Cập nhật: 14/12/2011 14:47:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết đề án bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam – Singapo giai đoạn 2008-2010. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT Singapo, đại diện Đại sứ quán Singapo tại Hà Nội.

Chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam – Singapo được khởi động từ năm 2008. Năm 2009, Đề án “Xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam – Singapo đến năm 2010” chính thức được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

 

Mục tiêu của đề án là phát triển năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng trường phổ thông Việt Nam về đổi mới lãnh đạo và quản lý nhà truờng trong môi trường có nhiều thay đổi; đổi mới cách suy nghĩ và hành động để trở thành người hiệu trưởng biết gắn tầm nhìn với hành động, phát huy giá trị nhà trường và bản thân để đào tạo học sinh trở thành những công dân có phẩm chất và năng lực thực hiện đổi mới, phát triển đất nước trong thế kỉ 21.

 

Năm 2008, chương trình đã tổ chức bồi dưỡng cho 150 giảng viên nguồn cấp quốc gia và 330 giảng viên nguồn cấp tỉnh.

 

Năm 2009, 60/63 tỉnh đã tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng với số lượng là 12.602 hiệu trưởng được cấp giấy chứng nhận, hoàn thành 95,36 kế hoạch.

 

Năm 2010, đối tượng tham gia chương trình có mở rộng đối tượng đến CBQLGD các cấp ở địa phương và giám đốc TTGDTX cấp tỉnh. Trong đợt này, có 62/63 tỉnh tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng với số lượng và 16.891 hiệu trưởng và CBQLGD được cấp chứng nhận, hoàn thành 99,36% kế hoạch.

 

Để đảm bảo tính bền vững của chương trình, năm 2010, Học viện Quản lý giáo dục đã phối hợp với Học viện Giáo dục Singapore tổ chức 22 đợt cán bộ tư vấn giám sát. Nhiệm vụ của đội ngũ này là thúc đẩy hỗ trợ các hiệu trưởng trường phổ thông trong quá trình thực hiện những thay đổi cần thiết cho đơn vị mình.

 

Như vậy, trong 2 năm 2009 và 2010, hầu hết các hiệu trưởng phổ thông trên phạm vi cả nước đều được tham dự chương trình với số lượng gần 29.500 người, trong khi kế hoạch đề ra là 30 nghìn hiệu trưởng.

 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định, chương trình này đã có sức lan tỏa và tác động sâu rộng đến tất cả các nhà trường phổ thông, tạo sự chuyển biến tích cực; đồng thời đánh dấu một bước mới về cách tổ chức triển khai phối hợp thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, sự phối hợp các giảng viên đại học và các nhà quản lý thực tiễn là một kinh nghiệm quý trong công tác bồi dưỡng hướng đến nhu cầu của người học.

 

 

 

Theo Hiếu Nguyễn/GD & TĐ Online

Tệp đính kèm