Khẩu hiệu "học mà chơi" "chơi mà học" giờ đây dường như đã trở nên xa lạ đối với các em học sinh, khi tại thủ đô Hà Nội việc học quá nhiều đã trở thành áp lực. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tuổi thơ của các em sẽ vơi đi sự hồn nhiên, vô tư cần phải có...
Hiện nay, hình ảnh học sinh cấp I, cấp II với ba lô, cặp sách “to hơn người” hiện hữu trên khắp các nẻo đường đến trường. Việc sáng học, chiều học, tối học không có thời gian để nghỉ ngơi, giải trí cũng không còn là chuyện lạ đối với học sinh ở thủ đô Hà Nội.
Có thể thấy, vừa mới bước vào năm học mới nhưng tình trạng học thêm của học sinh các cấp, đặc biệt là cấp I và cấp II đã diễn ra phổ biến ở khắp các trường trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh lịch chung về các buổi học phụ đạo thêm ở trường là những buổi học tại nhà cô, học ở trung tâm hay thuê gia sư kèm tại nhà. Trong khi đó, một tâm lý cũng phổ biến ở phụ huynh là cho con học càng nhiều môn thì càng phát triển toàn diện, nên ngay từ những tuần đầu năm học mới các em đã phải đối mặt với lịch học thêm chồng chéo.
Buổi sáng, bước chân vào trường THCS Nguyễn Tất Thành nằm trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, nhìn khuôn mặt bơ phờ của các em khi đến trường, tôi gặng hỏi và bắt chuyện vài em, giật mình trước chia sẻ về áp lực học tập của các em ở đây. “Sáng em phải học chính ở trường, chiều em học thêm ở lớp, tối thì một tuần 3 buổi em phải đi học tiếng Anh ở trung tâm, 9 giờ tối em mới được về ăn cơm, lại còn học bài ngày mai nữa. Bài tập về nhà lúc nào cũng nhiều không làm hết được chị ạ, đi ngủ cũng lo bài tập” - Mai Trang, học sinh lớp 8 chia sẻ trong trạng thái mệt mỏi.
Đưa con đi học, chị Thu Uyên, phụ huynh em học sinh lớp 7 trường PTCS Thành Công nói: “Nhìn bọn trẻ học đêm học ngày cũng thương lắm. Nhưng bây giờ không cho học thì sau này biết làm gì mà ăn? Rồi con người ta học thêm, con mình chẳng lẽ lại không? Mỗi tháng cũng mất đứt nửa tháng lương của mẹ nhưng vẫn phải cho con đi học!”.
“Giờ giấc học thêm thì thay đổi lung tung, lúc học ca này, lúc ca kia vì không có phòng. Đi làm mà cứ phải vòng về đưa đón con đi học, lắm hôm ngày phải đưa đi đón về 6 lần. Bố mẹ rất mất thời gian mà các con cũng không có thời gian nghỉ ngơi”- một phụ huynh khác chia sẻ.
Chị Thanh Vân, phụ huynh học sinh lớp 2, trường tiểu học Ngọc Khánh tâm sự: “Tiếng là tự nguyện viết đơn xin học nhưng hiếm phụ huynh lại không viết! Bây giờ đi học thêm tự nguyện toàn trên tinh thần bắt buộc thôi”.
Hay “Nhìn bọn trẻ về chỉ lo bài tập mà xót ruột, ngày nghỉ cuối tuần thì càng học thêm nhiều hơn, rồi bài tập về nhà. Nghe đâu lại sắp thi giữa học kỳ rồi, trung thu này muốn cho con về quê chơi nhưng chưa chắc đã về được”. Một cô giáo xin được giấu tên tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám phân trần: “Cô giáo cũng không muốn giao bài tập về nhà nhiều cho học sinh nhưng các phụ huynh cứ yêu cầu phải có để các con vào nếp học hàng ngày. Hay việc dạy thêm cũng là do các phụ huynh đề nghị thôi...”.
Khoan nói về sự đúng, sai khi đưa ra các lý do cho “sự học” của các học sinh đối với cả phụ huynh và cô giáo, chỉ biết rằng các em hàng ngày vẫn tiếp tục phải: “Học, học thêm, học thêm nữa”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc vì áp lực học tập quá sức, tuổi thơ sẽ vơi đi sự hồn nhiên, vô tư cần phải có...
Theo quy định mới về dạy thêm học thêm mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/05/2012, thì việc tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa bị cấm, không dạy thêm đối với học sinh được học 2 buổi một ngày, học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
Việc ban hành quy định này đã nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận xã hội. Song, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên thực tế hiện nay vẫn rất khó kiểm soát bởi diễn ra dưới nhiều hình thức và giờ giấc khác nhau hay nói đúng hơn việc cấm dạy thêm, học thêm mới chỉ là cấm được trên văn bản mà thôi. Bên cạnh đó, vai trò thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục, của các cơ quan thanh tra Nhà nước, của chính quyền các cấp trong lĩnh vực này còn rất “mờ nhạt” .
Nhiều ý kiến cho rằng, khi mà hiện nay, mức lương của giáo viên khó đảm bảo cuộc sống dẫn đến việc buộc phải dạy thêm tăng thu nhập, thì cần có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với đối tượng này. Mặt khác, cần giảm tải chương trình cho phù hợp với lứa tuổi học sinh cũng như nâng cao ý thức tự giác học tập của các em học sinh./.
Theo Thu Hằng/Báo điện tử ĐCSVN