Vừa qua dòng điện gió trên biển đầu tiên của Việt Nam tại Bạc Liêu bắt đầu hòa vào lưới điện quốc gia.
Đó là dòng điện phát ra từ 1 tuabin đầu tiên với công suất khoảng 1,6MW (mega-oat) trong số 10 tuabin của giai đoạn 1 thuộc Dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu đã xây dựng xong. Các tuabin khác sẽ cho phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia lần lượt từ giờ phút trên cho đến ngày 7/6/2013 sắp tới.
Giờ phút đáng ghi nhớ trên tiếp theo thời gian dài hơn 30 tháng thi công khẩn trương gồm nhiều công đoạn phức tạp, từ dựng các trụ tuabin trên biển đến xây dựng, hiệu chỉnh, vận hành thử toàn bộ hệ thống trạm biến áp cùng đường dây dẫn đưa nguồn điện từ các tuabin lên lưới điện quốc gia.
Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu chia ra 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 đã hoàn thành lắp đặt 10 cột tuabin, công suất tổng cộng của giai đoạn này là 16MW và điện năng sản xuất dự tính khoảng 56 triệu kWh/năm gần bằng với sản lượng của 30 tuabin của nhà máy điện gió tỉnh Ninh Thuận.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây lắp tiếp 52 tuabin còn lại. Sau khi hoàn thành, Nhà máy điện gió Bạc Liêu sẽ có tổng số 62 tuabin với tổng công suất trên 99MW và điện năng sản xuất ra khoảng 320 triệu kWh/năm.
Toàn bộ Nhà máy điện gió Bạc Liêu được đặt dọc theo đê biển Đông, kéo dài từ phường Nhà Mát đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng và chiểm tổng diện tích gần 500 ha.
Các tuabin ở nhà máy này được sản xuất tại Mỹ. Cột làm bằng thép đặc biệt không gỉ, cao 80m, đường kính 4m. Mỗi tuabin có 3 cánh quạt, mỗi cánh dài 42m, làm bằng nhựa đặc biệt, có hệ thống điều khiển giúp cánh quạt tự gập lại khi gặp thời tiết xấu, bão lớn.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu sử dụng công nghệ tiến tiến nhất tại Việt Nam và là nhà máy xây dựng trên biển duy nhất hiện nay.
Các tuabin trên biển thuộc Nhà máy điện gió Bạc Liêu. (Nguồn: Nangluongvietnam.vn)
Dự án có vốn đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Du lịch Công Lý (Cà Mau) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2013.
Giai đoạn 2 của dự án với 52 trụ còn lại dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn tất. Lúc đó Dự án điện gió Bạc Liêu không chỉ là dự án điện gió đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long mà trở thành dự án điện gió lớn nhất Việt Nam.
Theo nguồn tin từ Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, sau 2 giai đoạn nói trên của dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu hoàn thành thì ngân hàng này sẽ tiếp tục đầu tư để xây dựng thêm 300 cột tuabin nữa với tổng công suất lên đến 480MW, tức sẽ lớn gấp 4 lần công suất của giai đoạn 1 và 2 cộng lại.
Sự ra đời Nhà máy điện gió Bạc Liêu là một minh chứng về tiềm năng dồi dào, báo hiệu một "thời cơ vàng" của ngành công nghệ điện gió Việt Nam. Vì Nhà nước đã có chủ trương phát triển nguồn điện này và đã đưa ra những mục tiêu và lộ trình cụ thể trong Quy hoạch điện VII. Theo đó, năng lượng gió được xem là nguồn phát điện quan trọng nhất, sẽ được phát triển từ mức không đáng kể như hiện nay lên khoảng 1.000MW vào năm 2020 và 6.200MW vào năm 2030.
Theo vietnamplus.vn/