Cập nhật: 25/10/2010 15:43:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các nhà tâm lý học, giáo dục học và các nhà sư phạm lỗi lạc của nhiều nền văn hóa từ trước đến nay đều khẳng định: Trong nhà trường, ở bậc học phổ thông, học sinh rất cần được tổ chức vui chơi lành mạnh.

 

Ở bậc học mầm non, hoạt động chủ đạo là vui chơi, chơi mà học; ở bậc tiểu học, người thầy giáo dục hành vi, thói quen để hình thành nhân cách chứ chưa đặt nặng học là để lấy kiến thức; và hoạt động vui chơi cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tùy từng độ tuổi mà nhà trường tổ chức hoạt động vui chơi cho phù hợp lứa tuổi, tâm lý, giới tính.

 

Nếu được thiết kế hợp lý giữa hoạt động học tập và vui chơi phù hợp sẽ làm cho việc tiếp thu kiến thức của học sinh tốt hơn. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập, sống hồn nhiên, tình bằng hữu được gắn kết, mở rộng tâm hồn trong sáng. Vui chơi lành mạnh tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế những tật xấu, đồng thời rèn luyện thể chất và tâm hồn các em theo thiên hướng tốt.

 

Hiện nay trong các nhà trường, việc tổ chức vui chơi cho trẻ em ở các cấp xem ra chưa được quan tâm đầy đủ, chưa thật sự tìm hiểu xem học sinh thích chơi như thế nào? Các trò chơi đó có phù hợp với các em không; tác dụng của nó như thế nào trong việc phát triển toàn diện con người Việt Nam? Việc sưu tầm, khai thác các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca mang đậm bản sắc dân tộc chưa được quan tâm đưa vào hoạt động vui chơi, sinh hoạt trong nhà trường. Nhiều cơ sở giáo dục còn quá chật hẹp, thiếu chỗ chơi cho các em. Ngày nay, ngoài giờ học, học sinh thường chơi game, nghe nhạc, xem ti vi... Có nhiều em quá mê game nên quên cả học, quên ăn uống. Ngồi chơi và xem ti vi lâu quá sẽ ảnh hưởng đến đôi mắt và cột sống. Có em nhỏ tuổi đã bị béo phì vì ăn nhiều chất mà thiếu vận động, có em mới học lớp 1 đã đeo cặp kính cận dày, đi lệch vai, vẹo cột sống...

 

Các em học sinh hiện nay thiếu được tổ chức vui chơi lành mạnh, đúng cách. Vui chơi cho học sinh trong nhà trường phổ thông thiết nghĩ cũng là vấn đề lớn mà các nhà khoa học giáo dục, nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cần quan tâm đúng mức. Tại sao chúng ta không đưa các trò chơi dân gian lành mạnh, những làn điệu dân ca vào dạy trong nhà trường? Hình ảnh cây đa, mái đình, bờ tre, hàng cau, đàn cò trắng, tán cọ, đỉnh núi mờ sương (miền quê vùng núi) được người bà, người mẹ hát ru qua các làn điệu dân ca của từng vùng miền đã nuôi dưỡng, hun đúc tâm hồn, cốt cách người Việt chúng ta. Đó chính là vốn quý, mang đậm bản sắc dân tộc mà chúng ta không được quên. Hiện nay các trường tiểu học, trung học cơ sở ở một số địa phương phía Bắc đang đưa các làn điệu dân ca vào sinh hoạt trong nhà trường. Đây là hướng đi đúng, cần thiết để bảo tồn, khôi phục và phát triển các làn điệu dân ca truyền thống.

 

Các trò chơi dân gian như: Nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê, trốn tìm, đá cầu, nhảy dây, kéo co, ném còn (vùng núi) đang được các nhà trường phổ thông từng bước khôi phục.

 

Các trò chơi dân gian rất dễ tổ chức chơi, phù hợp với tâm lý của từng độ tuổi, giới tính, phù hợp với điều kiện khuôn viên còn khiêm tốn và có nơi chật hẹp như các trường trong thành phố lớn, đô thị... Cách chơi có tính tập thể cao trong quá trình chơi thu hút, lôi kéo được đông học sinh cùng tham gia. Các trò chơi này giúp các em rèn luyện thể chất, sự khéo léo, không tốn nhiều sức, giúp các em nhanh nhẹn, tạo sự hòa đồng, thân thiện, đoàn kết. Những trò chơi, cách chơi đem lại hiệu quả cao như vậy cần được khôi phục và phát huy trong nhà trường.

 

 

Theo Báo Văn hóa Online

Tệp đính kèm