Công bố mới nhất của bảng xếp hạng Webometrics, lần đầu tiên Việt Nam có mặt một cơ sở đại học trong top 1000 thế giới và ở gần trong nhóm 3% thế giới của 20300 cơ sở đại học tham gia xếp hạng.
Theo bảng xếp hạng này, ĐHQGHN giữ vững vị trí số 1 ở Việt Nam với thứ hạng 22 trong khối Đông Nam Á và có mặt trong top 1000 thế giới.
Công bố lần này, lần đầu tiên Webometrics có bảng xếp hạng của Việt Nam với 117 cơ sở đại học. Sau vị trí số 1 của ĐHQGHN là Trường Đại học Cần Thơ với vị trí 1649 thế giới, thứ 3 là Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐHQG TP.HCM với vị trí 2008 thế giới.
Tốp 100 thế giới hầu như không có thay đổi với tốp dẫn đầu theo thứ tự là ĐH Harvard, Viện Công nghệ Masachusetts, ĐH Stanford của Mỹ. ĐH Toronto (Canada) xếp hạng 17, ĐH São Paulo USP (Brazin) thứ 20, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ thứ 24, ĐH Cambridge (Anh) thứ 25. Các cơ sở đại học của Mỹ gần như chiếm tuyệt đối trong bảng xếp hạng của thế giới, chiếm 155 trường trong top 500 ĐH, 255 ĐH trong top 1000. Tiếp theo là Đức với 62 trường, Canada 33 trường, Anh 65 trường, Ý 39 trường, Đài Loan 32 trường.
Tốp 100 Châu Á có sự thay đổi khi ĐH Tokyo (Nhật bản) xuống thứ 2 nhường chỗ cho ĐH Quốc gia Đài Loan (Đài Loan - TQ), tiếp theo là 2 ĐHQG Cheng Kung, ĐHQG Chiao Tung (Đài Loan - TQ), ĐH Kyoto (Nhật Bản) thứ 5, ĐHQG Singapore thứ 6, ĐH Thanh Hoa (TQ) thứ 7, ĐH Bắc Kinh (TQ) thứ 8, ĐH Công nghệ Hong Kong (TQ) thứ 9 và thứ 10 là ĐHQG Sting Hua (Đài Loan - TQ).
Ở tốp 100 Châu Âu cũng có sự hoán đổi vị trí, ĐH Cambridge (Anh) xuống vị trí thứ 2 nhường chỗ cho Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (Thụy Sĩ), các vị trí lần lượt tiếp theo là ĐH Oxford (Anh), ĐH Bách khoa Catalunya Barcelona (Tây Ban Nha), ĐH College London (Anh), ĐH Utrecht (Hà Lan), ĐH Freiburg (Đức), ĐH Ghent (Bỉ), ĐH Bologna (Ý) và ĐH Wien (Áo).
Theo thống kê top 500 các cơ sở đại học, khu vực Châu Âu chiếm 212 trường, tiếp theo là Bắc Mỹ chiếm 178 trường, Châu Á 66 trường, Mỹ Latin 19 trường, Châu Đại dương 20 trường, Châu Phi 3 trường, khối Arab 2 trường.
Theo Lập Phương/GD&TĐ Online