chất lượng; thiết bị dạy học thiếu, chưa đồng bộ và hiệu quả sử dụng kém; chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng thiết bị dạy học của giáo viên để phục vụ cho giảng dạy và đổi mới phương pháp dạy học. Sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. 

 

 

Ðáng chú ý, tháng 4-2009, Bộ Chính trị đã ra kết luận, đánh giá tình hình giáo dục và chỉ rõ: Hệ thống giáo dục hiện thiếu đồng bộ, chưa liên thông, mất cân đối giữa các cấp học, ngành học, cơ cấu, trình độ, ngành nghề, vùng miền. Việc giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống, về truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, về Ðảng, về quyền lợi và nghĩa vụ công dân cho học sinh, sinh viên chưa được chú ý đúng mức cả về nội dung và phương pháp; giáo dục phổ thông mới chỉ quan tâm nhiều đến "dạy chữ", chưa quan tâm đúng mức đến "dạy người", kỹ năng sống và "dạy nghề" cho thanh thiếu niên. Chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa; nhà trường chưa gắn với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp, chưa chú trọng phát huy tính sáng tạo, năng lực thực hành của học sinh, sinh viên; thi cử còn nặng nề, tốn kém. Phổ cập giáo dục trung học cơ sở nhiều nơi chưa vững chắc. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực của đất nước. Ðạo đức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục còn thấp. Chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục còn bất cập, chưa đề ra được những giải pháp kịp thời, có hiệu quả để khắc phục hạn chế, yếu kém. Ðịnh hướng liên kết đào tạo với nước ngoài để xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, dân tộc, xã hội chủ nghĩa còn nhiều lúng túng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về công tác xã hội hóa giáo dục, làm hạn chế khả năng thu hút các nguồn lực để chăm lo cho sự nghiệp GD và ÐT.

 

Cần có giải pháp mang tính đột phá

 

Ðể năm học mang chủ đề: Ðổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đạt kết quả cao, thời gian tới, ngành GD và ÐT cần  tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là đề ra được những giải pháp phù hợp thực tiễn và mang tính đột phá. Theo đó, trên đà kết quả đã thu được, cần tiếp tục thực hiện tốt ba cuộc vận động và phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong toàn ngành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Ðáng chú ý, lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng GD và ÐT. Với vai trò người đứng đầu ngành giáo dục, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD và ÐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Khâu đổi mới này trước tiên liên quan đến việc phải có quy hoạch và chiến lược giáo dục. Trên cơ sở đó, triển khai các biện pháp khác mà ngành GD và ÐT đang làm như tiếp tục hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa các cấp học phổ thông. Với giáo dục đại học, các địa phương cần rà soát chương trình, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, công bố chuẩn đào tạo của từng trường.

Ngành GD và ÐT cũng cần đẩy mạnh việc phân cấp và phối hợp quản lý giáo dục giữa các bộ, ngành và các địa phương; tạo sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ GD và ÐT và các bộ ngành, các địa phương trong quản lý các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Mặt khác, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hệ thống trường học. Triển khai và áp dụng mạnh mẽ chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học; chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và chuẩn nghiệp vụ giáo viên trung cấp chuyên nghiệp. Năm học này và những năm học tiếp theo, thực hiện triệt để việc công khai đối  với các cơ sở giáo dục của cả hệ thống giáo dục quốc dân; đồng thời đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo; nhất là việc điều chỉnh từng bước cơ cấu chi ngân sách Nhà nước cho các cấp học theo hướng ưu tiên để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, hỗ trợ phổ cập mẫu giáo năm tuổi; bảo đảm chi cho giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn, v.v. Ngành cũng cần tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như duy trì kết quả về nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và chống mù chữ; triển khai một cách chủ động, sáng tạo sự phối hợp giữa ngành GD và ÐT với các tổ chức xã hội, nhằm quan tâm việc học tập của các em. Phát động phong trào thi đua trong việc đổi mới phương pháp dạy học, chấm dứt tình trạng dạy học chủ yếu qua "đọc - chép". Giải pháp không kém phần quan trọng là cần đẩy mạnh tiến độ triển khai Ðề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên cũng như xây dựng nhà ở cho học sinh dân tộc bán trú. Giai đoạn tới cũng là thời điểm ngành GD và ÐT cần tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên; sớm khắc phục tình trạng thiếu và mất cân đối giáo viên tại các vùng miền; nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, v.v.

Ðể GD và ÐT nước nhà phát triển và trở thành "quốc sách hàng đầu", phía trước còn nhiều việc cần làm. Tin rằng dưới sự lãnh đạo của Ðảng và sự quản lý, chỉ đạo của Nhà nước, sự đồng tâm hợp lực của các ngành, các cấp, các lực lượng trong toàn xã hội; sự chủ động sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước, GD và ÐT nước nhà sẽ có những bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HÐH đất nước và hội nhập kinh tế thế giới.

 

 

Theo ND Online

Tệp đính kèm