Cập nhật: 20/10/2010 16:04:56 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày mai (21/10), Đại hội thi đua yêu nước toàn ngành Giáo dục lần thứ V năm 2010 sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Đại hội nhằm đánh giá kết quả các phong trào thi đua, công tác khen thưởng giai đoạn 2006 - 2010; biểu dương, tôn vinh các tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc; cổ vũ, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong toàn ngành; rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức các phong trào thi đua và vai trò của công tác khen thưởng; đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức và thực hiện các phong trào thi đua, công tác khen thưởng giai đoạn 2011 - 2015 của toàn ngành GD&ĐT.

 

Trong 5 năm qua, ngành GDĐT đã nỗ lực phấn đấu, phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn tạo nên những bước phát triển về quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục, thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001 - 2010. Công tác Thi đua - Khen thưởng đã góp phần huy động sức mạnh của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, sinh viên, học sinh trong ngành thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành Giáo dục, góp phần đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao cho sự nghiệp phát tiển Kinh tế - Xã hội của đất nước.

 

Ngành GD và những bước đột phá trong công tác thi đua khen thưởng

 

Từ phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” đã được triển khai giai đoạn trước, bắt đầu từ năm 2006 đến nay, ngành Giáo dục đã có những đổi mới quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo và đánh giá công tác thi đua, khen thưởng, thông qua cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động  “Hai không” với 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục;  Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội”; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đây là bước đột phá trong công tác thi đua của ngành, tạo không khí mới, chấn chỉnh kỉ cương, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần vào những thành tựu phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

 

Trong quá trình triển khai Chỉ thị số 33 và cuộc vận động “Hai không” của ngành đã xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu như Trường Đại học sư phạm Hà Nội “Phát huy truyền thống Trường Đại học sư phạm anh hùng trong thời kì đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trường”; Trường Đại học Kinh tế quốc dân với phong trào “10 gương mặt tiêu biểu trong năm”; Đại học Đà Nẵng từ phong trào nói không với tiêu cực trong thi cử, đã đưa ra kế hoạch hành động “Thà bị điểm kém chứ không có sai phạm trong thi cử”; Trường Đại học Đồng Tháp với phong trào “ba trung”: giảng dạy trung thực, học tập trung thực và đánh giá trung thực; Sở GD&ĐT Nghệ An với phong trào “Tiếng trống học bài”; Sở GD&ĐT Hà Nội với phong trào “Xây dựng nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”... ;Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh với phong trào “Xây dựng nhà trường tiên tiến, chất lượng cao thời kì hội nhập”; Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai 10 năm học liên tục không có học sinh bỏ học...

 

Riêng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, sau 2 năm triển khai thực hiện đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, với 94% các trường  đăng ký tham gia. Số công trình vệ sinh được xây mới đã tăng thêm 20% so với năm học trước, nâng tổng số trường có công trình vệ sinh là 38.893 trường, đạt 96,7%  tổng số trường trong cả nước, trong đó có 83,9% công trình hợp vệ sinh. Trồng mới được 2,2 triệu cây xanh các loại phù hợp với điều kiện nhà trường. Toàn ngành đã nhận chăm sóc 2.063 di tích lịch sử cấp quốc gia, 3.365 di tích cấp tỉnh và 7.041 đền, đài, nghĩa trang liệt sỹ và 1.157 các công trình khác; đồng thời nhận chăm sóc và phụng dưỡng 15.810 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sỹ...

 

Cùng với cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”, phong trào nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giáo viên và sinh viên được triển khai mạnh mẽ, phong trào học tốt và các hoạt động thể dục thể thao học sinh, sinh viên cũng được đẩy mạnh.

 

Bộ GD&ĐT là một trong những Bộ, ngành đi đầu trong việc đổi mới phân vùng thi đua để tạo điều kiện cho các Sở GD&ĐT gần nhau về mặt địa lý, có điều kiện kinh tế xã hội và đặc thù giáo dục gần nhau tạo mối quan hệ bình đẳng, đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương trao đổi kinh nghiệm quản lý, tham quan học tập các mô hình giáo dục tốt để áp dụng ở địa phương mình, đó là mục tiêu quan trọng của công tác thi đua.

 

Tiêu chí khen thưởng rõ ràng, công khai, nghiêm túc; việc khen thưởng kịp thời ghi nhận những thành tích và cố gắng của các Sở, có tính động viên cao và trao thưởng tại Hội nghị tổng kết năm học. Các hình thức khen thưởng được chú ý hơn, đã quan tâm đến khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất trong các lĩnh vực công tác và là các tấm gương sáng để nhân rộng phong trào thi đua.

 

Tính từ tháng 9/2005 đến tháng 9/2010, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ xét, trình và được Chủ tịch nước tặng thưởng 107 Huân chương các loại cho các đồng chí cán bộ trực thuộc Bộ giữ chức vụ từ Phó Vụ trưởng trở lên, và đã tổ chức lễ trao Huân chương cho các cá nhân với nghi lễ trang trọng. Hàng năm Bộ GD&ĐT chi thưởng từ 5,5 đến 6 tỷ đồng cho các cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Công tác xét duyệt đề nghị phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT đã được đổi mới theo Luật Thi đua, Khen thưởng và sát với thực tế. Qua hai lần đề nghị phong tặng (2006 và 2008) đã có 167 Nhà giáo nhân dân, 1312 Nhà giáo ưu tú so với 8 lần phong tặng trước đây (từ 1988 đến 2002, chỉ có 187 Nhà giáo nhân dân, 3.791 Nhà giáo ưu tú). Năm 2010, thực hiện công tác xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước lần thứ XI, Bộ GD&ĐT đang xử lý 1.336 hồ sơ đề nghị của 20 Bộ, ngành và 52 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 134 hồ sơ NGND, 1.062 hồ sơ NGƯT, trình Hội đồng cấp nhà nước xét, trình Chủ tịch nước phong tặng vào dịp 20/11/2010.

 

Chỉ tính từ tháng 9 năm 2005 đến nay toàn ngành đã có 40 tập thể, 05 cá nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho 03 tập thể, Huân chương Hồ Chí Minh cho 18 tập thể và 02 cá nhân, Huân chương Độc lập cho 141 tập thể 50 cá nhân (22 hạng nhất, 44 hạng nhì và 125 hạng ba); 321 nhà giáo được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. So với 5 năm trước tỷ lệ cá nhân được khen thưởng cao tăng hơn...Bộ GD&ĐT cũng tổ chức Lễ tuyên dương các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam...

 

Trong 5 năm qua, với phong trào thi đua nòng cốt là “Dạy tốt - Học tốt”, việc nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới, mô hình mới được chú trọng thông qua công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình xây dựng các chuyên mục và phóng sự nhằm cung cấp thông tin cũng như nêu gương điển hình tiêu biểu một cách kịp thời nhất. Báo Giáo dục và Thời đại đã xây dựng chuyên mục “Gương điển hình, tiêu biểu trong ngành”. Trong năm 2007, 2008 Bộ GD&ĐT đã xuất bản cuốn sách “Gương mặt giáo dục năm 2007” và “Gương mặt giáo dục năm 2008” với hàng trăm tấm gương nhà giáo điển hình. Từ năm 2008, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương phát hiện và giới thiệu nhiều tấm gương học sinh vượt khó học giỏi và đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trên chương trình “Thắp sáng tương lai”, mỗi tuần giới thiệu một gương mặt và hỗ trợ kinh phí cho mỗi em 10 triệu đồng...

 

Tuy nhiên, công tác thi đua khen thưởng cũng còn một số hạn chế, đó là ở một số cơ sở giáo dục, cấp uỷ Đảng và chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức các phong trào thi đua chưa thực sự thiết thực với nhiệm vụ chính trị được giao, chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục. Công tác thi đua ở khối các trường đại học, cao đẳng chưa thật sự chuyển biến so với yêu cầu đổi mới; chưa tương xứng với phong trào thi đua, còn nặng về khen thưởng thường niên, chưa gắn việc khen thưởng với nhân điển hình tiên tiến. Khen thưởng cá nhân cán bộ quản lý nhiều, giáo viên trực tiếp giảng dạy và người lao động được khen thưởng còn ít. Một số tập thể và nhà giáo được khen thưởng cao chưa đảm bảo được tính tiêu biểu, nêu gương và giáo dục, đặc biệt sự toả sáng sau khi được tôn vinh chưa thật sự hiệu quả. Bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng từ cơ sở đến Bộ còn thiếu, chưa đủ lực lượng để bao quát phạm vi rộng lớn của ngành Giáo dục với hơn một triệu thầy giáo, cô giáo và hơn hai mươi triệu học sinh, sinh viên.

 

Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức

 

Giai đoạn 2011 - 2015, toàn ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo định hướng tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong ngành Giáo dục mà nòng cốt là phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” với sự cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua của ngành, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổ chức các phong trào thi đua, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị quản lý giáo dục và từng trường học.

 

Các cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp chủ động phối hợp với các đoàn thể quần chúng có kế hoạch, biện pháp, nhiệm vụ cụ thể tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong từng đơn vị giáo dục, báo cáo kịp thời, đầy đủ và có kế hoạch phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng phát hiện, biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiên trong mỗi phong trào thi đua. Xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức các phong trào thi đua kịp thời, phù hợp với các hình thức thi đua theo đợt, theo chuyên đề, thi đua thực hiện các chủ đề, chủ điểm, từ đó tạo ra phong trào thi đua thiết thực và sôi nổi trong toàn ngành, tránh phô trương, hình thức, bảo đảm thiết thực và hiệu quả.

 

Tiếp tục đổi mới công tác xét, tặng danh hiệu NGND, NGƯT lần thứ 11 vào năm 2010 và những lần tiếp theo (2 năm 1 lần) đảm bảo được sự tôn vinh và phát huy được niềm tin của giáo giới.

 

Việc khen thưởng được tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời và đảm bảo khen thưởng đúng người, đúng việc, tăng cường khen thưởng cá nhân là giáo viên trực tiếp đứng lớp và người lao động. Tiếp tục tôn vinh các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chăm lo phát triển giáo dục, tôn vinh các nhà quản lý giỏi, các giáo viên dạy giỏi….

 

Để nâng cao hiệu quả công tác thi đua khen thưởng, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi đua, khen thưởng. Củng cố, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; thống nhất sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể để thực hiện tốt các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.

 

Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt kịp thời, nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo đơn vị, cán bộ và đảng viên về vai trò, mục đích, ý nghĩa của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.

 

Thông qua việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các phương tiện thông tin của đơn vị, của ngành, thực hiện tốt việc tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến một cách kịp thời làm gương cho mọi người noi theo, góp phần nâng cao tinh thần tự hào của nghề dạy học và truyền thống của ngành.

 

Đổi mới, sắp xếp cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng tập trung thống nhất từ Bộ GD&ĐT đến từng cơ sở giáo dục, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Có kế hoạch tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Tăng cường việc triển khai kế hoạch tập huấn nghiệp vụ về thi đua, khen thưởng, chú ý tập huấn về công tác kiểm tra, giám sát về thi đua, khen thưởng cho cán bộ làm công tác thi đua được giao nhiệm vụ này.

 

Thực hiện thường xuyên việc sơ, tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng những điển hình tiên tiên ở từng phong trào và tăng cường khen thưởng đột xuất, quan tâm đặc biệt tới việc khen thưởng cho người trực tiếp giảng dạy, lao động ở tất cả các hình thức khen thưởng.

 

Các phong trào thi đua yêu nước được kiểm tra, tổng kết, đánh giá đúng những kết quả đạt được, chỉ ra những mặt còn hạn chế, qua đó rút ra cách làm hay, kinh nghiệm tốt để nhân rộng các điển hình tiên tiến. Các điển hình tiên tiến được xem xét lựa chọn để xây dựng và nhân rộng phải thực sự tiêu biểu, có sức lan tỏa, tạo động lực mới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Ngành. Tin học hoá công tác quản lý thi đua, khen thưởng, tăng cường tính kế hoạch , công khai, minh bạch về thi đua và các hình thức khen thưởng ở từng cơ sở giáo dục và từng cá nhân trong mỗi đơn vị.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm