Cập nhật: 12/01/2012 15:13:29 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đối với Bộ Giáo dục – Đào tạo để học sinh có nhận thức và hành vi đúng đắn về bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản và trách nhiệm trong đời sống gia đình.

 

Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ Y tế phải có chương trình làm việc cụ thể với Tỉnh ủy, Thành ủy và UBND 10 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất (từ 115 trở lên/100) để khắc phục cho được vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.

 

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.

 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành cần có giải pháp mạnh để tỷ số giới tính khi sinh không tăng vượt mức 105/100. UBND 10 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất (từ 115 trở lên/100) phải xây dựng kế hoạch giai đoạn 2011-2015 với các giải pháp đột phá, quyết liệt để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ số giới tính khi sinh; hàng năm, có báo cáo về tỷ số này gửi Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Đối  với các tỉnh có tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) trên 2,1 con, cần có giải pháp quyết liệt để sớm đạt mức sinh thay thế.

 

Đối với các tỉnh có tổng tỷ suất sinh khoảng 2 con (mức sinh thay thế), cần có giải pháp quyết liệt để duy trì. Đối với các tỉnh có tổng tỷ suất sinh dưới 2 con (dưới mức sinh thay thế), theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần có giải pháp quyết liệt để có mức sinh thấp hợp lý (tổng tỷ suất sinh khoảng 1,8 - 1,9 con) và không để mức sinh giảm xuống mức quá thấp.

 

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chính sách duy trì mức sinh thấp hợp lý đối với các tỉnh có mức sinh dưới 2 con và có điều kiện nuôi dạy con tốt để chủ động tránh tình trạng mức sinh giảm xuống quá thấp.

 

Bộ Giáo dục – Đào tạo được yêu cầu nghiên cứu đưa nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào chương trình giáo dục trong nhà trường phổ thông để học sinh có nhận thức và hành vi đúng đắn về bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản và trách nhiệm trong đời sống gia đình.

 

Theo Phương Nguyên/GD&TĐ Online

 

Tệp đính kèm