Tham khảo kỹ về ngành học là yếu tố quan trọng giúp thí sinh tăng cơ hội thành công trong mùa tuyển sinh.
Ngành Công nghệ sinh học:
Đây là một ngành mới có sự tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội hiện đại. Vì vậy, sinh viên học ngành này ra trường dễ tìm được việc với mức thu nhập khá hấp dẫn tại các thành phố lớn. Nhiều trường khẳng định, sinh viên ngành Công nghệ sinh học hầu hết đều có việc làm ngay sau khi ra trường. Với các sinh viên khá giỏi, các doanh nghiệp đều đến đặt hàng ngay ở những năm cuối.
Những trường có đào tạo ngành này là ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM); ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM); ĐH Công nghiệp TP.HCM (hệ CĐ); ĐH Nông Lâm TP.HCM; ĐH Mở TP.HCM; ĐH Khoa học (ĐH Huế); ĐH Bách khoa (ĐH Đà nẵng); ĐH khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội); ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Lâm nghiệp; ĐH Nông nghiệp Hà Nội; Viện ĐH mở Hà Nội...
Điểm chuẩn vào ngành này có sự khác biệt rõ rệt giữa các trường đào tạo, từ chỉ bằng điểm sàn đến trên 20 điểm.
Công nghệ sinh học là bộ môn tổng hợp của các ngành khoa học và công nghệ như sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh vật học, sinh hóa học... nhằm tạo ra các quy trình công nghệ khai thác ở quy mô công nghiệp các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động - thực vật để sản xuất các sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.
Sinh viên học ngành Công nghệ sinh học có được kỹ năng triển khai nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, thực phẩm, môi trường và tài nguyên. Tốt nghiệp ngành này, sinh viên có thể làm việc trên rất nhiều lĩnh vực, ở nhiều phạm vi khác nhau: y tế, dược phẩm, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, môi trường. Hoặc có thể làm giảng viên, nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu, các bệnh viện, các công ty sản xuất dược, giống cây trồng vật nuôi, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu...
Ngành Khoa học vật liệu
Đây là ngành có điểm chuẩn không cao (giao động từ 14-17 điểm) và được xác định là ngành mũi nhọn. Những trường đào tạo ngành khoa học vật liệu này gồm: ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc Gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách Khoa Hà Nội)... Năm 2010, điểm chuẩn ngành Khoa học vật liệu của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) là 17 điểm; ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) năm 2010: 14 điểm; ĐH Bách Khoa Hà Nội: 16 điểm.
Các trường đào tạo ngành khoa học vật liệu tuyển thẳng không hạn chế số lượng những thí sinh là thành viên đội tuyển đi thi Olympic Quốc tế các môn: Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học.
Ưu tiên xét tuyển thẳng: Tuyển thẳng không hạn chế số lượng những thí sinh đạt từ giải ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia các môn: Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học và có tổng điểm thi tuyển sinh đại học đạt từ điểm sàn trở lên theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm tuyển sinh.
Ngành khoa học vật liệu trang bị cho sinh viên kiến thức và khả năng thực nghiệm về các phương pháp chế tạo vật liệu và màng mỏng; những phương pháp đo đạc và nghiên cứu vật liệu màng mỏng; tính chất của các loại vật liệu khác nhau (polymer, ceramic...) và những ứng dụng chính của chúng. Học ngành này, sinh viên cũng được trang bị kiến thức về khoa học công nghệ các vật liệu tiên tiến khác như hợp kim đặc chủng, vật liệu tổ hợp, vật liệu nanô, vật liệu quang điện tử sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sợi cáp quang, laser... những vật liệu nền tảng của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 21. Ngành này có hai chuyên ngành: vật liệu màng mỏng và vật liệu polymer.
Sinh viên ngành Khoa học vật liệu đủ năng lực làm việc ở các hãng công nghệ cao, các viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước, của nước ngoài, các trường đại học. Đặc biệt, sinh viên ngành này, nếu tốt nghiệp loại khá hoặc giỏi, ngoại ngữ tốt, có khả năng học tập và nghiên cứu ở các nước tiên tiến như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,…Ngoài ra, sinh viên có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước.
Ngành kinh tế phát triển
Với mức điểm chuẩn từ 21-24 điểm, ngành học Kinh tế phát triển cũng là ngành được nhiều thí sinh ưa chuộng. Những trường đào tạo ngành học này là ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội), ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng)…
Chương trình đào tạo Cử nhân Kinh tế Phát triển được xây dựng nhằm cung cấp đội ngũ các chuyên gia Kinh tế Phát triển có khả năng phát triển chuyên sâu, có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất tốt, có khả năng làm việc hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau - đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách và quản lý quá trình phát triển - góp phần tích cực vào việc đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.
Tốt nghiệp chuyên ngành này có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, các bộ và cơ quan ngang bộ, các sở, ban ngành ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các viện nghiên cứu kinh tế, các trường ĐH, CĐ và TCCN, làm việc cho các dự án phát triển kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước, Bộ Kế hoạch - đầu tư, các vụ kế hoạch của các bộ, sở kế hoạch của tỉnh, phòng kế hoạch các quận (huyện); các dự án phát triển, các khu kinh tế, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng, các tổ chức phi chính phủ, và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. v.v…
Ngành Tiếng Anh thương mại
Năm 2010, điểm trúng tuyển ngành Tiếng Anh thương mại dao động từ 17 - 29 điểm. Các trường đào tạo ngành này là ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Tài chính Marketing TPHCM, ĐH Ngân hàng TPHCM...
Với ngành học này, sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hoá, kiến thức chuyên sâu về ngoại ngữ Tiếng Anh, có năng lực sử dụng ngôn ngữ (Tiếng Việt, Tiếng Anh) ở trình độ cao, có kiến thức về thương mại, kinh doanh, quản trị, tài chính và kinh tế xã hội và có các kỹ năng cần thiết để làm việc và phát triển trong môi trường hiện đại, hội nhập.
Tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhiệm các vị trí làm việc như Biên - phiên dịch viên Tiếng Anh chuyên ngành (Thương mại, Kinh tế, Quản trị, Tài chính, Ngân hàng...) tại các công ty truyền thông, viện nghiên cứu (ngôn ngữ, kinh tế, quản lý...); Nhân viên các bộ phận chức năng như kinh doanh, truyền thông, dịch vụ, dự án, marketing... thuộc các doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng Tiếng Anh; Giáo viên Tiếng Anh chuyên ngành tại các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học thuộc khối kinh tế; Nghiệp vụ bán hàng, xúc tiến thương mại quốc tế; đầu tư quốc tế; phát triển thị trường và chăm sóc khách hàng; phát triển hệ thống phân phối; marketing, PR.
Ngành Kiến trúc
Kiến trúc sư là những chuyên gia được đào tạo và cấp bằng về nghệ thuật và khoa học thiết kế các công trình xây dựng. Nhiệm vụ chủ yếu của kiến trúc sư là làm dự án, thiết kế kiến trúc, quy hoạch và thường là người chủ trì công trình. Họ hợp tác với các kỹ sư, chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu về xây dựng, để đưa ra thiết kế hợp lý nhất cho công trình.
Kiến trúc sư thường làm việc tại văn phòng tư vấn thiết kế, xưởng thiết kế; đôi khi phải đi thực tế, giám sát thi công. Công việc này vất vả, áp lực công việc lớn, nhưng rất thú vị. Cũng như nghề thiết kế, nhiều kiến trúc sư làm việc độc lập hoặc cùng một số đồng nghiệp lập ra xưởng, công ty kiến trúc của mình.
Một số trường đào tạo ngành này như: ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, ĐH Xây dựng, ĐHDL Đông Đô, ĐHDL Phương Đông …Điểm chuẩn ngành này khá cao. Năm 2010, ĐH Kiến trúc TP.HCM lấy cao nhất 22,5 điểm; ĐH Kiến trúc Hà Nội 20,5 điểm…
Theo GD&TĐ Online