Với vị trí trung tâm di sản văn hóa Huế và trung tâm kết nối Đà Nẵng, miền Trung không chỉ là điểm đến thu hút du khách mà đang có những bước đi mới nhằm tăng sức hút trong phát triển du lịch.
Huế - “tái sinh di sản”, kiến tạo không gian văn hóa

Lăng Minh Mạng (Hiếu lăng) nằm trên núi Cẩm Kê, ấp An Bằng, phường Long Hồ, quận Phú Xuân, thành phố Huế là điểm thu hút đông du khách. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Huế Trần Thị Hoài Trâm cho biết: Trên nền tảng 8 di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, Huế đã không "ngủ yên" trên ký ức. Mỗi cung điện, di tích, lễ hội, làng nghề… đang được đánh thức bằng tư duy bảo tồn chủ động và sáng tạo. Các công trình trùng tu như Ngọ Môn, Điện Kiến Trung, Điện Thái Hòa... tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, gắn bảo tồn với phát triển kinh tế - du lịch bền vững. Người dân Huế cũng tích cực gìn giữ bản sắc và giá trị văn hóa truyền đời.
Huế là địa phương tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản và phát triển du lịch thông minh. Dự án “Số hóa di sản Huế” không chỉ bảo vệ các giá trị trước nguy cơ hư hại, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận của du khách qua nền tảng trực tuyến, bản đồ tương tác, thực tế ảo (VR/AR). Các ứng dụng như bản đồ du lịch thông minh, đặt vé trực tuyến, app Huế-S đang thay đổi cách du khách khám phá điểm đến.
Mới đây, UNESCO đã ghi nhận những nỗ lực của Huế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản – một bước tiến chiến lược phục vụ nhu cầu du lịch đang gia tăng. Hơn 100 di tích đã và đang được số hóa, trong đó có nhiều công trình như lăng Tự Đức, cung An Định thực hiện dựng 3D nhờ hỗ trợ từ Thụy Sĩ, Nhật Bản.
“Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai vé điện tử tham quan, bản đồ du lịch số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để gợi ý hành trình. Chúng tôi đang tăng tốc hợp tác với các tập đoàn công nghệ để số hóa toàn bộ dữ liệu du lịch, cung cấp trải nghiệm liền mạch, đặc biệt hấp dẫn giới trẻ qua ứng dụng như Hue City Passport - Hộ chiếu du lịch Huế. Du khách có thể chạm vào di sản, ký ức và chiều sâu văn hóa bằng nhiều giác quan” - bà Trần Thị Hoài Trâm nhấn mạnh.

Quý I, lượng khách du lịch đến Huế ước đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Huế đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xây dựng kế hoạch trùng tu trung hạn (2025 - 2030), hướng tới các mục tiêu đến năm 2045, các công trình như Thái Miếu, Điện Cần Chánh, Lăng vua Gia Long... sẽ được đầu tư đồng bộ, bảo đảm cả giá trị lịch sử lẫn thẩm mỹ. Chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, giao lưu cộng đồng cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng của Huế trong mạng lưới các thành phố di sản châu Á.
“Trải nghiệm Huế là trải nghiệm ký ức - trầm lắng, tinh tế và sâu sắc. Huế chủ động kết nối với Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương khác hình thành trục liên kết "Con đường di sản miền Trung", xây dựng chuỗi sản phẩm liên vùng mang đậm bản sắc văn hóa - di sản - nghỉ dưỡng. Chúng tôi không chỉ làm du lịch, chúng tôi kiến tạo một không gian sống văn hóa, nơi du khách và người dân cùng sẻ chia không gian văn hóa, thiên nhiên, lịch sử, nhịp sống đời thường. Mỗi trải nghiệm ở Huế là một mảnh ghép trọn vẹn của ký ức, văn hóa và tương lai” - bà Trần Thị Hoài Trâm chia sẻ.
Đà Nẵng phát triển du lịch y tế
Ngày 31/3/2025, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch phát triển du lịch y tế giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là cột mốc quan trọng, góp phần đưa du lịch y tế trở thành một giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, hiện đại hóa hệ thống khám - chữa bệnh hòa nhập với chuẩn mực khu vực và thế giới.
Mục tiêu là xây dựng hệ thống y tế hiện đại, phát triển một số lĩnh vực mũi nhọn để đưa ngành y Đà Nẵng trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của Đông Nam Á. Du lịch y tế được phát triển gắn với tiềm năng địa phương, tạo động lực mới cho du lịch thành phố. Theo kế hoạch, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ có trên 15/29 bệnh viện, trung tâm y tế có khu vực đủ điều kiện tiếp nhận khách quốc tế; ít nhất 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế về chuyên môn và chất lượng dịch vụ.

Du khách vui chơi trải nghiệm trên bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trần Thanh Thủy cho biết: Nhiều bệnh viện và phòng khám quốc tế tại Đà Nẵng đã tiếp nhận, điều trị cho người nước ngoài sinh sống, làm việc tại thành phố. Một số cơ sở đã đầu tư khu điều trị riêng, hệ thống tư vấn, đặt lịch online. Có du khách đến Đà Nẵng để điều trị nha khoa, thẩm mỹ kết hợp nghỉ dưỡng, mang lại hiệu quả truyền thông tích cực. Một số tour nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu y học cổ truyền đã được triển khai; một số cơ sở y tế phối hợp công ty lữ hành, khách sạn giới thiệu dịch vụ khám sức khỏe ngắn ngày.
Du lịch y tế là sự giao thoa giữa hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe và hệ sinh thái du lịch, đòi hỏi sự phối hợp đa ngành giữa y tế, khách sạn - nghỉ dưỡng, vận tải, công nghệ, bảo hiểm. Muốn phát triển hiệu quả du lịch y tế đòi hỏi hạ tầng y tế đạt chuẩn quốc tế, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, chuỗi dịch vụ chăm sóc trọn gói, chính sách visa, bảo hiểm thuận lợi và truyền thông y tế xuyên biên giới.
Để hiện thực hóa kế hoạch, Tiến sĩ Bùi Ngọc Như Nguyệt, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng đề xuất cần thành lập cơ quan chuyên trách về du lịch y tế; xây dựng chiến lược quảng bá hiệu quả theo từng phân khúc khách hàng; nâng cao chất lượng y tế, khai thác lợi thế y học cổ truyền và y học thay thế; đào tạo chuyên gia giỏi chuyên môn, ngoại ngữ; đầu tư bệnh viện đạt chuẩn JCI (Joint Commission International) của Hoa Kỳ; áp dụng chính sách thị thực thuận lợi cho khách quốc tế.
Việc tích hợp dịch vụ y tế chất lượng cao với hoạt động du lịch nghỉ dưỡng là xu hướng tất yếu. Trong vai trò trung tâm miền Trung, với hạ tầng hiện đại, mạng lưới y tế ngày càng phát triển, Đà Nẵng đang trở thành điểm đến du lịch y tế hàng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, vươn ra khu vực và thế giới.
Theo Kha Phạm (TTXVN)
https://baotintuc.vn/du-lich/du-lich-hue-da-nang-co-buoc-di-hien-dai-doi-moi-de-tang-suc-hap-dan-20250419185221506.htm