Ngày 1-12, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố các đối tượng HSSV được miễn giảm học phí. So với quy định của Bộ GD-ĐT ban hành tháng 9-2010 bị cho là trái luật, HSSV có cha mẹ thường trú tại các xã bãi ngang ven biển và các thôn, bản đặc biệt khó khăn không thuộc diện được miễn, giảm học phí.
Rút lại đối tượng miễn giảm học phí
Tháng 11-2010, Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có ý kiến với Bộ GD-ĐT về một số quy định trong Công văn 5997/BGDĐT-KHTC (ngày 21-9-2010) về việc thực hiện miễn, giảm học phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP có nội dung không phù hợp với pháp luật hiện hành. Theo đó, công văn này đã vượt thẩm quyền khi tự ý thêm đối tượng “học sinh, sinh viên (HSSV) có cha mẹ thường trú tại các xã bãi ngang ven biển và các thôn, bản đặc biệt khó khăn” vào đối tượng được miễn giảm học phí.
Trước phản ánh trên, Bộ GD-ĐT đã xem xét lại và không đưa đối tượng này vào diện được miễn giảm học phí. Theo Bộ GD-ĐT, những đối tượng là “học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã bãi ngang ven biển và các thôn, bản đặc biệt khó khăn” được miễn, giảm học phí là không nhiều và chưa có thống kê đầy đủ, nên chưa phát sinh vấn đề gì cụ thể. Thay vào đó, ngày 1-12, Bộ GD-ĐT đã công bố 9 đối tượng được miễn học phí theo thông tư về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 được liên Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
Theo đó, bắt đầu từ 1-1-2011, 9 đối tượng được miễn học phí bao gồm: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005; Trẻ em học mẫu giáo và HSSV có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Trẻ em học mẫu giáo và HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha và mẹ hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng.
Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân; HSSV hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên). Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo.
Nhiều ngành học được miễn 70% học phí
Cũng theo quy định mới, các đối tượng được giảm 70% học phí gồm HSSV các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành nặng nhọc. Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và HSSV là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.
Từ năm 2011, trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ chi phí học tập.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các phòng GD-ĐT sẽ có trách nhiệm chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh THCS. Các sở GD-ĐT sẽ chi trả cấp bù học phí trực tiếp cho cha mẹ hoặc học sinh THPT. Việc chi trả này được cấp đủ trong 9 tháng/năm học và thực hiện 2 lần/năm. Lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 9 hoặc 10, lần 2 trả 5 tháng vào tháng 3 hoặc 4. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ học mẫu giáo và học sinh phổ thông chưa nhận được tiền theo quy định thì được truy lĩnh tiếp trong kỳ chi trả tiếp theo. Thời gian được hưởng từ ngày 1-7-2010.
Phòng LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm chi trả cấp bù học phí bằng tiền cho sinh viên các trường ĐH, CĐ, TCCN. Sinh viên các trường ĐH được cấp 10 tháng/năm, chia làm 2 lần. Đối với sinh viên, học viên học nghề thường xuyên và các khóa đào tạo ngắn hạn, mức hỗ trợ sẽ là tối đa theo mức trần học phí đối với CĐ nghề công lập. Thời gian được hưởng theo số tháng thực học từ ngày 1-7-2010.
Giao quyền chủ động mức học phí đối với cơ sở chất lượng cao
Theo quy định mới trong thông tư liên Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB & XH, UBND các tỉnh, thành phố sẽ quy định mức học phí cụ thể hàng năm theo mức trần và khung học phí ban hành tại NĐ 49/2010/NĐ-CP đối với các cơ sở do địa phương quản lý. Ngoài ra, riêng đối với các trường mầm non, phổ thông công lập thực hiện chương trình chất lượng cao sẽ được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo trình UBND tỉnh, thành phố cho phép. Các trường ĐH công lập thực hiện đào tạo chất lượng cao cũng được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo trình Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, 2 bộ sẽ ban hành văn bản riêng về tiêu chí chương trình chất lượng cao phù hợp với mỗi cấp học và trình độ đào tạo để làm căn cứ triển khai thực hiện.
Theo Báo điện tử ANTĐ