Theo số liệu của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam mỗi năm có trên 5 triệu người bị chết vì thuốc lá và các tác nhân liên quan tới thuốc lá. Nếu không kịp thời có những biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc hút thuốc lá, đặc biệt là trong lứa học sinh, sinh viên thì số người chết do hút thuốc lá ngày càng tăng. Chính vì vậy mà các trường học cần chú trọng giáo dục học sinh, sinh viên ngăn chặn sớm tệ nạn hút thuốc lá.
Thực tế hiện nay cho thấy, số người hút thuốc lá ngày càng trẻ hóa và hình ảnh những cậu học sinh, sinh viên trên môi đã phì phèo điếu thuốc gần như hiện diện ở khắp mọi nơi. Theo kết quả một nghiên cứu do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Thành phố thực hiện tại 27 trường THPT trên địa bàn thì có đến 44% nam sinh và 12% nữ sinh có thói quen hút thuốc lá; trong đó 17% hút 6-10 điếu/ngày, 6% hút 11-19 điếu/ngày và có nhiều em hút trên 20 điếu mỗi ngày.
Ở tuổi thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường, đa số các em chưa ý thức đầy đủ về tác hại nghiêm trọng của việc hút thuốc lá nên các em đua đòi bạn, bắt chước lẫn nhau và tâm lý thích tỏ ra mình đã lớn muốn thử cảm giác hút thuốc hoặc bị bạn bè mời mọc, lôi kéo cùng hút.
Chính các em không ngờ rằng trong khói thuốc lá chứa 4.700 hóa chất, trong đó có 69 chất được xác định là chất gây ung thư và làm giảm khả năng sinh con. Đặc biệt là khói thuốc trực tiếp gây nhiều bệnh hiểm nghèo cho phổi, cho đường hô hấp, cho tim mạch và rút ngắn tuổi thọ… Tệ hại hơn là việc hút thuốc trong môi trường học đường là biểu hiện của hành vi không văn minh, gây bức xúc cho các sinh viên khác.
Theo Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cấm hút thuốc lá tại các bến tàu, bến xe, bệnh viện, trường học nhưng khói thuốc lá vẫn không giảm. Tại các trường đại học, cao đẳng đều có quy định cấm hút thuốc lá, nhưng biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh nên có nơi vẫn chìm trong khói thuốc. Thường thì sinh viên hút thuốc lá tập trung ở những căng-tin nằm ngay bên trong trường, đây là nơi các trường cho tư nhân thuê nên không chú ý nhiều đến việc bán thuốc cho sinh viên, đặc biệt việc bán thuốc lá tràn lan của các cửa hàng xung quanh trường là rất phổ biến, vì vậy mua thuốc lá trong và gần trường là điều rất dễ dàng.
Ngày 18/6/2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó tại điều 9 quy định cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi... Nhưng việc thực hiện vẫn chưa được triển khai quyết liệt, nhất là đối với việc bán thuốc lá xung quanh các trường đại học, cao đẳng và Trung học phổ thông vẫn diễn ra.
Trước thực trạng đó, công tác phòng, chống hút thuốc lá là một vấn đề bức thiết, hơn ai hết đối tượng đáng được quan tâm nhất là tuổi trẻ, với những đặc trưng tâm lý lứa tuổi rất dễ bị lôi kéo vào việc hút thuốc. Vì vậy, công tác phòng chống hành vi hút thuốc lá ở tuổi học sinh, sinh viên là rất quan trọng bởi lẽ tỷ lệ trong cơ cấu dân số ở độ tuổi này khá cao và đây là độ tuổi dễ bị ảnh hưởng nhất và họ chưa nhận thức đúng về tác hại của thuốc lá.
Để góp phần đẩy lùi tình trạng này không chỉ riêng trách nhiệm của nhà trường mà nó cần phải có sự phối hợp từ ba phía nhà trường, gia đình và xã hội. Cần phải có chế tài nghiêm khắc với việc bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi và cần có những việc làm mạnh tay hơn của các bộ, ngành chức năng thì mới đẩy lùi được việc hút thuốc trong học đường.
Đối với các trường đại học, cao đẳng để học sinh, sinh viên nói “không” với thuốc lá, tổ chức Đoàn Thanh niên cần tích cực tuyên truyền, giáo dục về tác hại thuốc lá tới học sinh, sinh viên thông qua các diễn đàn hoặc sân khấu hóa, đồng thời tổ chức các hoạt động thu hút học sinh, sinh viên tham gia tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá, để mỗi học sinh, sinh viên là một tuyên truyền viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến bạn bè, người thân của mình.
Bên cạnh đó, nhà trường có những quy định phù hợp và có chế tài xử phạt nghiêm khắc những học sinh, sinh viên vi phạm; gửi thông báo vi phạm của học sinh, sinh viên về gia đình; hạ bậc trong xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh vi phạm nhiều lần...
Ngoài ra, cần phải đi kèm với một loạt các biện pháp khác như giảng dạy cho học sinh, sinh viên biết hiểu tác hại của thuốc lá và có những thông điệp hướng dẫn việc hút thuốc một cách văn minh, lịch sự.
Tuy nhiên, để việc sinh viên không hút thuốc lá ở nơi công cộng, nhất là trong các trường đại học thì bố mẹ, thầy giáo hãy là những người gương mẫu chấp hành nghiêm những quy định về không hút thuốc lá để làm gương cho học trò.
Cùng với đó cần có sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, nhất là cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý việc bán thuốc lá tại các hàng, quán quanh khu vực cổng trường và trong các căng tin của trường... thì việc giảm thiểu tỷ lệ học sinh, sinh viên hút thuốc lá có tính khả thi cao./.
Theo Phạm Cường/Báo điện tử ĐCSVN