Nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật cao phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh là mục tiêu mà các thế hệ thầy thuốc phấn đấu. Với tài năng và trí tuệ, những năm gần đây, những đỉnh cao kỹ thuật ấy liên tục được chinh phục, từ tế bào gốc, can thiệp tim mạch đến ghép bộ phận cơ thể (thận, tim, gan)... đã mở ra cơ hội kéo dài sự sống cho những người không may mắc các bệnh hiểm nghèo.
Từ ghép tim, gan...
Dấu ấn thành công về ứng dụng kỹ thuật cao trong năm 2010 là lần đầu ở nước ta, các bác sĩ thực hiện thành công kỹ thuật ghép tim (tại Bệnh viện 103 - Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) và ghép gan từ người cho chết não (Bệnh viện Việt Ðức). Ngày 17-6-2010 đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc khi cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện 103, thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam. Người được ghép tim là anh Bùi Văn Nam, 48 tuổi (quê ở Nam Ðịnh) bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ bốn. Chỉ sau đúng một tuần được ghép tim, sức khỏe anh Nam đã hồi phục, tự đi lại, ăn, uống, ngủ, nghỉ tốt và trái tim mới được nhận đã hoạt động bình thường, hòa nhập hoàn toàn với cơ thể. Thành công bước đầu của ca ghép tim trên người đó không chỉ khẳng định kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm cao của đội ngũ thầy thuốc Học viện mà đó còn là thành công của ngành y tế Việt Nam với sự giúp đỡ nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi của các bộ, ban, ngành liên quan. Thành công của ca ghép tim từ người cho chết não là một thành tựu đáng tự hào của ngành y tế nói chung và chuyên ngành ghép tạng nói riêng. Từ thành công đó, các chuyên gia Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép tim.
Tiếp theo thành công nói trên, các thầy thuốc của Bệnh viện Việt Ðức đã thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho chết não. Người được ghép gan là anh Trần Ngọc Thanh, 46 tuổi (quê ở Ðiện Biên) bị ung thư gan, gan xơ. Sau năm ngày, các chỉ số xét nghiệm đánh giá chức năng gan đã trở về bình thường, người bệnh xuất viện sau 25 ngày nằm viện. Ðây là ca ghép gan từ người chết não đầu tiên, cho nên kết quả đạt được ngoài cả mong đợi của chính những người thực hiện. Theo nhận định của các chuyên gia, so với ca ghép gan đầu tiên ở người lớn và người cho sống ở Việt Nam được Bệnh viện Việt Ðức thực hiện từ năm 2007, thì lần ghép này là một bước tiến vượt bậc. Lần ghép trước có tư vấn của chuyên gia nước ngoài, qua năm, sáu ngày mới rút nội khí quản, còn ca ghép mới này có thể rút luôn nội khí quản sau mấy tiếng đồng hồ. Sự thành công của ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não đã mở ra triển vọng lớn đối với tương lai của những người bệnh không may mắc bệnh hiểm nghèo. Và điều này cũng chứng minh rằng, y học Việt Nam đã có thể thực hiện được những kỹ thuật khó của y học thế giới về ghép tạng.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Việt Ðức tiếp tục thực hiện ghép gan thành công cho người trưởng thành đã bị xơ hóa giai đoạn cuối. Người bệnh thường xuyên bị nôn ra máu, chán ăn, bụng chướng to... Nếu không được ghép sớm nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ đã lấy hơn 60% thùy gan bên phải của người cho để ghép cho người nhận. Giám đốc Bệnh viện Việt Ðức PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, tại Việt Nam, trước đây có nhiều ca ghép gan được thực hiện thành công nhưng chủ yếu là trẻ em. Việc ghép gan cho người trưởng thành phức tạp, rủi ro hơn nhiều vì sẽ phải lấy ít nhất một nửa gan của người hiến, trong khi đó với trẻ chỉ lấy khoảng một phần ba. Ðây là lần thứ hai ở Việt Nam, phẫu thuật này được thực hiện trên người trưởng thành. Theo PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết, kỹ thuật ghép tạng của các thầy thuốc Việt Nam hiện nay không hề thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Kỹ thuật ghép gan (kỹ thuật ghép khó nhất hiện nay) đã được các bác sĩ trong nước hoàn toàn làm chủ.
Ðến những điều không tưởng
Những ngày cuối năm 2010, các thầy thuốc các Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bạch Mai, T.Ư Huế đã cứu sống, nuôi dưỡng thành công các cháu bé sinh non tháng, chỉ nặng từ 500 đến 700 gam. Trong ba trường hợp đó, cháu bé Hoàng Thị Mận là đặc biệt hơn cả, cháu bị sốc nhiễm khuẩn, ngừng tuần hoàn. Dấu hiệu sinh tồn duy nhất tại thời điểm nhập viện là nhịp tim rời rạc 50 - 60 lần/phút, trong khi nhịp tim bình thường của trẻ sơ sinh là 120 lần/phút. Các bác sĩ của bệnh viện (nòng cốt là khoa Nhi) đã thực hiện các biện pháp cấp cứu sơ sinh hiện đại: thở ô-xi, bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực... Nhất là chiến lược thở máy HFO và áp dụng kỹ thuật điều trị kháng sinh tiên tiến nhất. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai TS Nguyễn Quốc Anh đánh giá, khó có thể nghĩ bé Mận sống sót chứ đừng nói gì đến việc khỏe mạnh và tránh được mọi tai biến về mắt, tim mạch, phổi do sinh non và hô hấp nhân tạo gây nên. Chính vì vậy, thành công này mở ra một bước tiến mới trong cấp cứu sơ sinh tại Việt Nam. Sau hơn ba tháng được điều trị tích cực, chăm sóc dinh dưỡng sớm, bé Mận đã qua khỏi cơn nguy kịch, mọi chỉ số phát triển bình thường, bé nặng 3,1 kg, đủ điều kiện xuất viện.
Những năm gần đây, sự phát triển của lĩnh vực tim mạch can thiệp ở nước ta được ví như đang biến những điều 'không thể' trở thành 'có thể'. Những mảng xơ vữa bị can-xi hóa vẫn có thể được khoan cắt bằng can thiệp, các thiết bị siêu âm lòng động mạch được ứng dụng cho phép phát hiện sớm và chính xác những tổn thương mà chụp mạch không tìm thấy. Trước đây người ta không thể nghĩ được các bác sĩ của nước ta làm chủ được công nghệ có thể thay van tim và sửa van tim qua ống thông. Những thành công đó một lần nữa khẳng định một tầm vóc mới của y học Việt Nam so với khu vực và thế giới. Những ngày đầu, sự xuất hiện của tim mạch can thiệp như đặt stent động mạch vành không nhận được sự ủng hộ ngay của các đồng nghiệp trong nước, nhiều người nghi ngờ hiệu quả của biện pháp điều trị này. Kỹ thuật đặt stent nong động mạch vành bị tắc vì xơ vữa động mạch còn bị cho là quá xa vời, có người cho rằng đó là bệnh của các nước phát triển, có chế độ ăn quá dư thừa dinh dưỡng. Nhưng rồi đến khi vài trăm ca can thiệp động mạch vành được thực hiện với những hiệu quả rõ rệt thì kỹ thuật này mới bắt đầu có vị trí của mình trên diễn đàn y học. Với những nỗ lực không mệt mỏi, chỉ trong vòng một thập kỷ, lĩnh vực tim mạch can thiệp đã trở thành một mũi nhọn của y học Việt Nam hiện đại, sánh ngang tầm khu vực. Nhiều trung tâm can thiệp tim mạch được hình thành và hoạt động có hiệu quả ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Huế và một số bệnh viện tuyến tỉnh... Từ đó, hàng nghìn, hàng nghìn người bệnh được cứu chữa kịp thời, kéo dài sự sống...
Ðó là phần thưởng cao quý nhất đối với tập thể bác sĩ, y tá, cán bộ ngành y đã lao động quên mình, làm chủ công nghệ cao để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo Nhandan Online