Hiện nay, trong thời điểm giao mùa, bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu lây lan nhanh và phát triển thành dịch tại một số địa phương. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Vụ Công tác Học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Nội dung công văn nêu rõ: “Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp mắc bệnh tay chân miệng thì cả lớp sẽ được nghỉ học trong 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng. Trẻ mắc bệnh chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các nốt phỏng nước”.
Theo Cục Y tế dự phòng, trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã có gần 4.000 ca mắc tay chân miệng và có chiều hướng gia tăng ở các tỉnh phía Nam. TP Hồ Chí Minh cũng đã ghi nhận 9 trẻ tử vong.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tập trung ở nhóm học mẫu giáo. Bệnh lây theo đường tiếp xúc với đồ chơi bị nhiễm mầm bệnh, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, môi trường ô nhiễm…Khi phát hiện học sinh mắc bệnh, phải làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi bằng cloramin B 2%; tráng nước sôi trước khi sử dụng bát, đũa, cốc cho trẻ.
Vì thế, để dịch không lây lan trong các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, Cục Y tế dự phòng đề nghị các thầy, cô giáo theo dõi trẻ hàng ngày, phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình và cơ quan y tế kịp thời xử lý .
Hiện nay, bệnh tay, chân, miệng vẫn chưa có vắc xin đặc trị để phòng ngừa. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là đảm bảo vệ sinh trong ăn uống.
Biểu hiện sớm nhất của bệnh tay chân miệng là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Trong 1 - 2 ngày sẽ xuất hiện những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bóng nước. Ở miệng có dạng vết loét, có đường kính từ 4 - 8mm, thường ở phía trong miệng, ở trên lưỡi, tại vòm miệng hoặc ở lợi làm trẻ nuốt đau. Với triệu chứng này, cha mẹ thường nhầm lẫn với với bệnh viêm loét miệng thông thường. Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc ở cánh tay. Trẻ sơ sinh có thể có ban dạng sẩn vùng mông hoặc nơi quấn tã lót.
Theo GD&TĐ Online