Các nhà khoa học cảnh báo trong khoảng bốn thập kỷ tới, châu Âu sẽ trải qua những đợt nắng nóng khủng khiếp, gấp 10 lần đợt nắng nóng kỷ lục năm 2003 được cho là thủ phạm khiến hàng chục nghìn người dân các nước khu vực Tây Âu thiệt mạng.
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học đến từ Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Đức và Tây Ban Nha, do giáo sư David Barriopedro thuộc trường Đại học Lisbon chủ trì, cho biết Hè năm 2010 được cho là mùa Hè nóng nhất ở châu Âu trong hơn 500 năm qua với các đợt nắng nóng "tồi tệ" nhất được ghi nhận tại khu vực Đông Âu.
Cuộc nghiên cứu cho thấy nhiệt độ tăng vọt trong hai tháng 7 và 8/2010 là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 50.000 người Nga. Thời điểm mùa Hè năm ngoái, tỷ lệ tử vong ở Mátxcơva tăng gấp đôi so với năm trước đó do quá nhiều người bị say nắng và mắc các bệnh về hô hấp.
Bên cạnh đó, đợt nóng này còn khiến năng suất ngũ cốc của Nga giảm 25%, đẩy giá lương thực tăng vọt. Ước tính, nền kinh tế của Nga trong đợt nắng nóng này bị thiệt hại khoảng 15 tỷ USD. Cùng thời gian đó, Phần Lan, Ukrainae và Belarus cũng lâm vào tình trạng nắng nóng tương tự.
Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo các đợt “siêu nắng nóng," có cường độ gấp từ 5-10 lần đợt nắng nóng năm 2003, sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới, với tần xuất ít nhất 10 năm một lần.
Tuy nhiên, sự kiện nắng nóng năm 2010, khi nhiệt độ trung bình trong tuần đầu tiên của tháng Tám cao hơn 10 độ C so với giai đoạn 1970-2000, sẽ chỉ xảy ra 30 năm một lần.
Giáo sư Barriopedro cho rằng dưới tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu, các đợt nắng nóng kỷ lục sẽ xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ lớn hơn./.
Theo TTXVN/Vietnam+