Không giống như các loại bọt thông thường, bọt nano được thiết kế đặc biệt để có thể sử dụng không chỉ trong việc chế tạo áo giáp mà còn dùng để bảo vệ các tòa nhà khi có vụ nổ xảy ra.
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học California, San Diego do giáo sư Yu Qiao đứng đầu đã tạo ra loại bọt này bằng cách trộn các chất lại với nhau ở mức độ phân tử, sau đó loại bỏ một trong các chất liệu đó thông qua phương pháp khắc a-xít hoặc đốt cháy nhằm tạo ra các lỗ nhỏ xíu trong vật liệu còn lại.
Tuy nhiên, kích thước của các lỗ nhỏ này rất quan trọng. Các quan sát cho thấy, khi các miếng bọt thông thường phải chịu tác động đột ngột với cường độ cao, nguồn lực này sẽ bị hấp thụ vào một vùng và có thể dẫn đến việc cấu trúc bị phá vỡ. Còn khi mà các lỗ của bọt xốp đủ nhỏ (nhưng không được quá nhỏ), nguồn lực này sẽ được phân tán một cách vô hại trên một khu vực rộng hơn.
Cấu trúc của bọt nano này có 50 đến 80% là lỗ nhỏ, kích thước của mỗi lỗ là từ 10 nanomet đến 10 micron. Những cấp độ khác nhau của bọt nano được thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm với các khẩu súng gas tạo ra các tác động mạnh dần lên. Sau đó họ sử dụng một kính hiển vi điện tử scan để đo mức độ thiệt hại.
Trong quá trình nghiên cứu, các miếng bọt nano với kích thước khoảng chục nanomet đã cho thấy khả năng tốt nhất trong việc hấp thụ các tác động và áp lực nổ.
Theo Tiền Phong online