Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần thực hiện theo phương châm 4 có, 4 biết. Theo đó, 4 có gồm: Có ban chỉ đạo, chương trình hoạt động đến cơ sở; có quy hoạch phát triển nhân lực hàng năm đến cấp xã; có danh sách cơ sở đào tạo nghề thuộc các bộ, ngành quản lý tại địa phương theo hướng tránh để người lao động đào tạo xa nơi cư trú và có chương trình thông tin, hỗ trợ việc làm trên truyền hình.
4 biết gồm: Chính quyền phải biết địa chỉ cơ sở điển hình làm tốt việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm ở mỗi ngành nghề; người lao động phải biết chính sách hỗ trợ cho chương trình, được công khai ở cấp xã; biết địa chỉ cơ sở đào tạo nghề tại địa phương và biết khả năng nơi làm việc sau khi đào tạo nghề.
Đó là những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc sơ kết một năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn diễn ra chiều nay (15/4), tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là 1 đề án lớn của Chính phủ, thu hút hàng triệu người dân quan tâm, đặc biệt là những người làm nông nghiệp.
Đánh giá cao những kết quả Đề án đã đạt được trong năm 2010, Phó Thủ tướng đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc đạt được các mục tiêu cơ bản như: 63 địa phương trên cả nước thành lập BCĐ Đề án, 73% cấp huyện và 49% cấp xã đã thành lập ban chỉ đạo, đây là nền tảng cơ bản, tiền đề quan trọng cho việc xây dựng chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Phó Thủ tướng đề nghị, Ban chỉ đạo Đề án phải huy động toàn bộ sức mạnh toàn quốc cho đào tạo nghề nông thôn. Các ban chỉ đạo tại 63 địa phương phải đưa ra và phê duyệt quy chế hoạt động rõ ràng, đạt hiệu quả; Ưu tiên người lao động trẻ, bên cạnh đó tạo điều kiện cho những người cao tuổi có nhu cầu học nghề; Các xã chưa có Ban chỉ đạo cần khẩn trương thành lập ban chỉ đạo; thành lập tổ công tác về dạy nghề nông thôn làm nông nghiệp. Các địa phương xây dựng đề án trung tâm kiểu mẫu ở các huyện điển hình xây dựng quy hoach phát triển nhân lực...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong năm đầu tiên thực hiện, Đề án đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề. Đến nay, tất cả các tỉnh/thành phố đã hoàn thành công tác điều tra, trong đó 35 tỉnh đã tổng hợp nhu cầu học nghề, danh mục nghề đào tạo. Qua số liệu tổng hợp của 35 tỉnh đã xác định được trên 600 nghề có nhu cầu đào tạo.
Được biết, sau 1 năm thực hiện đề án, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 350.000 người, trong đó khoảng 48,6% học các nghề nông nghiệp; khoảng 51,4% học các nghề phi nông nghiệp; tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt khoảng 70%. Riêng nhóm đối tượng đặt hàng mới chỉ đào tạo được cho 6.000 người/tổng số kế hoạch 12.000 người.
Năm 2011, Đề án đặt mục tiêu hỗ trợ dạy nghề và đặt hàng dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn, trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo; tiếp tục triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó tập trung ở các xã điểm mô hình xây dựng nông thôn mới, huyện nghèo và các xã vùng bãi ngang, ven biển; tổ chức một số lớp thí điểm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách và 7 chức danh chuyên môn cấp xã.
Tại hội nghị, các đại biểu và địa phương báo cáo, phát biểu ý kiến tập trung vào công tác triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương; công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn; công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã; đào tạo nghề theo đơn đặt hàng cho lao động nông thôn... Đồng thời đề xuất Chính phủ tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho các Trung tâm dạy nghề nông thôn để đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; sớm ban hành văn bản hướng dẫn cấp tỉnh, thành phố để triển khai tại cơ sở; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về sư phạm và kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên…
Theo GD&TĐ Online