Bộ GD-ĐT chủ trương sẽ có nhiều đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga (ảnh) về những dự kiến điều chỉnh, bổ sung quy chế tuyển sinh sắp tới.
Được biết Bộ dự kiến bổ sung khối A1 cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, xin ông cho biết cụ thể hơn?
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, ngoài các khối thi truyền thống (A, B, C, D và năng khiếu), Bộ GD-ĐT dự định bổ sung thêm khối thi A1 gồm 3 môn thi toán, lý và Anh văn. Thí sinh (TS) đăng ký dự thi khối A1 thi cùng đợt với khối A và V. Các trường căn cứ mục tiêu và yêu cầu kiểm tra kiến thức đầu vào của từng ngành đào tạo để xem xét và quyết định bổ sung thêm khối A1 bên cạnh những khối thi truyền thống đã tuyển những năm trước.
Để đảm bảo quyền lợi của TS, Bộ yêu cầu các trường chỉ có thể bổ sung, mà không được thay thế khối A1 cho các khối thi mà trường đã tuyển sinh những năm qua. Ví dụ nếu trước đây trường tuyển sinh ngành công nghệ thông tin theo khối A thì nay, nếu xét thấy cần thiết, có thể tuyển sinh theo khối A và A1, chứ không chỉ tuyển khối A1. Sau hội nghị tuyển sinh (dự kiến ngày 14.1.2012), các trường phải công khai các khối tuyển sinh vào các ngành của trường mình.
Những năm tiếp theo, Bộ sẽ nghiên cứu, có thể bổ sung khối thi khác giúp các trường chọn được TS vào học các ngành phù hợp và giúp TS có thêm nhiều cơ hội lựa chọn các môn thi theo sở trường, năng khiếu của mình.
Ngoài bổ sung khối thi A1, dự kiến quy chế tuyển sinh năm nay có gì mới hơn so với những năm trước, thưa ông?
Kỳ thi tuyển sinh năm 2012, Bộ dự định giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển (bỏ các quy định về số đợt xét tuyển và mốc thời gian xét tuyển mỗi đợt), trên nguyên tắc điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn và không vượt chỉ tiêu các trường đã xác định. Nghĩa là không quy định nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, cũng như điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn đợt trước. Các trường có thể tuyển nhiều đợt đến khi đủ chỉ tiêu. Điều này giúp các trường chủ động gọi TS trúng tuyển, không còn tình trạng gọi vượt chỉ tiêu được giao.
Như vậy TS và các trường có thể xét tuyển nhiều lần trong năm học?
Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho TS có nhiều cơ hội hơn trong xét tuyển, đồng thời các trường cũng sẽ tuyển được những TS có kết quả thi cao, nâng cao chất lượng đầu vào, đặc biệt là những trường gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm trước. Đến ngày 31.12 hằng năm, các trường báo cáo số liệu tuyển sinh để Bộ tổng hợp làm kế hoạch cho năm sau. Sau thời gian đó, các trường đào tạo theo học chế tín chỉ vẫn còn có thể tiếp tục tuyển sinh nếu chưa tuyển đủ.
Vậy các đợt thi ĐH, CĐ có thay đổi không, thưa ông?
Vẫn có 2 đợt thi ĐH và 1 đợt thi CĐ. Tuy nhiên, năm nay, dự kiến các đợt thi sẽ được tổ chức vào thứ bảy và chủ nhật để giảm ách tắc giao thông ở các thành phố lớn. Mặt khác, để giảm tải cho khu vực Hà Nội và TP.HCM, ngoài việc tiếp nhận TS có nguyện vọng thi vào các trường tại Hà Nội như những năm trước, từ năm 2012, cụm thi Vinh sẽ tiếp nhận thêm TS có nguyện vọng thi vào các trường ở TP.HCM. Bộ dự kiến sẽ mở thêm một cụm thi tại Hải Phòng dành cho TS thường trú tại Hải Phòng và Quảng Ninh có nguyện vọng thi vào các trường tại Hà Nội.
Năm 2012, Bộ cho phép tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào ĐH, CĐ. Điều này có gì mới so với quy định đã từng được thực hiện những năm trước?
Quy chế mới sẽ quy định TS đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào học ĐH, CĐ ở những ngành học phù hợp với môn mà TS đoạt giải. Bộ sẽ công bố công khai những ngành TS được phép lựa chọn tương ứng với môn đoạt giải của mình. Học sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng ngành hoặc ngành gần theo môn đoạt giải, nếu dự thi ĐH, CĐ thì được ưu tiên theo hướng: Dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi đạt điểm sàn ĐH trở lên, không có môn nào bị điểm 0 thì tuyển thẳng vào ĐH. Dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi từ điểm sàn CĐ đến dưới điểm sàn ĐH, không có môn nào bị điểm 0, thì tuyển thẳng vào CĐ.
Theo Vũ Thơ / Thanhnien Online