Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia hoàn thiện Dự án Luật Giáo dục Đại học (GDĐH).
Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, GS.VS Đào Trọng Thi- Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cùng các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý GDĐH.
Tại hội nghị, nhiều vấn đề lớn của giáo dục ĐH được thảo luận như về mô hình tổ chức, hoạt động và việc phân tầng, phân loại các cơ sở giáo dục ĐH; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH về tổ chức nhân sự, kế hoạch tài chính, về các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học; xã hội hóa giáo dục ĐH, vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận của cơ sở giáo dục ĐH tư thục, cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài; bảo đảm và kiểm định chất lượng; tiêu chuẩn và chế độ, chính sách đối với giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, quyền và nghĩa vụ của người học; quản lý nhà nước về giáo dục ĐH.
Bàn về phân tầng, đóng góp cho Ban soạn thảo, GS.TS.Nguyễn Xuân Bảo cho rằng, việc phân tầng và phân loại các cơ sở giáo dục ĐH được đặt ra trong dự thảo luật là hoàn toàn hợp lý và cần thiết và điều đó sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người được được học ĐH phù hợp với điều kiện và khả năng của các cư dân trong từng vùng và của người học; đồng thời tạo ra động lực đáng kể trong hệ thống các trường ĐH nước ta hướng tới chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Trên cơ sở phân tầng và phân loại các cơ sở giáo dục ĐH, nhà nước sẽ có chính sách đầu tư thích hợp nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển và chấn hưng nền giáo dục ĐH Việt Nam, nhanh chóng hình thành những ĐH tinh hoa ngang tầm quốc tế, ĐH trọng điểm ngang tầm khu vực…
Tuy nhiên GS.TS.Nguyễn Xuân Bảo cũng đề nghị cần quy định rõ ràng về mục đích của sự phân tầng, các tiêu chí phân tầng, phân loại và các chính sách kèm theo, đồng thời phải được tập trung một số đầu mối và quản lý thống nhất về mặt nhà nước.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đóng góp ý kiến, trong khi chờ đợi chính sách của nhà nước về sự phân tầng cơ sở giáo dục ĐH theo quy định tại khoản 7, Điều 10 của dự thảo cần tiến hành sớm bước phân loại đầu tiên bằng một văn bản pháp quy liệt kê rõ ràng cơ sở nào là ĐH, cơ sở nào là học viện, trường ĐH. Đây là việc nhất thiết phải làm trong pháp luật giáo dục ĐH hiện nay trên thế giới.
Nêu ý kiến về quyền tự chủ, PGS.TS.Dương Văn Sao – Hiệu trưởng trường ĐH Công đoàn cho rằng, một mặt nên trao quyền tự chủ cho các trường để phát huy tính chủ động, sáng tạo và để khai thác mọi tiềm năng của cá nhân, tập thể và của xã hội cho công tác giáo dục ĐH. Mặt khác, phải gắn chặt với việc quy định trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH về mọi hoạt động của mình. Tự chủ mà không trong khuôn khổ quy định của pháp luật, không có sự quản lý của nhà nước nghĩa là tự chủ mà không dựa trên cơ sở định hướng phát triển giáo dục ĐH và không có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật và trong thực hiện các chương trình kế hoạch phát triển giáo dục của nhà nước. Khi đó, dẫn đến tình trạng chạy theo lợi ích cá nhân, tập thể, lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến lợi ích xã hội. Điều này sẽ gây ra hiệu quả khó lường.
Góp ý cho dự thảo, PGS.TS.Dương Văn Sao cho rằng, tại điều quy định nhiệm vụ của cơ sở giáo dục ĐH cần bổ sung: Các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm pháp luật, chính sách của nhà nước đối với công tác giáo dục đào tạo ĐH, đối với người học và đối với giảng viên. Về quyền của các cơ sở giáo dục ĐH cần bổ sung: Các cơ sở giáo dục ĐH đều có quyền bình đẳng trong tuyển sinh, đào tạo và trong hoạt động KH-CN…
Đồng nhất với ý kiến trên, GS.TS.Nguyễn Đình Hương góp ý, tính tự chủ phải gắn liền với việc kiểm tra, giám sát về quản lý nhà nước, không để các cơ sở giáo dục hoạt động ngoài quỹ đạo, nhất là cơ cấu, ngành nghề đào tạo tràn lan, thiếu định hướng, không hiệu quả. Hiện tại, vấn đề tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục ĐH đang theo các mô hình, cơ chế khác nhau, cần thống nhất để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả…
Về vấn đề giảng viên, cán bộ quản lý, người học, GS.TSKH Bành Tiến Long nhất trí với Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Quốc hội không nên quy định cứng ngay trong luật trình độ giảng viên ĐH là thạc sĩ vì không phù hợp với thực tiễn và khó khả thi nhất là đối với các trường ĐH thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật. Nhưng đối với các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH thành viên của các ĐH về các ngàng kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn, kinh tế thì chuẩn giảng viên lên lớp phải quy định có trình độ thạc sĩ trở lên.
Bên cạnh đó, GS.TSKH Bành Tiến Long cho rằng, quy định “Giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác trong các cơ sở giáo dục ĐH có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu giảng viên có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, đồng thời cơ sở giáo dục ĐH có nhu cầu” là khoản cực kỳ quan trọng vì theo thống kê sơ bộ, nếu tiến sĩ 60 tuổi về hưu thì sau 10 năm nữa tỷ lệ tiến sĩ ở các cơ sở giáo dục ĐH cũng chỉ khoảng 15-17% kể cả khi chương trình đào tạo thạc sĩ được thực hiện trong thực tế. Quy định này vừa gắn với trách nhiệm, sự vinh dự và giữ chân các thầy cô có trình độ tiến sĩ, kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu khoa học ở lại với ngành sư phạm. Quy định này, theo GS.TSKH Bành Tiến Long không có gì “xung đột” với Luật Lao động…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: mục tiêu của chúng ta là phải xây dựng được một Luật Giáo dục đại học có chất lượng, do đó yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa để dự thảo Luật thực sự được chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chủ tịch Quốc hội nhận định dự thảo lần này đã chất lượng hơn và cho biết, để luật được thông qua, chúng ta còn thời gian để thực hiện và còn có thể làm tốt hơn.
“Trong GD&ĐT phải đổi mới căn bản, đổi mới toàn diện, các đồng chí cố gắng bám vào chữ “căn bản”, “toàn diện”. Căn bản là những vấn đề cốt lõi nhất của giáo dục ĐH. Toàn diện là bắt đầu từ vấn đề chuẩn bị giáo trình, giáo viên, vấn đề tuyển sinh cho đến vấn đề quản lý tiền bạc, chi tiêu như thế nào. Lần này phải đổi mới cho được” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Nhận xét về dự thảo lần 5 Luật giáo dục ĐH, GS. Bành Tiến Long cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị khá công phu, nội dung chi tiết, rõ ràng, làm cơ sở cho đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng được những đặc trưng cơ bản của hệ thống giáo dục ĐH là tính thống nhất, tính công bằng, tính chất lượng, tính hiệu quả, tính tự chủ và tính quốc tế hóa. Luật giáo dục ĐH không chỉ mang tính chất thể chế hóa hoạt động đào tạo nguồn nhân lực thống nhất của quốc gia mà còn là nền tảng để đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam.
Nhiều đại biểu cũng cùng nhận định cho rằng, dự thảo 5 luật giáo dục ĐH là bước tiến triển quan trọng trong việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật hướng tới việc tạo dựng một không gian pháp lý phù hợp và tiến bộ cho tổ chức và hoạt động giáo dục ĐH nước ta.
Theo Hiếu Nguyễn/GD&TĐ Online