Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế cuộc thi khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia áp dụng cho các cơ sở giáo dục có học sinh trung học và các tổ chức, cá nhân tham gia cuộc thi.
Nội dung thi là kết quả nghiên cứu của các dự án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật thuộc các nhóm lĩnh vực: Khoa học động vật; Khoa học xã hội và hành vi; Hoá sinh; Sinh học tế bào và Phân tử; Hoá học; Khoa học máy tính; Khoa học Trái đất và hành tinh; Kỹ thuật: Vật liệu và công nghệ sinh học; Kỹ thuật: Kỹ thuật điện và cơ khí; Năng lượng và vận tải; Khoa học môi trường; Quản lý môi trường; Toán học; Y khoa và khoa học sức khoẻ; Vi trùng học; Vật lý và thiên văn học; Khoa học thực vật.
Đối tượng dự thi là học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 (có thể là cá nhân hoặc 1 nhóm không quá 3 người), có kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực học kỳ I (nếu cuộc thi được tổ chức trong học kỳ II) hoặc năm học liền kề trước năm học tổ chức cuộc thi (nếu cuộc thi được tổ chức trong học kì I) từ khá trở lên.
Thời gian nghiên cứu của dự án dự thi không quá 12 tháng liên tục và trong khoảng từ tháng 1 năm liền kề trước năm tổ chức cuộc thi đến trước ngày khai mạc cuộc thi 30 ngày. Các dự án sẽ được chấm theo thang điểm 100 dựa vào các tiêu chí: tính sáng tạo, ý tưởng khoa học, sự đầy đủ, kỹ lưỡng, kỹ năng nghiên cứu, sự rõ ràng, mạch lạc, nỗ lực của nhóm nghiên cứu... Những dự án được đánh giá cao, đoạt giải sẽ được chọn tham dự kỳ thi khoa học, kỹ thuật quốc tế.
Cuộc thi được tổ chức 1 lần trong năm. Ban chỉ đạo cuộc thi, ban giám khảo chấm thi do Bộ GD&ĐT thành lập.
Theo Lập Phương/GD&TĐ Online