Nhiệm vụ xây dựng chương trình giáo dục mới đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải tìm hiểu những đặc điểm tâm lí cơ bản của học sinh Việt Nam, đặc biệt là nhu cầu, hứng thú của trẻ. Đó là ý kiến tâm huyết của TS.Tạ Thị Ngọc Thanh (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) trước yêu cầu xây dựng tốt chương trình giáo dục sau năm 2015.
Chương trình GD phổ thông mới cần gắn với sự phát triển tâm lý HS
Một số biểu hiện thay đổi của học sinh Việt Nam hiện nay có thể khiến các bậc sinh thành cũng như những người làm giáo dục phải “đau đầu”. Một trong những thay đổi đó được TS.Tạ Thị Ngọc Thanh đưa ra, đó là văn hóa đọc của các em đã thay đổi. Thay vì đọc các truyện kinh điển rất được cha ông ưa thích ngày xưa như "Chiến tranh và hoà bình" của L.Tonxtoi, "Thép đã tôi thế đấy"..., các em lại thích lướt web hoặc xem truyện tranh.
Thực hiện phỏng vấn nhiều em học sinh thuộc nhiều đối tượng, kể cả những sinh viên học rất giỏi, TS.Tạ Thị Ngọc Thanh nhận thấy, các em đều cho rằng, internet có đủ loại thông tin mà các em cần; còn truyện tranh viết ngắn, xem nhanh nhưng cũng chứa đựng các yếu tố hấp dẫn và cả giáo dục nữa. Điều này thích hợp với học sinh thời nay hơn. Điều đó cho thấy hoàn cảnh thay đổi đã tác động đến trẻ em và những gì mà chúng ta cho là hay, tốt trước đây thì ngày nay chưa chắc đã đúng.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều những vấn đề đang diễn ra trong tâm lí thế hệ trẻ phản ánh sự thay đổi trong đời sống kinh tế-xã hội và sự hội nhập với thế giới qua giao lưu, qua Internet v..v.. Các nhà tâm lí, giáo dục cần làm gì để đưa ra được một chương trình giáo dục sau năm 2015 phù hợp với thời đại và với yêu cầu mà xã hội đặt ra cho giáo dục?
Đề xuất của TS.Tạ Thị Ngọc Thanh gắn liền với 2 phương hướng nghiên cứu tâm lý. Với phương hướng những nghiên cứu về từng yếu tố, từng lĩnh vực phát triển tâm lí, TS.Tạ Thị Ngọc Thanh cho rằng, nên tìm hiểu những hiện tượng đang gây bức xúc trong dư luận để xem đó có phải là hiện tượng phổ biến trong học sinh không? Nguyên nhân tâm lí nào khiến học sinh làm như vậy và biện pháp giáo dục thích hợp? Để từ đó, chúng ta đưa ra những nội dung và phương pháp giáo dục mới phù hợp, điều chỉnh được sự phát triển của học sinh theo mục tiêu giáo dục đề ra.
Với phương hướng nghiên cứu tổng thể về sự phát triển tâm lí học sinh, theo TS.Tạ Thị Ngọc Thanh, nên có những nghiên cứu tổng thể sự phát triển tâm, sinh lí học sinh để xem những đặc điểm tâm, sinh lí của học sinh hiện nay có gì khác trước đây? Nhu cầu, hứng thú ở các lứa tuổi học sinh hiện nay là gì?... Đó là cơ sở để xây dựng chương trình giáo dục mới phù hợp với những thay đổi của học sinh. Đây không chỉ là nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc xây dựng chương trình giáo dục mới, mà còn là một nghiên cứu cơ bản để xác định gia tốc phát triển tâm, sinh lí của trẻ em - Điều mà nhiều nước trên thế giới vẫn thường 10 năm tiến hành 1 lần.
Khung CTGD của New Zealand
Phát triển CTGDPT theo yêu cầu hội nhập quốc tế
PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) thì cho rằng, việc phát triển GD nói chung và CTGD nói riêng cũng không thể không tính đến các yếu tố nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Theo PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, gần đây, chương trình giáo dục của nhiều nước chuyển đổi sang hướng tiếp cận năng lực. Năng lực được hiểu là khả năng vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng, thái độ và sự hứng thú để hành động một cách phù hợp và có hiệu quả trong các tình huống phong phú của cuộc sống. Theo hướng này, việc đánh giá kết quả học tập hướng vào câu hỏi: HS biết làm gì trong những điều chúng biết? Và biết hành động thế nào cho phù hợp với những tình huống khác nhau? Điều đó có nghĩa là năng lực không chỉ đòi hỏi có kiến thức, cũng không phải chỉ có kĩ năng mà cần có cả hai, ngoài ra còn cần thêm các yếu tố khác nữa.
Tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống cho rằng, đòi hỏi chương trình cần xuất phát từ các năng lực thiết yếu cần có trong cuộc sống hiện tại và tương lai đối với mỗi HS để lựa chọn, đề xuất các lĩnh vực học tập, các hoạt động GD cho tương thích và hữu ích.
Định hướng này dẫn đến các hệ quả: Hệ thống lĩnh vực/ môn học trong nhà trường phổ thông có thể thay đổi, có những môn học/ hoạt động mới sẽ xuất hiện cũng như có môn học/hoạt động không còn phù hợp. Nội dung của mỗi môn học/hoạt động phụ thuộc vào mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, vì thế không nhất thiết là phải đưa vào môn học/hoạt động tất cả các nội dung của khoa học tương ứng mà chỉ lựa chọn một số nội dung có ích cho việc hành thành và phát triển các năng lực cần thiết.
Các hoạt động GD trong nhà trường không chỉ nhằm giáo dục tư tưởng đạo đức, bồi dưỡng tình cảm mà còn có nhiệm vụ chuyển tải một số kiến thức và kĩ năng cần cho việc phát triển năng lực. Các tình huống thực tiễn trong nhiều lĩnh vực quen thuộc, gần gũi của cuộc sống được quan tâm nhiều hơn, trở thành đối tượng tìm hiểu, khám phá của chương trình và sách giáo khoa trong nhà trường.
Việc phát triển của chương trình giáo dục phổ thông, theo khảo sát của PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống tại một số nước, có hai xu hướng lớn. Đó là xây dựng và quản lí chương trình theo hướng tập quyền và phân quyền. Những quốc gia thực hiện phân quyền trong quản lí và phát triển chương trình tập trung xây dựng văn bản chương trình giáo dục quốc gia dưới dạng khung. Đặc điểm của CT khung là hết sức khái quát, ngắn gọn. Các nước xây dựng và phát triển CT theo hướng tập quyền thì chỉ có một CTGD quốc gia duy nhất do chính quyền trung ương xây dựng. Tất cả các địa phương phải tuân thủ CT này.
Việc phát triển CTGDPT trên thế giới là ngày càng nghiêng về hướng phân quyền. Ngay cả các nước theo xu hướng tập quyền thì việc biên soạn CTGD cũng theo hướng mở, để dành một khoảng trống lớn cho các địa phương tự chủ trong việc vận dụng và thực hiện CT.
Nhìn chung CTGDPT Việt Nam từ trước đến nay đều theo hướng tập quyền, một CT dùng thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên sự vận dụng và quản lí CT theo hướng mở ngày càng được chú ý. Từ chỗ tập quyền một cách cứng nhắc, dập khuôn, máy móc - sản phẩm của một nền giáo dục theo tư duy đồng phục, dần dần đã chuyển sang mềm dẻo hơn trong vận dụng và chỉ đạo thực hiện. Tuy một CT nhưng đã chú ý đến việc hướng dẫn thực hiện cho phù hợp với hoàn cảnh của các địa phương.
PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống cho rằng, Việt Nam là một đất nước trải dài, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của nhiều vùng miền rất khác nhau, vì thế CTGDPT và SGK không thể cứng nhắc mà cần linh hoạt hơn.
Theo gdtd online