Cập nhật: 18/05/2010 15:53:52 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều 17.5, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, Hội nghị sơ kết triển khai Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học đã diễn ra tại 6 đầu cầu với sự tham gia của hơn 1500 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, Bộ ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh, các Sở GD&ĐT và đại diện các trường ĐH, CĐ trên cả nước.

Toàn ngành GD và các lực lượng liên quan cùng vào cuộc

 

Hơn 2 tháng, Bộ GD&ĐT đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, UBND các tỉnh/thành phố… tổ chức thảo luận, nghiên cứu quán triệt và triển khai tích cực triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT. Đến nay, Bộ GD&ĐT, Công đoàn GD Việt Nam, Đoàn TNCS HCM, các trường ĐH, CĐ… trên cả nước đã thực hiện nhiều hoạt động triển khai nghiêm túc Chỉ thị và chương trình này

 

Tính đến hết ngày 12/5/2010, đã có 272 trường ĐH, CĐ gửi báo cáo tình hình triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012. 243 trường trong số này đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác quản lý giai đoạn 2010-2012; 260 trường xây dựng và ban hành Chương trình hành động đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo của trường; 204 trường xây dựng cam kết chất lượng đào tạo; 170 trường xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo; 186 trường đã tổ chức rà soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020…

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT trình bày báo cáo sơ kết triển khai Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học. Báo cáo nêu rõ, qua các buổi thảo luận, cho thấy các trường đều thể hiện quyết tâm và đồng thuận cao với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ. Thông qua thảo luận, lãnh đạo nhà trường, tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, từng khoa, bộ môn… đã đi sâu phân tích các điểm mạnh, yếu của trường mình, nguyên nhân cụ thể làm chất lượng đào tạo chưa cao, còn tiêu cực trong các hoạt động trường và đề xuất các giải pháp thiết thực để đảm bảo và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội. Tại các hội thảo dành cho giảng viên và sinh viên, nhiều ý kiến cũng nhất trí cho rằng: tiêu cực trong đào tạo là lãng phí nguồn lực của xã hội, tự hủy hoại tương lai của sinh viên, vì vậy, cần nói không với tiêu cực trong thi cử, làm luận văn, luận án… Cùng với việc tổ chức thảo luận, nhiều công việc đã được các trường triển khai cụ thể.

 

Tuy nhiên, do mới ở giai đoạn đầu triển khai nên các đơn vị cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết, sau hơn 2 tháng vẫn còn trên 130 trường chưa gửi báo cáo; trong số báo cáo các trường gửi về Bộ, một số báo cáo chưa đầy đủ nội dung, một số hoạt động chưa được tổ chức triển khai đồng bộ theo đúng yêu cầu của Bộ. Việc tổ chức thảo luận quán triển và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ ở một số trường còn lúng túng, hình thức, công tác chuẩn bị chưa kỹ, hiệu quả không cao. Đại đa số cán bộ lãnh đạo, giảng viên, cán bộ công chức và sinh viên các trường thông qua thảo luận đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung yêu cầu. Tuy nhiên, cá biệt có một số cán bộ, giảng viên và một bộ phận sinh viên còn thờ ơ, nhận thức thiếu đầy đủ, chưa đúng mức…

 

Để việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ có hiệu quả trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đã đặt ra 14 nhiệm vụ trọng tâm. Đáng lưu ý là: Bộ và các trường tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ về đổi mới quản lý giáo dục đại học; triển khai việc phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường, trên cơ sở các quy định của nhà nước, đồng thời tăng cường công tác giám sát và kiểm tra của các cơ quan quản lý, của xã hội và của bản thân các cơ sở; Sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh hình thức vừa làm vừa học theo hướng phân cấp; hiệu trưởng chịu trách nhiệm toàn diện trong các khâu: ra đề, tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển... cũng như chất lượng tuyển chọn đầu vào của các trường; Tiếp tục hoàn thiện Đề án cải tiến thi và tuyển sinh theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia. Sử dụng kết quả kỳ thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa làm một trong những căn cứ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng (theo ngành đào tạo, không theo khối thi). Đặc biệt, sẽ có cơ chế xử lý nghiêm khắc đối với các trường sau 3 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện của một trường ĐH, CĐ như cam kết của các nhà đầu tư. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ…

 

Đối với các trường ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT yêu cầu tiếp tục hoàn thành việc tổ chức thảo luận quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ; xây dựng và hoàn thiện chương trình hành động đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo; tổ chức rà soát tình hình giáo trình hiện có của trường; hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp; xây dựng quy hoạch, lộ trình cụ thể về đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, kiên quyết không để giảng viên lên lớp vượt quá nhiều giờ so với quy định; phát động phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, thi, kiểm tra, đánh giá; tổ chức xây dựng và công bố chuẩn đầu ra…

 

Về phía Công đoàn GD Việt Nam, Chủ tịch - ông Trần Công Phong cho biết, Ban chấp hành Công đoàn GD Việt Nam cũng đã ban hành chương trình hành động; tổ chức nghiên cứu, chỉ đạo, thảo luận sâu rộng trong cán bộ công đoàn, đoàn viên và lao động vì sao phải đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; giảng viên, sinh viên cần phải làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học… Ông Trần Công Phong cũng cho biết, trong thời gian tới, công đoàn các cấp sẽ tiếp tục tham gia ý kiến cùng các ngành  trong việc tiếp tục một số chủ trương, định hướng lớn như: lộ trình triển khai theo học chế tín chỉ; việc thành lập Hội đồng trường; kiểm định chất lượng giáo dục; quy hoạch mạng lưới các ĐH quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH, CĐ trên cả nước…

 

Đại diện cho Đoàn TNCS HCM, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn khẳng định tại hội nghị: Đoàn THCS HCM xác định việc chủ động phối hợp với ngành GD&ĐT tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cơ sở giáo dục đại học với 2 chủ thể là người học và người dạy trên cơ sở tổ chức diễn đàn thảo luận “Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH”. Cùng với việc này, trung ương Đoàn cũng đã chỉ đạo và thành lập 5 đoàn kiểm tra tình hình triển khai 2 cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt”, “Sinh viên xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh” ở cả 3 miền (việc triển khai 2 cuộc vận động trên được xác định là một trong những giải pháp cơ bản của Đoàn và Hội tham gia triển khai thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, tiến độ thực hiện diễn đàn thảo luận “Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH” trong cán bộ, giảng viên trẻ và sinh viên ở các cơ sở giáo dục ĐH còn chậm so với kế hoạch; việc tổ chức các diễn đàn điểm ở cả 3 khu vực có sự thay đổi nhiều lần và chưa đảm bảo tiến độ đặt ra, chưa thực sự là diễn đàn điểm rút kinh nghiệm, nhân rộng và mang tính dẫn dắt, định hướng… Nguyên nhân của hạn chế trên được ông Vinh nhận định là do tiến độ thời gian đặt ra trong kế hoạch mới chỉ dựa trên ý chí chủ quan; nhiều cơ sở giáo dục chưa coi việc tổ chức diễn đàn thảo luận là công việc quan trọng và cần thiết của nhà trường.

 

Tại Hội nghị, các ý kiến tham luận của đại diện các trường đã cho thấy quyết tâm trong việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với những việc làm cụ thể.

 

GS.TS.Nguyễn Hữu Đức, PGĐ ĐHQG Hà Nội cho biết, từ tháng 3/2010, các đơn vị thuộc ĐHQGHN đã triển khai thảo luận Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ; thảo luận dự thảo chương trình hành động đổi mới giáo dục ĐH của ĐHQGHN; triển khai xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020. GS.Đức cho rằng, để việc đổi mới có hiệu quả, cần xác định mục tiêu tổng thể, cần có tổng công trình sư. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cần liên kết, phối hợp giữa các nhiệm vụ, cần thời gian dài hơi mới thấy hết kết quả. Phải tập trung nguồn lực; cần đổi mới triệt để tư duy; cần cách làm mới và cách tiếp cận hệ thống, gắn việc đổi mới này với lợi ích của người thực hiện.

 

GS.TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng thì cho biết, trường cũng đã triển khai thảo luận Chỉ thị 296 ở cấp ĐH Đà Nẵng với thành phần tham dự rộng rãi, qua đó xác định được các giải pháp cụ thể để thực hiện việc đổi mới quản lý giáo dục ĐH từ nay đến năm 2012 tại ĐH Đà Nẵng. Về các giải pháp thực hiện Chỉ thị 296 của ĐH Đà Nẵng, GS. Ga đề cập đến việc chuyên nghiệp hóa quản lý ĐH và đổi mới tư duy người quản lý; phát huy lợi thế của ĐH vùng; đổi mới hình thức đào tạo và tư duy đào tạo; tổ chức các nhóm giảng dạy – nghiên cứu; phân tầng ĐH và phân luồng sau ĐH; đào tạo cán bộ trẻ và quản lý cán bộ giảng dạy; đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH; hệ thống giáo trình; thực hiện 3 công khai và hình thành mạng lưới các đối tác chiến lược trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 

Đại diện cho khối các trường địa phương, ông Nguyễn Tiến Dũng, hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Thái Bình cho biết, trường đã tổ chức triển khai, quán triệt, thảo luận bài bản khoa học và có nhiều sáng tạo, đồng thời xây dựng các giải pháp khả thi, khoa học để thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ một cách hiệu quả. Cụ thể: Đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo; tăng cường đổi mới công nghệ đào tạo; tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL, giảng viên; xây dựng tốt nề nếp kỷ cương trường học; tập trung hoàn thiện các văn bản quản lý…

 

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: N.N

 

Chỉ thị của Thủ tướng đã bắt đầu “thấm” vào cuộc sống

 

Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận sau khi sơ lược đánh giá công tác triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ về đổi mới giáo dục đại học của các trường đã nhận định như vậy khi kết luận hội nghị. Thứ trưởng thường trực cũng nhấn mạnh, công cuộc đổi mới này là công cuộc tự đổi mới, là sứ mạng của các trường ĐH. Chúng ta cần đặt ra yêu cầu cao, nghiêm khắc để biến quá trình yêu cầu đổi mới khách quan thành yêu cầu tự thân của mỗi cơ sở đào tạo, mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên….

 

Khẳng định phải đổi mới đồng bộ từ trên xuống, Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận nêu rõ, đổi mới từ trên là đổi mới quản lý nhà nước và nhấn mạnh đổi mới quản lý nhà nước là đột phá của đột phá. Đồng thời Thứ trưởng thường trực chỉ đạo cần triển khai phân cấp mạnh mẽ. Theo đó, cấp trên chỉ làm những việc mà cấp dưới không làm được hoặc làm không tốt bằng. Trên tinh thần ấy, về phía các cơ quan Bộ GD&ĐT sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; việc quy hoạch, đưa ra chiến lược, chính sách, các chuẩn, các định mức; việc đào tạo bồi dưỡng; tạo động lực cho các cơ sở, cá nhân; việc thanh tra, kiểm tra, giám sát…; phân tích, đánh giá, tổng kết các hoạt động của ngành để phát hiện quy luật, ra chính sách mới; phối hợp với các Bộ ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học…

 

Về phía các cơ sở đào tạo, Thứ trưởng thường trực cho biết, sẽ thực hiện giao quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm xã hội; nếu chưa xây dựng xong cơ chế trách nhiệm sẽ chưa giao quyền tự chủ. Cùng với việc này cần phải xây dựng cơ chế để các cơ quan nhà nước trung ương, địa phương, cộng đồng xã hội tiến hành thanh tra, kiểm tra. Các công đoạn này phải được tiến hành cùng một lúc để tránh sự bảo thủ, trì trệ… Thứ trưởng thường trực cũng nhấn mạnh đến vai trò của UBND các tỉnh/thành phố trong việc thanh kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục đào tạo…

 

 

 

Theo GD&TĐ Online

 

 

Tệp đính kèm