Cập nhật: 26/11/2011 07:21:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm đạo đức trong thanh niên, sinh viên ngày càng có xu hướng gia tăng, các hành vi vi phạm đạo đức của sinh viên diễn ra ngày càng nhiều như: vi phạm pháp luật, đánh nhau, uống rượu bia, cờ bạc, trộm cắp....

Chưa kể một số hành vi lệch chuẩn về mặt đạo đức như lệch lạc về tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống, thiếu tôn trọng thầy cô, sống hưởng thụ, ăn chơi, sống thử, lười học và lười lao động, thiếu ý thức rèn luyện bản thân... Những vấn đề này đặt ra cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội nhiều vấn đề cấp bách về giáo dục lối sống cho thanh niên, sinh viên.

 

Trách nhiệm từ nhiều phía

 

Nguyên nhân của những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống của thanh niên, sinh viên trên xuất phát từ nhiều phía gia đình, nhà trường và xã hội.

 

Về phía gia đình: Một bộ phận sinh viên thiếu sự quan tâm, giám sát, chăm sóc, giáo dục đầy đủ từ cha mẹ, gia đình. Nhiều phụ huynh do con cái đi học xa nhà nên ít có điều kiện chỉ bảo, quan tâm đến đời sống con cái hay lại nuông chiều thái quá. Một số phụ huynh thì chỉ mải lo kiếm tiền nên ít có thời gian gần gũi chia sẻ, thậm chí thiếu gương mẫu. Chưa kể tình trạng cha mẹ ly hôn, bất hòa trong tình cảm cũng làm ảnh hưởng đến con cái. Chính sự thiếu hụt về tình cảm, sự phát triển lệch lạc, một số sinh viên do xa nhà nên dễ bị lôi kéo sa đà vào những tệ nạn xã hội.

 

Bên cạnh đó những nguyên nhân từ phía nhà trường, như chưa thật sự quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho sinh viên, sự quản lý sinh viên còn chưa tốt, chưa chủ động trong việc phối hợp với gia đình và xã hội. Nội dung những bài giảng về đạo đức cho sinh viên còn sơ sài, nặng về lý thuyết chưa quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa để sinh viên có thể tham gia thể hiện kỹ năng ứng xử, trong giáo dục thì những nội quy, quy chế của trường chưa thực sự nghiêm minh, một bộ phận nhỏ cán bộ, giáo viên nhận thức còn hạn chế, thiếu gương mẫu.....

 

Nguyên nhân từ phía xã hội cũng không kém phần quan trọng. Toàn cầu hóa và sự phát triển của cơ chế thị trường mang lại nhiều cơ hội, ngược lại, cũng không ít những thách thức cho việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Hiện nay, với sự phát triển mạnh của thông tin, các dịch vụ giải trí phim ảnh, internet, game… luôn tồn tại những mặt trái của nó, đã gây ra những tác động không nhỏ tới sinh viên, những người còn thiếu kinh nghiệm sống, thiếu định hướng, còn bồng bột chưa làm chủ được bản thân còn đua đòi theo bạn bè. Bởi thế, khi gặp khó khăn trong cuộc sống các em chưa biết cách đương đầu, xử lý nên đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc, gây ra những thiệt hại cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

 

Như vậy, có thể thấy các lực lượng xã hội việc tham gia vào vấn đề giáo dục đạo đức cho sinh viên còn những hạn chế nhất định, phương pháp giáo dục đạo đức thì chưa phù hợp.

 

Chìa khoá từ 3 nguyên tố chính yếu

 

Từ những vấn đề trên có thể thấy để làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay cần có sự phối hợp những biện pháp cụ thể của 3 nguyên tố chính yếu là nhà trường, gia đình và xã hội; trong đó, nhà trường sẽ đóng vai trò cốt yếu, với các định hướng quan trọng sau đây:

 

Thứ nhất, các trường đại học, cao đẳng hiện nay cần phải tạo dựng một môi trường giáo dục toàn diện, cần tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức thông qua nội dung các bài giảng, các cuộc vận động, phong trào thi đua, triển khai học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,  giáo dục kỹ năng sống, hướng sinh viên đến việc tự trau dồi rèn luyện về ý thức, trách nhiệm đối với gia đình, nhà trường và xã hội.

 

Các trường nên đưa môn “Đạo đức học” thành môn học chính khóa trong chương trình học của sinh viên và nên lồng ghép việc giáo dục đạo đức trong các môn học để sinh viên tiếp thu một cách dễ dàng. Nhà trường nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm hỗ trợ, bổ sung kiến thức về kỹ năng và kinh nghiệm sống cho sinh viên. Từ đó giúp sinh viên hình thành thói quen và vận dụng các cơ hội để trưởng thành không chỉ về học tập, rèn luyện mà còn về xã hội, văn hóa và nhân cách.

 

Một yêu cầu nữa không kém phần quan trọng đối với các nhà trường là cần đề cao vai trò và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên, thông qua các bài giảng giáo viên kích thích lòng say mê nghiên cứu khoa học, say mê nghề nghiệp, bồi dưỡng nhân sinh quan và thế giới quan khoa học từ đó góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp cho sinh viên. Tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh để thúc đỷ ý chí vươn lên trong sinh viên.

 

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong trường như Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Phòng Công tác chính trị và các tổ chức khác trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cho sinh viên. Nhà trường nên thường xuyên liên hệ với gia đình, phường xã nơi sinh viên sinh sống để cùng phối hợp trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên.

 

Thứ ba, phát huy ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện trong mỗi sinh viên, nâng cao hoạt động tự quản trong hoạt động học tập và sinh hoạt của sinh viên. Với khác học sinh phổ thông, đối với sinh viên, nhất là sinh viên xa nhà, nhà trường chỉ quản lý trong thời gian lên lớp, còn lại tất cả thời gian trong ngày do các em tự quyết. Chính vì vậy các em phải có thói quen tự giác trong việc rèn luyền bản thân và thực hiện tốt các hoạt động do nhà trường, đoàn thanh niên tổ chức.

 

Sinh viên là bộ phận nòng cốt có tính chất quyết định đối với vận mệnh đất nước trong tương lai, do vậy việc thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kiến thức cho sinh viên chính là nhiệm vụ của nhà trường, gia đình và xã hội. Sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong giáo dục đạo đức sẽ đảm bảo sự phát triển của đất nước trong tương lai; không thể coi đây là trách nhiệm của một phía như quan niệm của một số không nhỏ trong xã hội thời gian qua.

 

 

Theo GD&TĐ Online

 

Tệp đính kèm