Chưa có tiêu chí chung trong việc xây dựng mô hình trường CLC nên không ít trường ngoài công lập tự quảng cáo để dễ dàng nâng mức học phí.
Nắm bắt nhu cầu của nhiều bậc phụ huynh mong muốn gửi con - em vào những trường chất lượng cao, nên nhiều trường dân lập và tư thục - đặc biệt ở khối mầm non đua nhau tự gắn mác liên kết với nước ngoài và chất lượng cao để thu học phí ngất ngưởng. Trái lại, dù được Bộ GD-ĐT khuyến khích nhưng các trường công lập vẫn e ngại chính bởi sự nhập nhèm của thương hiệu này.
Mặc dù đã 5 năm (từ 2006) thực hiện chương trình “Phát triển một số ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao (CLC)” nhưng đến nay, Hà Nội mới chỉ có 15 trường đăng ký thực hiện thí điểm xây dựng theo mô hình này. Trong đó nhiều nhất ở khối mầm non - 6 trường, THPT - 4 trường, 3 trường THCS và 2 trường tiểu học.
Ở khối mầm non, Hà Nội có 683 trường công lập nhưng chỉ có 6 trường đang hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao. Trong khi đó, với hệ thống trên 170 trường tư thục, không ít trường tự quảng cáo về dịch vụ này để thu học phí cao ngất.
Trường Mầm non Mai Dịch, quận Cầu Giấy được đầu tư lớn về cơ sở vật chất trên diện tích gần 7.000m2, điều kiện phục vụ, học tập, chăm sóc trẻ của trường khá hiện đại với đủ các phòng chức năng như âm nhạc, Tin học, phòng học tiếng Anh… Bà Bùi Thị Vân Anh, Trưởng Phòng GD - ĐT quận Cầu Giấy phân tích, trong khi trường Mầm non Mai Dịch chỉ thu học phí ở mức 850.000 đồng/tháng với trẻ mẫu giáo và 1 triệu đồng/tháng với trẻ nhà trẻ thì cùng địa bàn, nhiều trường tư thục tự gắn mác chất lượng cao và thu từ 200 - 250 USD/tháng/trẻ song không có sân chơi, các dịch vụ cung ứng không đảm bảo chất lượng. Để gắn mác trường chất lượng cao, chỉ cần đưa vào trường chương trình... dạy tiếng Anh với các giáo viên nước ngoài rồi thu học phí ngất ngưởng.
Lãnh đạo một số Sở GD-ĐT ở TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… cho rằng, việc thống nhất tiêu chí cho mô hình này còn nhiều tranh luận và đến nay vẫn chưa có mực chuẩn nào cho trường CLC. Sự mập mờ về tiêu chí trường học CLC đã dẫn đến những khó khăn khi xây dựng mô hình này tại địa phương. Hầu hết cán bộ lãnh đạo phòng GD-ĐT đều cho biết, khó khăn lớn nhất là thuyết phục lãnh đạo địa phương phê duyệt đề án với mức học phí cao hơn mức học phí đại trà.
Trong số 6 trường mầm non của Hà Nội đang thực hiện thí điểm theo mô hình trường CLC, mới chỉ có 3 trường được UBND quận phê duyệt đề án. Ý định xây dựng thí điểm một trường mầm non trên địa bàn quận Cầu Giấy theo mô hình CLC phải dừng lại sau khi đã hoàn thành việc điều tra xã hội học, lấy ý kiến phụ huynh. Lý do không được phê duyệt bởi đây là trường công lập, đang đáp ứng tốt nhu cầu gửi con của người dân trong phường, không cần thiết phải chuyển đổi, đặc biệt là HS lại phải đóng học phí cao hơn.
Trong thực tế, nguyên nhân cơ bản khiến đề án chưa được đón nhận ở địa phương vì thiếu cơ sở khẳng định đây là trường CLC và những khác biệt về điều kiện, chất lượng của chính ngôi trường này so với trước đó.
Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, cần phải đặt ra những chuẩn mực rõ ràng, đầy đủ về mục tiêu đào tạo của trường CLC, phân cấp mạnh mẽ cho trường và cho giáo viên; đồng thời thực hiện tốt công tác thanh tra, xác định đúng giá trị quá trình dạy học và chất lượng tốt nghiệp của nhà trường. Có như thế mới đáp ứng được đòi hỏi của mô hình giáo dục mới trong tương lai. Như vậy, nguyên nhân của những vướng mắc trên chính là do thiếu hành lang pháp lý. Trong khi đó, đối với việc ban hành các tiêu chí về dịch vụ CLC cũng như cơ chế đi kèm, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Bộ vẫn đang trong tiến trình xây dựng dù chủ trương đã được triển khai từ nhiều năm nay.
Chính vì chưa có tiêu chí chung trong việc xây dựng mô hình này nên ở Hà Nội đang có không ít trường ngoài công lập tự quảng cáo về dịch vụ CLC có yếu tố nước ngoài để dễ dàng nâng mức học phí, mà “đầu ra” cũng chưa ai kiểm định./.
Với mô hình giáo dục CLC, ngoài việc học sinh được phát triển phẩm chất và năng lực hài hòa, bảo đảm các chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số xúc cảm), CQ (chỉ số sáng tạo), còn phải bảo đảm được việc học 2 buổi/ngày; nội dung học phải nhẹ nhàng… Trong đó, quan trọng nhất là tất cả các hoạt động phải hướng vào mục tiêu phát triển con người toàn diện và hài hòa. (Ông Nguyễn Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học).
Theo GD&TĐ Online