Khẳng định Bộ GD&ĐT không phải chịu áp lực về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, nếu coi thi chặt chẽ, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp hơn con số 98%.
- Tỷ lệ tốt nghiệp vài năm gần đây tăng dần đều, ông đánh giá thế nào về con số 98% của năm nay?
- Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay rất cao nhưng nói thật là tôi vẫn cảm thấy không thật vui. Không thể phủ nhận chất lượng học sinh ngày càng được nâng cao, nhưng công bằng mà nói khâu coi thi chưa thực sự nghiêm túc. Vẫn còn một số học sinh sử dụng phao thi, trao đổi bài, giáo viên coi thi dễ tính. Nếu coi thi chặt chẽ hơn, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp hơn.
- Ông suy nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng với những biểu hiện gian lận trong thi cử thì phong trào "hai không" đã không còn phát huy tác dụng?
- “Hai không” thực chất đã có tác dụng rất lớn. Trước đây người ta bắc thang trèo vào tường rồi ném phao, giáo viên giải bài cho thí sinh… Nhưng mấy năm trở lại đây, thi cử đã được siết chặt hơn, các hiện tượng như vậy hầu như không còn nữa.
Tuy nhiên, việc làm thế nào để học sinh không mang phao, không sử dụng phao trong phòng thi, không trao đổi với nhau khi làm bài vẫn làm chưa thật tốt. Nhưng tiêu cực không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Một người đứng đầu mong muốn thôi chưa đủ mà cần sự chung tay, kiên trì của nhiều lực lượng cùng với việc nâng dần thực chất chất lượng giáo dục. Tôi hy vọng rằng các địa phương sẽ làm nghiêm dần từng bước một để thi cử ngày càng đi vào nề nếp.
- Có thông tin lãnh đạo địa phương giao nhiệm vụ cho giám đốc Sở Giáo dục phải có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, ông nhìn nhận thế nào về việc này?
- Chuyện đó là có thật. Lãnh đạo và nhân dân đều muốn con em mình đỗ tốt nghiệp hết. Điều đó không thể trách họ. Đáng trách là yêu cầu đó không tính đến thực tế chất lượng. Lẽ ra khi chất lượng chưa cao thì không nên yêu cầu nhiều bởi khi lãnh đạo tỉnh gây áp lực khiến Sở Giáo dục phải tìm cách, và lâu dần sẽ thành tác dụng ngược, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống.
Giáo viên khi nương tay với học sinh cũng không hoàn toàn vì thành tích. Nhiều thầy cô vì thương học sinh mà giúp các em qua. Bởi nếu các em trượt thì sẽ là áp lực và gánh nặng lớn cho gia đình. Khác với các Sở Giáo dục, Bộ không phải chịu áp lực nào về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp.
- Nhiều cựu lãnh đạo Bộ và các nhà giáo đều cho rằng cần khôi phục lực lượng thanh tra ủy quyền để công tác coi thi được chặt chẽ hơn, ý kiến của ông ra sao?
- Trước đây thi cử cũng là do Sở đảm nhận như hiện nay. Sau một thời gian do nhiều nguyên nhân, công tác chỉ đạo thi của nhiều Sở có phần buông lỏng, Bộ phải phân công thanh tra ủy quyền về để giúp các địa phương nhận rõ vấn đề. Đến nay xét thấy điều đó không thật sự cần thiết nữa.
Tôi cho rằng lực lượng thanh tra địa phương đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, và trường Đồi Ngô (Bắc Giang) là trường hợp rất cá biệt, buộc Sở GD&ĐT phải vào cuộc xác minh, xử lý. Bộ cũng sẽ rút kinh nghiệm ở tất cả khâu trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay để chỉ đạo tốt hơn trong năm học tới.
- Ông từng nói kỳ thi tốt nghiệp không nhằm mục đích đánh trượt các em, và thực tế tỷ lệ đỗ cũng xấp xỉ 100%. Vậy thì thay bằng tổ chức một kỳ thi Bộ Giáo dục tính toán thế nào về phương án công nhận tốt nghiệp cho học sinh?
- Chúng ta đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học và THCS, tuy nhiên cho đến hiện tại vẫn chưa bù được khoảng trống này. Bỏ kỳ thi cuối cấp thì lẽ ra phải tăng cường và đổi mới việc đánh giá chất lượng học sinh trong suốt quá trình dạy học kết hợp với đánh giá ở cuối kỳ, cuối năm nhưng việc này làm chưa tốt. Đối với học sinh lớp 12, nếu không thi mà chỉ xét để công nhận tốt nghiệp, tỷ lệ tốt nghiệp có thể vẫn thế, nhưng chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ đi xuống vì tâm lý của học sinh chúng ta là không thi thì không học.
- Trước những băn khoăn của người dân về chất lượng kỳ thi tốt nghiệp, Bộ có những dự định gì trong thời gian tới?
- Bộ đang nghiên cứu đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục nói chung, thi cử nói riêng. Thứ nhất là nâng cao năng lực đánh giá học sinh trên lớp học trong quá trình giảng dạy, đa dạng các hình thức đánh giá học sinh như có thể giao cho các em những dự án nhỏ rồi cho đánh giá hoặc đánh giá sự tiến bộ dần dần thông qua tài liệu học tập của các em... Phải tạo cho học sinh có năng lực tự đánh giá, giúp các em tiến bộ.
Thứ hai là phải kết hợp tốt giữa đánh giá trong quá trình dạy học với đánh giá tổng kết cuối năm, cuối cấp. Như vậy thì kỳ thi tốt nghiệp có thể nhẹ nhàng hơn mà nội dung đánh giá lại toàn diện hơn. Thứ ba là sẽ đánh giá trên diện rộng ở các địa phương, trong toàn quốc, và so sánh với quốc tế để thấy được mặt bằng chất lượng và cũng từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục.
Tất cả giải pháp trên đều giúp học sinh hình thành năng lực học tập, năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng một cách tổng hợp để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống.
- Thời đi học của Thứ trưởng, áp lực thi cử như thế nào?
- Thời chúng tôi cũng có gian lận trong thi cử nhưng ít lắm. Trước khi thi cũng áp lực, nhưng áp lực là để cố gắng chứ không phải áp lực tạo thành stress như một số học sinh hiện nay.
Theo Hoàng Thùy/ VnExpress