Cập nhật: 05/01/2011 15:40:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cơ quan đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam (unicef Việt Nam) vừa công bố báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam năm 2010, Báo GD&TĐ Online xin giới thiệu về bản báo cáo này.

Phát triển trẻ thơ và giáo dục mầm non

 

Bản báo cáo đưa ra một cách hiểu của Ủy ban Công ước quyền trẻ em (CRC) về "Mầm non: coi tất cả trẻ từ khi sinh ra, trải qua suốt giai đoạn mẫu giáo và chuyển tiếp lên tiểu học đều thuộc nhóm này".

 

Đồng thời dẫn ra: Điều tra Các mục tiêu của trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2006 chỉ ra rằng có khoảng 57% trẻ dưới 5 tuổi cùng với người lớn tham gia vào ít nhất là 4 hoạt động nhằm thúc đẩy việc học tập và sẵn sàng đến trường của các em. Những hoạt động này bao gồm: đọc hoặc xem truyện tranh; kể chuyện, hát hoặc đưa trẻ đi chơi. Ở thành thị người lớn tham gia vào các hoạt động này với trẻ em nhiều hơn so với ở vùng nông thôn và cũng có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền và địa vị kinh tế xã hội của hộ gia đình.

 

Tỉ lệ người lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng tham gia vào hoạt động học tập của trẻ nhỏ cao nhất (64%), tỉ lệ thấp nhất là ở vùng Tây Bắc (45%) và vùng đồng bằng Sông Cửu Long (48%). Hộ gia đình khá giả nhất có tỉ lệ tham gia hoạt động học tập cao nhất (hơn 70%) trong khi hộ nghèo nhất ở mức thấp nhất (dưới 50%)

Cùng với cha mẹ, anh chị ruột và các thành viên khác trong gia đình chẳng hạn như ông bà, cũng trông nom các em nhỏ, cả ở vùng nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, vẫn còn một số trẻ không được trông nom đầy đủ. MICS 2006 cho thấy 19% trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam phải ở nhà một mình hoặc chỉ được anh chị dưới 10 tuổi trông nom trong tuần trước thời điểm diễn ra điều tra.

 

Tỉ lệ này đối với các em gái (20%) có cao hơn một chút đối với các em trai (17%). Tỉ lệ trẻ em ở vùng nông thôn (22%) không được chăm sóc đầy đủ cũng cao hơn trẻ em ở thành thị (10%). Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng nhất chính là trình độ học vấn của người mẹ. Trong số em chỉ được anh chị dưới 10 tuổi trông nom, hơn 1/4 trẻ có mẹ chưa từng đi học trong khi tỉ lệ này ở trẻ có mẹ đã học hết THPT chỉ là 6%.

 

Giáo dục mầm non

 

Bản báo cáo trích dẫn báo cáo của Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) năm 2008/09, tỉ lệ nhập học chung của các em dưới 3 tuổi là 20%, từ 3-5 tuổi là 79% và 5 tuổi là 99%. Tỉ lệ nhập học bậc Mầm non trong 5 năm qua, từ năm 2000/01 đến 2005/06 tăng lên: tỉ lệ đi học Nhà trẻ tăng từ 11% lên 13%; Mẫu giáo từ 3-5 tuổi tăng từ 49% lên 58%; và tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học Mẫu giáo tăng từ 72% lên 88%.

 

MICS 2006 cho thấy có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ chuyên cần giữa khu vực nông thôn và thành thị với 75% trẻ em thành thị đi học Mầm non so với 51% ở nông thôn. Cũng có sự khác biệt về giới với 53% trẻ em trai đi học Mầm non so với 61% trẻ em gái. Hơn 80% trẻ từ các gia đình khá giả nhất đi học Mầm non trong khi tỉ lệ này của trẻ từ các hộ gia đình nghèo nhất chỉ có 36%.

 

Báo cáo phân tích: trình độ học vấn của mẹ cũng đóng vai trò quyết định trong việc cho con đi học Mầm non. Tỉ lệ đi học của các em có mẹ không đi học là 47%, chỉ học hết tiểu học là 52% trong khi tỉ lệ này của các em có mẹ học hết trung học cơ sở là 72%. Tỷ lệ này cao hơn (83%) ở con em của các bà mẹ đã học hết THPT. Sự tương quan giữa tỉ lệ nhập học và trình độ học vấn của mẹ cho thấy những bậc cha mẹ có học thức sẵn sàng cho con cái đi học mầm non hơn các bậc cha mẹ có trình độ học vấn hạn chế và/hoặc họ cũng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của giáo dục mầm non.

 

Tỷ lệ trẻ học lớp một đã từng học qua mẫu giáo cũng là một yếu tố quan trọng để đánh giá sự sẵn sàng đi học. Nhìn chung, theo ước tính của Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT, năm 2006, 87% trẻ đi học lớp một năm trước đã đi học mẫu giáo. Không có sự khác biệt lớn giữa thành thị và nông thôn hay giữa các vùng miền ngoại trừ khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tỉ lệ thấp hơn đáng kể là 69% đã đi học mẫu giáo.

 

Kêu gọi các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ thơ

 

Luật Giáo dục năm 2005, Điều 21 quy định mục tiêu của giáo dục mầm non phải thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, với mục tiêu là giúp trẻ phát triển về mặt thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ để hình thành các yếu tố căn bản về nhân cách cũng như chuẩn bị cho trẻ đi học tiểu học. Các thể chế giáo dục mầm non gồm: nhà trẻ (tiếp nhận trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi); mẫu giáo (tiếp nhận trẻ từ 3-6 tuổi) và trường “mầm non” có cả lớp nhà trẻ và mẫu giáo cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.

 

Năm 1999, ngân sách giáo dục mầm non chỉ chiếm 5,4% tổng ngân sách giáo dục của nhà nước. Tuy nhiên, tỉ trọng ngân sách nhà nước dành cho giáo dục mầm non liên tục tăng, và đạt 8,5% trong năm 2008.

 

Bộ GD&ĐT còn khẳng định thêm rằng trong tương lai, mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp giáo dục mầm non phải đảm bảo những tiêu chí sau:

 

Là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần giúp người Việt Nam được giáo dục toàn diện về mọi mặt. Phải phù hợp với độ tuổi và khu vực. Nội dung và phương pháp phải nhất quán và phù hợp với giáo dục tiểu học và trung học. Phải có tính thực tế và theo kịp những ứng dụng mới trên thế giới. Phải bình đẳng và không phân biệt đối xử với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn. Giáo dục mẫu giáo phải được ưu tiên thích đáng, đặc biệt cho trẻ 5 tuổi. Cải thiện trang thiết bị và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên với trách nhiệm của nhà nước. Nhà nước cần chú trọng hơn tới giáo dục mầm non đặc biệt là ở khu vực nông thôn nghèo.

 

Điều lệ Trường mầm non mới (Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 7 tháng 4 năm 2008 của Bộ GD&ĐT) đặc biệt kêu gọi các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ thơ, cần tạo dựng môi trường học tập và giáo dục tốt nhất cho trẻ khuyết tật để giúp các em cùng tham gia vào hoạt động học tập với các em khác ở cả mẫu giáo và nhà trẻ.

 

Nguyên nhân - kết quả: phát triển trẻ thơ và giáo dục mầm non

 Bản báo cáo cho biết một thực trạng: MICS 2006 cho thấy có rất nhiều em nhỏ đặc biệt là các em dưới 3 tuổi không được chăm sóc đầy đủ trong những năm đầu đời. Hầu hết các em nhỏ này ở vùng nông thôn và ở những khu vực xa xôi hẻo lánh, đặc biệt là các em thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Một nguyên nhân của vấn đề này là cha mẹ chưa nhận thức được giá trị của phát triển trẻ thơ. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân sâu xa hơn còn do cha mẹ có trình độ học vấn thấp, đặc biệt là người mẹ.

 

Một nguyên nhân trực tiếp khác là các em không được tiếp cận với sách báo và đồ chơi, và một thực tế là ở những gia đình nghèo hơn, người lớn còn phải bận tâm với việc kiếm sống. Mặc dù ở những gia đình khá giả hơn cũng chịu áp lực bởi thời gian làm việc kéo dài, nhưng dường như họ có đủ nguồn lực kinh tế hơn để gửi con đến trường mầm non, nơi con cái họ có điều kiện tiếp xúc với các trẻ em và người lớn khác và với các đồ chơi.

 

Theo Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2006, khoảng 28% hộ gia đình cho biết thiếu cơ sở vật chất là thách thức lớn nhất của giáo dục mầm non, mặc dù số lượng phòng học cho giáo dục mầm non đã tăng lên. Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2008, tổng sống phòng học kiên cố tăng lên hơn 10.000 phòng (nhưng số phòng học bán kiên cố giảm xuống tương đương và 8.000 phòng). Tuy nhiên, số phòng học tạm tăng lên (tỉ lệ phần trăm tăng từ 11% lên 13%), báo cáo viết.

 

Đồng thời chỉ ra: Bộ GD&ĐT đã xác định 3 thách thức chính đối với ngành giáo dục mầm non. Thách thức đầu tiên là thiếu giáo viên có trình độ. Thách thức thứ hai là thiếu trang thiết bị, đồ chơi và đồ dùng dạy học (chỉ có một phần tư số phòng học có đồ chơi và đồ dùng dạy học có thể chấp nhận được). Thách thức thứ ba và cũng là thách thức đáng kể nhất, theo Bộ GD&ĐT, là làm thế nào để cân đối giữa nhu cầu tăng số lượng và nâng cao chất lượng về giáo viên và trang thiết bị.

 

Một thách thức khác là thiếu dữ liệu về giáo dục mầm non. Chưa có một nghiên cứu có hệ thống nào về nhu cầu giáo dục mầm non hoặc tìm hiểu cách chăm sóc trẻ tại gia đình. Để đảm bảo việc lập kế hoạch dựa trên bằng chứng và xây dựng được những can thiệp mục tiêu, cần có sự chỉ đạo sâu sát hơn nữa của Bộ GD&ĐT trong việc thu thập và phân tích số liệu, thông tin liên quan đến giáo dục mầm non.

 

Bộ GD&ĐT đã xây dựng cơ chế giám sát kiểm tra chất lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc mầm non, tuy nhiên việc ứng dụng còn hạn chế. Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi của Bộ GD&ĐT sau khi hoàn tất và được đưa vào thực hiện sẽ giúp giải quyết thách thức này. Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi là một công cụ đánh giá sự phát triển và học tập của trẻ và cho phép các cấp quản lý giáo dục kiểm tra được chất lượng chăm sóc trẻ tại các cơ cở giáo dục. Ngoài ra, việc thực hiện chương trình mầm non mới ban hành năm 2009 cũng sẽ góp phần giải quyết thách thức này vì chương trình mới giúp các cấp quản lý nâng cao được chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm