Cập nhật: 20/08/2012 16:20:35 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay ở Việt Nam các lớp dạy kĩ năng ứng phó với tình huống, hoàn cảnh khẩn cấp trong cuộc sống như động đất, cháy nổ, tai nạn giao thông, thiên tai, bão lũ không phải là mới mẻ. Nhưng việc đưa giáo viên đang dạy các lớp học phổ thông trực tiếp trải nghiệm tại lớp học “phòng vệ thông minh” như vậy trở về trường dạy học sinh thì quả là ý tưởng thú vị đầy hiệu quả.

Lớp học như vậy đã được Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học kỹ thuật- Trường ĐH Phòng cháy & Chữa cháy (PCCC) phối hợp với trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) và Công ty phát triển bản thân- TGM tổ chức sáng nay 19/8 tại Hà Nội.

 

Trải nghiệm kĩ năng để sinh tồn đầy thú vị

 

Sở dĩ gọi lớp học này là kết quả của một ý tưởng thú vị vì trước đó Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học kỹ thuật đã tổ chức được 6 lớp học với khoảng 500 học viên; tuy thế, các học viên đăng kí học tại các khóa học này đều xuất phát từ nhu cầu tự thân muốn trải nghiệm, trang bị cho mình người thân trong gia đình… những kĩ năng thoát hiểm cơ bản khi đối mặt với thảm họa cháy, nổ và các tai nạn khác.

 

Tại lớp học, học viên được các chuyên gia đào tạo của trường ĐH PCCC giả định các tình huống khẩn cấp trong các hiện trường cháy, nổ, tai nạn giao thông, bão lũ có nguy cơ cao nguy hiểm đến tính mạng của mình, người thân hoặc người đồng hành; đồng thời các chuyên gia cũng phân tích tình huống, chỉ ra những kĩ năng tự thoát hiểm, tự cứu mình trong các trường hợp giả định cho các học viên.

 

Học viên cũng được trải nghiệm những cảm giác mạnh khi thoát hiểm ở độ cao từ nhà cao tầng bằng thang cứu hỏa hoặc tự đu dây xuống đất, tự tay dập tắt đám cháy, đối mặt với ngọn lửa đang bốc lên ngùn ngụt…

 

Thượng tá Nguyễn Thế Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học kỹ thuật- trường ĐH PCCC nhận định: xã hội càng văn minh, sản xuất kinh doanh phát triển mạnh, tốc độ đô thị hóa càng nhanh thì ngoài các vụ thiên tai, địch họa, nguy cơ cháy nổ xảy ra càng lớn kéo theo nhu cầu bức thiết của công tác cứu hộ, cứu nạn. Người dân cũng dần nhận thức được điều đó và nhận thấy rằng cần trang bị cho mình và con em mình những kĩ năng “phòng vệ thông minh”. Do vậy việc đưa các kĩ năng này vào giảng dạy cho học sinh trong các nhà trường là thực sự cần thiết và hữu hiệu.

 

Lớp học chỉ kéo dài 1 ngày nhưng tuyệt đại đa số 129 học viên là giáo viên của trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trải qua đều nhận xét là đã có những trải nghiệm thú vị.

 

Trang bị kĩ năng ứng phó với các thảm họa cho học sinh là hết sức cần thiết

 

Giáo viên Hà Thị Kim Ngân- Chủ nhiệm lớp 5A9 trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, trên thực tế, ở tuổi trên 40 như chị và những người khác cũng đã có nhiều trải nghiệm cuộc sống. Song qua lớp học này, sau khi được trải nghiệm những cảm giác mạnh khi thoát hiểm ở độ cao từ tòa nhà 10 tầng bằng thang cứu hỏa hoặc tự đu dây xuống đất, tự tay dập tắt đám cháy mới thấy hết sự nguy hiểm của các thảm họa. Điều thú vị này bây giờ chị Ngân và các chị bạn khác mới được trải nghiệm.

 

Nhà riêng của chị Ngân ở tầng 5 trong Khu tập thể cao tầng của Học viện Kĩ thuật mật mã. Chị cho biết, những kĩ năng “phòng vệ thông minh” thực sự có ích cho mình và cho người thân khi không may có thảm họa xảy ra. Đồng thời, chị sẽ sẵn lòng chia sẻ với học sinh ở trường, người thân trong gia đình và bạn bè những kĩ năng phòng vệ này.

 

Là một giáo viên mới ra trường, Nguyễn Thị Hằng- giáo viên chủ nhiệm lớp 3A2 trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ, dù đã chuẩn bị rất kĩ tâm lý phải đối mặt với các cảm giác mạnh trong lớp học này nhưng khi thực hiện các động tác thoát hiểm, Hằng thực sự cảm thấy choáng với độ cao và ngọn lửa đang bốc lên hừng hực. Tuy nhiên Hằng đã vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình khi đối mặt với nguy hiểm và chị thực sự tự tin sẽ vượt qua nếu trong cuộc sống mình phải đối mặt một lần nữa với các tình huống thoát hiểm khẩn cấp tương tự.

 

 

Học viên dùng bình bọt cứu hỏa dập tắt ngọn lửa đang bùng lên hung hãn. Ảnh, gdtd.vn

 

Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Đào Thị Thủy cho biết, xuất phát từ công tác chuẩn bị đưa các kĩ năng “phòng vệ thông minh” vào giảng dạy cho học sinh, nhà trường đã đưa 1/3 giáo viên trong trường đi trải nghiệm thực tế. Ở đây có hai mục đích, thứ nhất là để bản thân các thầy, cô giáo trải nghiệm trực tiếp các kĩ năng phòng vệ; thứ hai là sau khi đã có sự trải nghiệm thực tế, giáo viên mới có thể giảng dạy tốt cho học sinh những kĩ năng cần thiết ứng phó với tình huống, hoàn cảnh khẩn cấp trong cuộc sống như động đất, cháy nổ, tai nạn giao thông, thiên tai, bão lũ…

 

 

Theo Bá Hải/GD&TĐ Online

Tệp đính kèm