Cập nhật: 11/04/2011 17:04:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo quan điểm của giáo sư Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, tín ngưỡng thờ Hùng Vương chính là sự phóng đại tục thờ cúng tổ tiên của người Việt do nhu cầu chính trị. Và theo ông, cũng chính văn hóa chính trị của tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã khiến nó trở nên độc đáo.

PV: Đã từng có tranh luận về việc Hùng Vương có thật hay không. Vậy mà giờ đây, tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã trở thành “tâm điểm” khi được đề cử di sản văn hóa thế giới. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?

 

Giáo sư Ngô Đức: Tôi nghĩ, không nên đặt chuyện đúng hay không đúng, Hùng Vương có thật hay không thật ở đây. Trong văn hóa, có những điều không thật nhưng lại có giá trị hơn cái thật. Phải nhận thức rõ rằng Hùng Vương là một biểu tượng cội nguồn của dân tộc. Về góc độ này, phải nói cha ông chúng ta xây dựng nên biểu tượng cội nguồn có một giá trị văn hóa rất cao của dân tộc. Biểu tượng đó có được vì kết hợp giữa yếu tố xã hội và yếu tố Nhà nước.

 

Giáo sư Ngô Đức Thịnh

 

Biểu tượng Quốc tổ Hùng Vương, theo tôi, chính là sự phóng đại tục thờ cúng tổ tiên của từng dòng họ, từng gia đình. Song chỉ thờ cúng tổ tiên không thì không có thờ cúng quốc tổ. Thờ cúng quốc tổ còn do nhu cầu của quốc gia phong kiến - cụ thể là nhu cầu xây dựng Nhà nước độc lập. Do đó, có Nhà nước mới có quốc tổ. Nhưng trước khi có nhu cầu cũng đã có cả một nền tảng của tục thờ cúng tổ tiên rồi.

 

Ba yếu tố cơ bản của kết cấu xã hội của Việt Nam là Nhà - Làng - Nước. Trong đó, hai yếu tố Nhà - Làng, cho đến bây giờ vẫn là hằng số của xã hội Việt Nam. Còn yếu tố Nhà nước - yếu tố bên trên có thể thay đổi. Điều đó đặc biệt đến nỗi nhiều người nước ngoài đến nghiên cứu lịch sử Việt Nam không hiểu nổi tại sao một dân tộc có thể mất nước cả nghìn năm mà vẫn khôi phục lại văn hóa được. Chính vì làng và gia đình là máy cái để sản sinh ra văn hóa, giữ văn hóa. Thời Bắc thuộc chúng ta chỉ mất nước, mất thượng tầng. Yếu tố Nhà nước là yếu tố cảm biến - có thể có lúc mất, lúc còn, thay đổi. Trong khi đó, gia đình và làng bất biến. Vì thế, khi cỗ máy sản sinh văn hóa không đổi, ta vẫn có thể khôi phục lại văn hóa. Tất nhiên, cũng phải nói chúng ta duy trì được thờ cúng tổ tiên là do có yếu tố ảnh hưởng Trung Hoa với chế độ tông tộc, với nghi thức thờ cúng, với quan niệm chữ Hiếu. Những điều đó cũng góp phần vào tiếp thu tâm thức thờ cúng tổ tiên.

 

PV:  Giáo sư từng nói người Việt Nam khác với người Trung Hoa ở chỗ luôn lấy gia đình, thân tộc làm gốc và từ đó mở rộng ra xã hội, coi xã hội là một kiểu gia đình lớn. Điều này thể hiện trong tín ngưỡng thờ Hùng Vương như thế nào?

 

Giáo sư Ngô Đức:  Ở đây phải nói tâm thức của hai dân tộc: trong khi người Việt lấy ứng xử gia đình mở rộng ra xã hội thì người Trung Hoa lại lấy ứng xử xã hội đem vào gia đình.

 

Trong kết cấu Nhà - Làng - Nước của người Việt, cái Nhà là yếu tố cột trụ, Nước là mở rộng của cái Nhà. Cho nên trong nhiều yếu tố bao gồm cả tâm lý ứng xử, chẳng hạn từ xưng hô, chúng ta sử dụng từ xưng hô trong gia tộc để dùng trong quan hệ xã hội. Thí dụ, gọi người ít tuổi hơn bố là cô/chú và xưng cháu thay vì nói là chị/anh và xưng tôi. Trong khi đó cách nói thứ hai là cách nói của người Trung Hoa và các nước khác. Việc sử dụng xưng hô trong gia tộc khiến quan hệ mềm đi. Cũng vì thế, chỉ có ở nước ta mới có chuyện gọi chủ tịch nước là Bác - Bác Hồ. Điều đó có được trên nền tảng quan niệm đất nước như một gia đình. Khi nói “cha rồng mẹ tiên”, “tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”, và tổ chức giỗ tổ Hùng Vương - chúng ta đã coi đất nước như một gia đình lớn. Rõ ràng, người Việt có xu hướng lấy ứng xử trong gia đình mở rộng ra cho gia tộc, xã hội.

 

Trong khi đó, người Trung Hoa xã hội hóa quan hệ gia đình, không có chuyện “dĩ hòa vi quý”, “đóng cửa bảo nhau”. Một biểu hiện thường gặp, bà vợ Trung Hoa gọi ông chồng là tướng công - một từ hết sức quan trường. Còn người Việt gọi là mình, kể cả khi chồng mình làm quan.

 

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dâng hương tại Đền thờ các vua Hùng. Ngày 31/3 hồ sơ Tín ngưỡng thờ Hùng Vương được gửi UNESCO xét danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Ảnh: Lê Nguyên Phú

 

PV:  Ông cũng từng nói với biểu tượng Hùng Vương và tứ bất tử, chúng ta có hẳn một hệ ý thức Việt Nam. Xin ông phân tích rõ điều này?

 

Giáo sư Ngô Đức:  Khi đất nước chúng ta thoát khỏi phong kiến Trung Hoa, từ Lý - Trần, đặc biệt là từ Lê trở đi, trong điều kiện vừa phải xây dựng nền độc lập, vừa thường phải chống ngoại xâm, các cụ rất có ý thức phải xây dựng một sự cấu kết dân tộc để tạo nên sức mạnh nhằm cưỡng lại sức ép ghê gớm của người Trung Hoa. Khi muốn xây dựng độc lập, dựng quốc gia độc lập cần phải có hệ ý thức. Cho nên, mới có biểu tượng quốc tổ, mới có biểu tượng ông Thánh Gióng chống ngoại xâm, ông Sơn Tinh là biểu tượng của công cuộc chống lũ… Đó là hệ ý thức Việt Nam - nó giúp tạo sức mạnh tinh thần cho cấu kết quốc gia. Từ cái nền thờ cúng tổ tiên đã tiến lên xây dựng biểu tượng thờ cúng Quốc tổ là Hùng Vương.

 

Chính vì thế, trước thế kỷ thứ X, đặc biệt là trước thời Lê hình bóng vua Hùng mờ nhạt. Thời kỳ Lý - Trần bắt đầu có nhân tố đó. Nhưng thực sự sử ghi về sự tích vua Hùng thì phải đến thế kỷ XV. Lúc đó, với nhà Lê xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền mạnh, có nhu cầu xây dựng biểu tượng đó. Các cụ làm chính trị giỏi như thế.

 

Cái này phải nói, việc xây dựng là một thứ văn hóa chính trị vượt trên cả chế độ xã hội. Vì thế, thời phong kiến ông cha ta cũng thờ cúng Quốc tổ, chế độc cộng hòa trước đây ở miền Nam cũng thờ, và cho đến nay chúng ta cũng vậy. Thậm chí, tuy xây dựng từ thời phong kiến nhưng giờ nó còn được đánh giá cao hơn. Rồi từ đó đẻ ra biết bao huyền thoại, các nghi lễ để củng cố. Để cho đến bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục.

 

PV:  Điểm độc đáo của tín ngưỡng này theo ông là gì?

 

Giáo sư Ngô Đức:  Độc lập dân tộc là vấn đề nhiều quốc gia từng phải đối mặt. Song, chuyển hóa nó thành một biểu tượng cội nguồn như chúng ta là điều độc đáo. Các dân tộc khác có cách làm khác, chứ không như mình, gia đình hóa vấn đề quốc gia dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước, độc lập dân tộc đã được đưa vào phạm trù gia đình, tổ tiên.

 

PV:  Giỗ tổ Hùng Vương là của cả nước, vậy còn vai trò của các làng quanh đền Hùng, theo ông là gì?

 

Giáo sư Ngô Đức: Tôi nghĩ, cũng như một gia đình, con cái khi đi làm ăn, sinh sống ở xa đều có bàn thờ. Nhưng ở lại làng quê bao giờ cũng có “ông trưởng”, người lo cúng lễ. Chính vì thế, cũng có thể coi nhân dân những làng quanh đó như “ông trưởng” này. Tôi nghĩ, những phong tục trong ngày giỗ tổ ở vùng này cần được nghiên cứu, phục hồi.

 

PV:  Xin cảm ơn ông!

 

Theo thethaovanhoa online

Tệp đính kèm