Siêu bão mà phi thuyền Mỹ chứng kiến trên sao Thổ lớn hơn khoảng 20 lần so với những cơn bão trung bình trên địa cầu.
Cassini, phi thuyền của Mỹ đang bay quanh sao Thổ, đã ghi hình cảnh tượng siêu bão ở cực bắc của hành tinh này. Tâm bão có chiều rộng tới 2.000km, còn tốc độ gió đạt tới 530km/h, Space đưa tin.
Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định dữ liệu từ Cassini là những ảnh rõ nét nhất về bão trên sao Thổ mà họ từng thấy.
"Chúng tôi phải xem cơn bão tới hai lần vì nó giống hệt một cơn bão trên địa cầu. Nhưng cơn bão xảy ra trên sao Thổ với quy mô lớn hơn rất nhiều", Andrew Ingersoll, một thành viên trong nhóm phân tích dữ liệu từ Cassini, phát biểu.
Siêu bão trên sao Thổ có hình dạng giống hình xoáy sáu cạnh. Những cơn bão trên trái đất thường di chuyển theo hướng bắc, trong khi bão trên sao Thổ lại "đứng" ở cực bắc trong một khoảng thời gian.
"Bão ở cực không thể di chuyển tới chỗ khác. Có lẽ đó là lý do khiến nó mắc kẹt ở cực bắc", Kunio Sayanagi, một thành viên trong nhóm phân tích hình ảnh từ Cassini, nhận xét.
Mặc dù siêu bão trên sao Thổ lớn và mạnh hơn nhiều so với bão trên trái đất, chúng vẫn có vài điểm chung. Chẳng hạn, mắt bão trên cả hai hành tinh đều chứa những đám mây rất thấp hoặc thậm chí không chứa mây, còn những đám mây cao tạo nên bức tường của mắt bão. Khi tới bán cầu bắc, bão trên địa cầu và sao Thổ đều xoay ngược chiều kim đồng hồ.
Theo vnexpress.net