Việc Bộ GDĐT đang phối hợp với sở GDĐT các địa phương kiểm tra, xử lý việc dạy thêm, học thêm có thể tạm thời lắng xuống một thời gian; tuy nhiên, để hoạt động này có thể hoàn toàn chấm dứt như mong muốn của những người làm công tác quản lý, thì việc nhận dạng chính xác nguyên nhân là một yêu cầu cấp thiết.
Bởi vì, theo nhiều nhà khoa học giáo dục, không chỉ vì lương giáo viên thấp mới khiến cho tệ nạn này hoành hành.
Thi cử, chương trình, sách giáo khoa…
Nếu xét về nguyên nhân là SGK, chúng ta có thể tham khảo ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng. GS đã dẫn chứng về một chuyên ngành mà ông am hiểu, đấy là chương trình và SGK sinh học ở bậc phổ thông. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, bộ SGK sinh học là cố gắng rất lớn của nhiều tác giả, nhưng rất tiếc là chương trình lại không hợp lý: “Rõ ràng là rất nhiều vấn đề, nhưng các vấn đề đưa ra ở đây rất “nông”.
Tôi đã mua trên 70 cuốn SGK sinh học ở bậc phổ thông ở các nước và thấy chương trình ở ta chẳng giống nước nào cả (!). Vừa nặng lại vừa thấp. Hầu như tất cả các môn học ở khoa sinh trường ĐH sư phạm đều có trong chương trình phổ thông. Tôi đã thử hỏi nhiều em đang học cấp III và thấy các em hiểu biết rất mù mờ và hầu như chả mấy em thích thú. Em nào định thi vào sinh, vào y, vào dược thì đi tìm sách đại học để đọc thêm, vì phải cạnh tranh rất cao, trong khi sách phổ thông quá sơ lược...”.
Không thiếu những trường hợp như sinh viên đại học toát mồ hôi với toán lớp 6, học sinh lớp 12 không giải được toán lớp 3... Trên các trang mạng xã hội không hiếm trường hợp cha mẹ lập topic cầu cứu cách giải bài toán cho con ở tiểu học... GS-TS Hoàng Xuân Sính - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam - nhận xét “Tôi chưa tìm thấy gia đình nào ở Hà Nội không cho con học thêm”.
Theo GS Hoàng Xuân Sính, nếu ta chịu khó làm một nghiên cứu về việc học thêm của học sinh Hà Nội, ta sẽ thấy con số đó lớn từng nào. Tuy nhiên, GS Sính nhìn nhận sự việc ở góc độ khác hơn: “Đó là trình độ của người dạy và người ra đề thi cần được chú ý. Về vấn đề này, GS Phạm Minh Hạc còn đề cập tới tâm lý phụ huynh. Theo GS Hạc, phụ huynh thường muốn con mình biết nhiều, biết sớm, không thua kém bạn bè. Vì vậy, cho con học sớm, học nhiều cũng là một cách để phụ huynh đạt được mong muốn này.
Phải chữa nguyên nhân gây bệnh
GS Hoàng Xuân Sính khẩn thiết đề nghị phải “làm cho các gia đình biết để dành tiền cho con học ở bậc đại học, không tiêu vô bổ vào việc học thêm ở bậc học dưới mà làm hỏng con”.
Để “chữa” SGK, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần tham khảo chương trình các nước. “Tôi chú ý đến chương trình của hai nước: Pháp và Nepal. Pháp là một nước khoa học phát triển, nhưng học sinh phổ thông không học sinh học mà chỉ học môn khoa học về sự sống và về trái đất. Đó là cách dạy tích hợp những kiến thức về sự sống và về trái đất nói chung.
Còn ở Nepal- một nước rất nghèo, họ lại coi kiến thức phổ thông hết lớp 10 là đủ rồi. Họ dành hai lớp 11 và 12 để phân ban sâu. Có 4 phân ban và chỉ có ban hóa - sinh mới học sinh học mà thôi. Chính vì vậy, tôi giật mình khi mua 2 cuốn sách giáo khoa sinh học lớp 11 và lớp 12, mỗi cuốn trên 700 trang. Thế thì cần gì phải dạy thêm, học thêm nữa?”.
“Đổi mới triệt để chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo ở tất cả các cấp học sao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, phục vụ sát với yêu cầu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo kịp trình độ tiên tiến thế giới” để xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm là ý kiến của PGS-TS Đặng Danh Ánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và tư vấn KHCN.
Cụ thể hơn, ông cho rằng cần kiên quyết cắt bỏ trong chương trình học tập những kiến thức không cần thiết và kiến thức vượt quá sức lứa tuổi học sinh, giảm nhẹ nội dung chuyên môn, rèn luyện toàn diện, phát huy tính chủ động sáng tạo trong học tập của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh học tập thoải mái... thì mới tiến tới xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm được.
Để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm và hoạt động thu, chi trái quy định, Bộ GDĐT đề nghị các đồng chí chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành liên quan phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Chỉ đạo việc xác minh giải quyết cụ thể đối với từng đơn vị, trường học, tổ chức, cá nhân vi phạm được báo chí nêu rõ danh tính, địa điểm, trả lời báo chí và thông báo kết quả về Bộ GDĐT.
Theo Báo Lao Động điện tử