Cập nhật: 28/08/2012 16:41:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù nhiều phụ huynh học sinh cũng cho rằng việc đóng góp thêm các khoản thu ngoài là để đảm bảo tốt hơn điều kiện học tập cho con em mình. Tuy nhiên, việc thu như thế nào, sử dụng ra sao, làm thế nào để tránh lạm thu lại là vấn đề còn nhiều băn khoăn.

Lạm thu: Chuyện không mới

 

Từ nhiều năm nay, cứ mỗi đầu năm học mới, chuyện đóng góp các khoản ngoài học phí và việc lạm thu luôn là đề tài được người dân quan tâm. Chuyện không mới nhưng tính thời sự của nó thì lại luôn nguyên vẹn.

 

Gia đình chị Phạm Thanh Hằng (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) có con vừa bước sang lớp 9, cho biết, năm học nào cũng vậy, các khoản thu như tiền mua đồng phục, mua vở, sách tham khảo… luôn là một trong những nội dung trong cuộc họp phụ huynh đầu năm.

 

“Năm ngoái, con tôi mua 2 bộ đồng phục, đến nay vẫn còn và cháu vẫn mặc vừa. Nhưng năm nay nhà trường thông báo học sinh vẫn phải mua mới đồng phục. Rồi các khoản thu như mua quạt, trồng cây xanh... Mỗi lần đi họp phụ huynh đầu năm là phải mang theo một vài triệu để chuẩn bị đóng góp”. Chị Hằng chia sẻ.

 

“Với nhiều gia đình có con đi học, không phải học phí mà chính các khoản “phụ phí” mới là gánh nặng, do đó, rất cần thiết phải có sự vào cuộc của các ngành chức năng để kiểm soát các khoản thu ngoài, tránh các trường lạm thu”, chị Hằng nói. 

Cứ mỗi đầu năm học mới, chuyện đóng góp các khoản ngoài học phí và việc lạm thu luôn là đề tài được các bậc phụ huynh quan tâm

 

Chị Lê Thanh Lan, (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì cho hay, em trai của chị vừa nhập học lớp 10, gia đình chưa phải đóng học phí nhưng các khoản tiền như tiền học thêm 1 tháng đầu trước khi khai giảng, tiền đồng phục, sách giáo khoa đã lên đến 1.350.000 đồng. Trong đó còn có khoản tiền ủng hộ nhà trường đối với học sinh đầu cấp. Nhà trường thì nói "tuỳ tâm", nhưng có khi lại đưa danh sách những phụ huynh đã đóng góp trước đó ra để phụ huynh sau “tham khảo” mà danh sách tham khảo thì ủng hộ thấp nhất là 500.000 đồng. Việc sử dụng các khoản thu này như thế nào, nhiều người không biết rõ.

 

"Nếu chỉ đóng học phí không thì các trường cũng rất khó khăn để duy trì hoạt động và đảm bảo học sinh có các điều kiện cần thiết để học tập nên thu thêm một số khoản ngoài học phí cũng là cần thiết. Tuy nhiên, các khoản thu ngoài phải rõ ràng, hợp lý và đảm bảo được sử dụng đúng mục đích”, chị Lan chia sẻ ý kiến.

 

Bà Mai Thị Oanh (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) có con chuẩn bị vào học lớp 12 cho biết, các khoản thu theo thỏa thuận và thu tự nguyện vẫn có sự không rõ ràng, nhiều khi tính chất thỏa thuận, tự nguyện chỉ là trên danh nghĩa. Muốn dạy thêm chẳng hạn, nhà trường phát một tờ đơn xin học thêm đã in sẵn cho phụ huynh để ký tên. Tuy tự nguyện nhưng thực ra là bắt buộc, đã ký vào tờ đơn thì phụ huynh cứ đều đều trả tiền học thêm hàng tháng cho con. Điều này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng chẳng phụ huynh nào dám kêu ca bởi nếu không con mình sẽ bị phân biệt đối xử.

 

Bà Oanh cho rằng: “Để tránh việc các trường áp đặt mức thu, các khoản thu, Sở Giáo dục và Đào tạo cần có quy định rõ ràng và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, song song với đó là công tác thanh kiểm tra phải được thực hiện chặt chẽ. Nếu cần thiết, Sở có thể đưa ra mức trần đối với các khoản thu này”.

 

Theo chị Lê Thị Thảo Lưu (Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh), hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương đều có hướng dẫn về các khoản thu, song không phải phụ huynh nào cũng thông tỏ nội dung của văn bản hướng dẫn đó.

 

Do vậy chị Lưu góp ý, mọi hoạt động thu, chi phải được công khai đến tất cả phụ huynh để họ giám sát đồng tiền do mình bỏ ra. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên lấy ý kiến của phụ huynh bằng cách bỏ phiếu kín.

 

Nhiều biện pháp kiểm soát lạm thu

 

Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang

Theo khảo sát của phóng viên, trước những phản ánh tương tự như trên, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương đã có các chỉ đạo kịp thời trước khi bước vào năm học mới.

 

Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang cho hay: Việc lạm thu tại các trường có thể phát sinh những biến tướng của việc thu quỹ đầu năm, ví dụ như quỹ trường không tăng nhưng quỹ lớp tăng. Do đó, để ngăn chặn hiện tượng này, Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang đã có văn bản gửi các Phòng Giáo dục chỉ đạo thắt chặt vấn đề thu ngoài học phí.

 

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đã thành lập các đoàn kiểm tra về chương trình năm học mới, trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tình hình thực hiện thu - chi đầu năm học để tránh tình trạng lạm thu của các trường.

 

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng năm học mới 2012 - 2013 và yêu cầu Hiệu trưởng các trường trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Sở nếu để tình trạng lạm thu xảy ra.

 

Ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình khẳng định, Sở đã có các văn bản chỉ đạo các Phòng giáo dục, các trường THPT trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc quy định thu – chi đầu năm học.

 

Ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình

Ngoài ra, ông Bắc cho rằng, nhân dân chính là lực lượng giám sát việc thực hiện tại các trường một cách sâu sát, thiết thực nhất. Sở cũng đang phối hợp với Đài truyền hình của tỉnh thực hiện các chuyên đề tuyên truyền về vấn đề này.

 

Còn ông Đỗ Minh Hoàng, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với Sở Tài chính để ban hành văn bản liên Sở hướng dẫn thu học phí và chi phí khác năm học 2012 – 2013.

 

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam

Cho rằng nguyên nhân trước tiên của lạm thu xuất phát từ phía nhà quản lý. Do đó, để giải quyết tình trạng này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất ý kiến: “Hàng quý đơn vị thu cần công khai minh bạch các khoản thu, tại sao thu và thu nhằm mục đích gì? Với các khoản phụ thu như ngày 20/11, ngày lễ Tết Ban phụ huynh là người đứng ra thu thì sẽ hợp lý và thuyết phục hơn vì những khoản thu này không có trong quy định”.

 

Để cân đối các khoản thu này, theo GS.TS Phạm Tất Dong, nhất thiết phải có một bộ phận giám sát. “Có thực hiện quản lý chặt chẽ từ đầu thu cho đến việc sử dụng thì tình trạng lạm thu, loạn thu như hiện nay mới dần được tháo gỡ”, GS. TS Dong chia sẻ quan điểm.

 

Sớm có quy định quản lý khoản thu chi "tự nguyện"

 

Trước ý kiến các phụ huynh cũng như Lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tại địa phương về các khoản thu đầu năm học, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã có các văn bản gửi UBND các tỉnh yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện thu chi đầu năm. 

Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

Đối với các khoản thu tự nguyện (các khoản thu ngoài học phí), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân cấp cho các địa phương phải tổ chức kiểm tra, giám sát không được phép để các cơ sở, các trường tự đặt ra các khoản thu ngoài quy định. Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các khoản thu của các trường trung học cơ sở. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các khoản thu theo thỏa thuận của các cấp trung học cơ sở, tiểu học và mầm non.

 

Ông Quang nhấn mạnh, nếu người dân, cơ quan thông tấn báo chí phát hiện có trường, cơ sở giáo dục đào tạo nào vi phạm, nêu tên cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.

 

Ông Quang cho biết thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp tới sẽ ban hành thông tư quy định việc quản lý thu chi các khoản thu tự nguyện như thế nào để vận dụng vào trong nhà trường.

 

Theo đó, tinh thần là tất cả các khoản thu tự nguyện cũng phải đưa vào hệ thống sổ sách kế toán của nhà trường, phải có thiết kế, dự toán, làm xong phải có báo cáo công khai các khoản thu chi, sử dụng trên tinh thần tiết kiệm. Mục tiêu chính là đảm bảo tính công khai, minh bạch.

 

 

 

Theo An Thủy – Huyền Hoa/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm