Thấm thoát đã bảy năm trôi qua, kể từ ngày MU Online theo chân các sever lậu tiến vào đặt nền móng cho thị trường Game Online tại Việt Nam. Cũng chỉ trong chừng ấy thời gian ngắn ngủi, thị trường này đã phát triển với một tốc độ chóng mặt, vươn lên trở thành thị trường lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, thứ 5 tại châu Á. Nhiều tài liệu thống kê của các tổ chức trong và ngoài nước cho thấy, tính đến cuối năm 2009 tại Việt Nam có tới trên 8 triệu người chơi game trên 5h/tuần; trên 25.000 tiệm Internet/Game Online; gần 20 nhà phát hành và đạt doanh thu trong năm 2009 lên tới gần 1.200 tỷ đồng.
Cũng chỉ trong chừng ấy thời gian ngắn ngủi, thị trường này đã phát triển với một tốc độ chóng mặt, vươn lên trở thành thị trường lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, thứ 5 tại châu Á. Nhiều tài liệu thống kê của các tổ chức trong và ngoài nước cho thấy, tính đến cuối năm 2009 tại Việt Nam có tới trên 8 triệu người chơi game trên 5h/tuần; trên 25.000 tiệm Internet/Game Online; gần 20 nhà phát hành và đạt doanh thu trong năm 2009 lên tới gần 1.200 tỷ đồng.
Sự phát triển như vũ bão của ngành Game Online nước nhà đã đem lại mức doanh thu lớn cho các nhà phát hành Game; đóng góp phần không nhỏ trong sự phát triển chung của ngành công nghiệp nội dung số và đồng thời thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng viễn thông tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là tính tới thời điểm hiện tại, hầu như tất cả các game đang phát hành tại thị trường Việt Nam đều là "hàng nhập khẩu", được cung cấp chủ yếu bởi các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc: từ những tựa Game ăn khách như Võ Lâm Truyền Kì, Audtion, Thiên Long Bát Bộ...; cho đến những Game nhỏ vắng người chơi hoặc đã chết yểu như Crazy Kart, Boom Speed, Ghost Online... Tính đến thời điểm hiện tại, sản phẩm Thuận Thiên Kiếm của Công ty VNG (VinaGame) là tựa Game Việt duy nhất, đứng lẻ loi và lặng lẽ giữa thị trường.
Khi Game thủ "thấm nhuần" văn hóa ngoại lai
Ngày đêm "chinh chiến" trong thế giới game, hệ lụy tất yếu là người chơi buộc phải nhập vai các nhân vật nước ngoài, cũng như hấp thu các chi tiết về lịch sử văn hóa của các nước xuất khẩu game.
Còn nhớ, vào những năm 80 - 90 của thế kỉ trước, cơn lốc kiếm hiệp Trung Quốc đã ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng tầng lớp thanh thiếu niên qua hàng loạt bộ tiểu thuyết, phim lẻ, phim bộ, phim truyền hình. Giờ đây, cơn lốc ấy đã quay trở lại, thậm chí còn mạnh mẽ và cuốn hút hơn nhiều, thông qua hàng loạt tựa Game Online ăn khách như Võ Lâm Truyền Kì 1 & 2, Kiếm Thế, Thiên Long Bát Bộ... Hàng trăm ngàn ngườn chơi đã và đang ngày ngày hóa thân thành những anh hùng Cái Bang, Nga My, Thiếu Lâm...; say mê rong ruổi trên chiến trường Tống Kim, Đại Lý để hành hiệp trượng nghĩa, chấn hưng bang phái!
Bên cạnh đó còn có hàng loạt lựa Game ăn khách khác cũng lấy bối cảnh Trung Quốc, như Tây Du Kí, Chinh đồ, Tam Quốc Chí Online... Càng gắn bó với Game, người chơi sẽ càng xếp xúc sâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn với những nét văn hóa Trung Quốc được lồng ghép khéo léo trong các game này, ví dụ như phong tục cúng bái, cưới hỏi, những ngày lễ cổ truyền. Đến mức người ta phải lo ngại rằng, một lúc nào đó khi rời khỏi màn hình và bàn phím, liệu họ có cảm thấy xa lạ với chính văn hóa Việt Nam?
Ngoài ra, không thể không nhắc tới cái tên Audition, tựa game Hàn Quốc được mệnh danh là "Nữ hoàng Game Online" bởi độ ăn khách của nó tại thị trường Việt Nam. Trong trò chơi này, ngoài việc chơi game (nhảy theo các điệu nhạc) thì thời trang là một yếu tố cực kì quan trọng để người chơi phô diễn đẳng cấp và giá trị bản thân. Họ được quyền lựa chọn trang phục trong Game cho mình từ hàng trăm mẫu thiết kế được lấy ý tưởng từ các bộ trang phục của các ngôi sao ca nhạc và điện ảnh Hàn. Thực tế, sau gần 5 năm tồn tại và phát triển, chính tựa Game này đã góp phần không nhỏ trong việc định hình xu hướng thời trang của nhiều teen Việt: ngày càng sexy hơn, màu mè hơn, sành điệu hơn và... Hàn Quốc hơn. Những cậu thiếu niên có khuôn mặt dễ thương, thân hình mảnh khảnh, quần áo bó sát người như nhân vật trong Game đã trở thành mẫu bạn trai lí tưởng của khá nhiều nữ sinh. Còn các thiếu nữ cũng cố đeo kính áp tròng cho mắt to ra và nhiều màu sắc hơn, tóc thì nhuộm màu lòe loẹt, quần áo "thoáng mát" để trông giống nhân vật trong Game! Tất nhiên những yếu tố khác như sách báo, phim ảnh, ca nhạc, Intemet cũng góp phần, nhưng sức ảnh hưởng từ Game là không thể phủ nhận.
Có thể nói, Game Online đang trở thành làn sóng mới, góp phần đưa văn hóa ngoại lai ăn nhập và bám rễ sâu vào tâm trí một bộ phận giới trẻ nước ta. Trong cuộc chiến văn hóa này, người Việt đã thua trắng ngay trên sân nhà!
Thực tế, bản thân các nhà sản xuất ý thức rất rõ sức ảnh hưởng văn hóa trong sản phẩm của mình, và họ luôn chú tâm tìm cách quảng bá nền văn hóa của nước mình ra thế giới, thông qua các chi tiết trong sản phẩm. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong các Game của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tất nhiên, nhiều thành viên trong cộng đồng Game thủ Việt cũng hiểu vấn đề đó. Họ trăn trở khi thấy những truyền thống văn hóa, những huyền thoại anh hùng hay những trang sử vẻ vang của dân tộc ta không được khai thác và truyền tải đến người chơi. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó thì phải chờ các nhà sản xuất làm ra Game Việt Nam. Và quá trình này hoàn toàn không dễ dàng chút nào.
Chờ Game nội: Đường xa quá dài!
Cần biết rằng, việc mua bản quyền để phát hành một Game Online tại thị trường trong nước là khá tốn kém. Theo những thông tin chính thức từ báo chí, vào cuối năm 2005, FPT Online - một trong “tứ trụ” của làng Game Việt đã chi trả 2,9 triệu USD để được độc quyền phát hành Game Mu Online lại Việt Nam. Và cũng mới đây thôi, nhiều nguồn tin cho biết họ lại tiếp tục móc hầu bao xấp xỉ 1 triệu USD để “thỉnh” Game Tây Du Kí về nước.
Ngoài ra, khi sản phẩm được đưa vào thương mại hóa, các nhà phát hành thường phải trích phần trăm lợi nhuận để chi trả cho công ty sản xuất. Trong khi đó công tác hỗ trợ bảo trì, sửa lỗi và cập nhật Game của các đối tác này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thêm nhiều khoản chi phí cho việc khắc phục những sự cố này. Thế nhưng, để cạnh tranh lẫn nhau và thỏa mãn nhu cầu của người chơi nên cứ vài tháng là các nhà phát hành lại đưa thêm vài Game mới về nước!
Đến đây, có nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao nhập Game tốn kém thế, bất lợi thế mà các công ty Game Việt Nam vẫn đi mua chứ không mấy ai đứng tự làm? Câu trả lời rất đơn giản: Làm ra một Game Online còn đắt và vất vả hơn thế nhiều! Trong buổi họp báo ra chính thức mắt trò Game Online dã sử Việt Nam đầu nên mang tên Thuận Thiên Kiếm, đại diện của VNG là ông Đặng Hồng Quang cho biết, hãng đã tiêu tốn khoảng 25 tỷ VNĐ để sản xuất tựa game này (chưa bao gồm các khoản phụ trội liên quan tới quá trình truyền thông, nhân lực...). Trong khi đó, sau khoảng 1 năm phát hành, doanh thu từ sản phẩm này chưa chắc đã đạt 1/10 con số đó. Chính vì cơ hội thu hồi vốn quá thấp, nên đa số các doanh nghiệp lớn nước nhà chưa dám tạo quỹ đầu tư mạo hiểm cho những dự án Game Online. Còn các công ty nhỏ mới xuất hiện gần đây tuy ban đầu tỏ ra khá sốt sắng, nhưng cuối cùng thành phẩm chẳng thấy đâu mà đã phải giải tán vì vốn ít, không bám trụ nổi trước những sóng gió trong quá trình thực hiện dự án...
Bên cạnh vấn đề kinh phí thì nhân lực cũng là một bài toán nan giải đối với các nhà sản xuất nước nhà. Đối và bất cứ một ngành công nghiệp nào, nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm luôn đóng vai trò cốt yếu giúp các doanh nghiệp phát triển. Tiếc thay, tại Việt Nam, số kỹ sư CNTT và họa sĩ thiết kế có kinh nghiệm trong ngành nghề này quá ít ỏi, có thể nói là "nhân tài như lá mùa thu".
Chưa kể, do đã quen với quá nhiều Game Online "bom tấn" của nước ngoài với đồ họa lung linh, gameplay đỉnh cao trong vài năm gần đây, nên giới trẻ Việt tỏ ra rất khó chấp nhận những sản phẩm thường thường bậc trung, dù đó là "hàng nội" đi chăng nữa. Điều này thật sự bất công với những sản phẩm Game Online nước nhà. Nếu so sánh một cách công bằng, các sản phẩm đời đầu của "hàng ngoại" chưa chắc đã chất lượng hơn.
Cũng bởi thế mà Thuận Thiên Kiếm - đứa con đầu lòng của VNG, đã bị không ít Game thủ chê bai, chỉ trích tới tấp ngay từ những ngày đầu mở cửa. Đội ngũ sản xuất game đã cố gắng thổi hồn văn hóa Việt vào Game, với những nhiệm vụ, địa danh, phong tục và nhân vật đậm chất Việt. Đó là nhiệm vụ giúp cô Tấm cho cá ăn, giúp anh Khoai chặt 100 đốt tre; là những trò chơi gian dân như oẳn tù tì, đánh đu; là những kì thi Hương, thi Hội, thi Đình, là những địa danh như Thăng Long thành, Bạch Đằng Giang, Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Đền Hùng... Tất cả đã được lồng ghép vào sản phẩm một cách khá khéo léo và công phu. Thế nhưng, sản phẩm vẫn bị chê là "hàng Tàu đội lốt", vì sử dụng công nghệ và mã nguồn từ Game Trung Quốc.
Một số dự án Game Online khác cũng không khỏi cùng chung số phận: khi vừa mới he hé chút thông tin, hình ảnh trong game; đã lập tức nhận được những lời nhận xét thiếu thiện cảm.
Gặp vô vàn khó khăn như thế, nhưng các nhà sản xuất trong nước vẫn không bỏ cuộc. Những dự án làm Game Việt cứ tiếp tục xuất hiện, lớp này nối tiếp lớp kia. Bởi những người làm Game hiểu rằng, chỉ khi tự đứng trên đôi chân của mình, sử dụng và phát huy nền tảng văn hóa của dân tộc, mới có cơ hội giành lại thị phần từ những Game Trung Quốc, Hàn Quốc đang thống lĩnh trên thị trường; đẩy lùi làn sóng văn hóa ngoại lai đang theo chân Game ngoại nhập bám rễ trong tâm tưởng giới trẻ. Hành trình đến với giấc mơ "người Việt chơi Game Việt" vẫn còn rất dài, song vẫn cứ phải lạc quan vì vẫn còn đó những người bước tiếp…/.
Theo báo Văn nghệ trẻ