Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nghệ An số 2 năm 2011, trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An giới thiệu một công trình nghiên cứu khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao của kỹ sư Bạch Hưng Tuyên thuộc Công ty TNHH một thành viên thủy lợi nam Nghệ An.
Ðó là "Ðập "mềm" ngăn sông Cấm để chống hạn và tạo nguồn nước sinh hoạt cho TP Vinh". Công trình này đoạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ năm 2010 của tỉnh Nghệ An.
Các nhà khoa học tham gia công trình nghiên cứu nói trên đã đắp đập mềm bằng đất trên sông Cấm để giữ nước ngọt, dâng mực nước sông lên cao; bảo đảm cho các trạm bơm phía thượng lưu hoạt động. Ðập có kích thước hình thang, cạnh đáy 7 m, cạnh trên 4 m và dài 40 m. Sau một thời gian thích hợp, các nhà khoa học lại đắp đập phía hạ nguồn, phá đập phía thượng nguồn, tiếp tục tích nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực huyện Nam Ðàn, Hưng Nguyên, nam Nghi Lộc. Nhất là tạo nguồn nước cho hai trạm bơm của Công ty Cấp nước Nghệ An hoạt động hiệu quả, bảo đảm cấp nước liên tục cho TP Vinh.
Theo kỹ sư Bạch Hưng Tuyên, khó khăn nhất trong việc xây dựng đập mềm bằng đất là việc chọn địa điểm để xây đập. Vị trí xây đập phải thỏa mãn các điều kiện về độ dốc; gần các trạm bơm; bảo đảm cho môi trường sinh thái phía trước và sau đập không thay đổi đáng kể.
Thành công của đề tài là một thí dụ sinh động cho việc triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương với chi phí thấp, hiệu quả cao. Theo chúng tôi, kết quả có thể nhân rộng ra nhiều địa phương đang có các con sông ngày càng cạn kiệt về mùa khô và thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Từ thành công của công trình nói trên, nhóm cán bộ kỹ thuật của công ty đang xây dựng đề tài xây đập ngăn nước trên sông Lam. Ðập có âu thuyền để có thể duy trì cho tàu, thuyền qua lại. Thân đập được làm bằng cánh thép, điều khiển bằng pít-tông thủy lực. Nhờ vậy có thể tích nước về mùa khô và ngăn chặn nước mặn từ ngoài biển xâm nhập.
Theo Nhandan Online