Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam được thành lập năm 1951 tại Chiến khu Việt Bắc, với tên gọi ban đầu là Ðoàn văn công nhân dân Trung ương. 60 năm xây dựng và phát triển, các nghệ sĩ của Nhà hát đã cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vị thế, uy tín của Nhà hát được khẳng định qua nhiều tiết mục, chương trình mang đậm bản sắc dân tộc, lay động hàng triệu con tim khán giả trong nước và ngoài nước. Hiện nay nhà hát đang tích cực đổi mới, phát huy vai trò cánh chim đầu đàn đáp ứng những đòi hỏi mới của đất nước và người xem.
Ngay từ khi mới thành lập, cùng với việc sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác dàn dựng, Nhà hát đã tham gia phục vụ hầu hết các chiến dịch, mặt trận như: Tây Bắc, Cao-Bắc-Lạng, Ðiện Biên Phủ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các nghệ sĩ đã có mặt ở hầu hết các chiến trường, tuyến lửa, thật sự là nghệ sĩ - chiến sĩ. Trong đó, có nghệ sĩ múa Phương Thảo đã hy sinh anh dũng ở chiến trường. Những bài ca, tiếng hát góp phần to lớn động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Trong khói lửa chiến tranh, có hàng loạt những bài hát do các nghệ sĩ, ca sĩ Nhà hát thể hiện đã đi vào lòng người và sống mãi với thời gian như: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Vàm cỏ Ðông, Lá đỏ, Xa khơi, Tình ca, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Quảng Bình quê ta ơi. Có hàng loạt những điệu múa nổi tiếng trở thành kinh điển khai thác từ múa dân gian dân tộc như: Tuần đuốc, Câu chuyện bên dòng sông (dân tộc Kinh), Mùa ban nở, Xòe nhạc, Hương xuân (dân tộc Thái), Xòe chiêng, Khúc dạo đàn theo (dân tộc Tày)... Nhà hát đã quy tụ được những nghệ sĩ, nhà giáo nổi tiếng GS, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, các GS, NSND Nguyễn Văn Thương, Trọng Bằng, Tô Vũ...; các NSND: Quốc Hương, Thanh Huyền, Thương Huyền, Phùng Nhạn, Thu Hiền, Trần Hiếu; Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên và đông đảo các nghệ sĩ ưu tú. Với bề dày lịch sử và một lực lượng hùng hậu như vậy, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam xứng đáng là đại diện của nền nghệ thuật ca, múa, nhạc có mặt ở những ngày lễ lớn của đất nước, những hội nghị tầm cỡ, những cuộc đón khách quốc tế của Nhà nước. Nhà hát cũng đi biểu diễn ở hầu hết các châu lục trên thế giới để giới thiệu nghệ thuật và quảng bá về đất nước và con người Việt Nam. Ghi nhận những thành tích đó, Ðảng, Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cao quý cho Nhà hát: Huân chương Ðộc lập (hạng nhất, nhì, ba); Huân chương Lao động (hạng nhất, nhì, ba). Nhà hát được tặng nhiều Huy chương vàng, bạc qua các kỳ hội diễn ở trong nước và quốc tế, là đơn vị dẫn đầu về số lượng các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu: NSND, NSƯT, GS, Nhà giáo Nhân dân, bốn cá nhân và một tập thể được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và bảy cá nhân được tặng Giải thưởng Nhà nước. Nhà hát cũng là cái nôi sinh ra một số đơn vị nghệ thuật quốc gia, trong đó cán bộ và nghệ sĩ của Nhà hát làm nòng cốt.
Hiện nay, thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh cùng với sự bùng nổ thông tin, mở rộng giao lưu văn hóa, các sản phẩm văn hóa ở nước ngoài ùa vào cùng với các loại hình vui chơi, giải trí phát triển ồ ạt đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nhất là nghệ thuật dân tộc. Số lượng người xem đến với Nhà hát ngày càng giảm, khiến nguồn tài chính hoạt động trở nên eo hẹp. Trong khi kinh tế của nước ta còn gặp nhiều khó khăn thì các chính sách, chế độ cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật nhất là nghệ thuật dân tộc đã quá lạc hậu, nhiều tiết mục không phù hợp với thực tế. Mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư các chương trình nghệ thuật và nhất là mới đây đã trao cho Nhà hát quản lý và đưa vào hoạt động Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ - một địa chỉ văn hóa lớn ở giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, nơi giới thiệu các loại hình nghệ thuật biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật trong nước và quốc tế, nhưng vấn đề khúc mắc trước tình hình mới vẫn nan giải. Trước hết để thu hút người xem phải có chương trình, tiết mục vừa mới mẻ vừa đạt tới đỉnh cao nghệ thuật. Muốn vậy phải đầu tư sáng tạo thể nghiệm, phát triển hiện đại nghệ thuật dân gian dân tộc. Ðó là một quá trình công phu, đòi hỏi không chỉ có kinh phí, tiền bạc mà rất cần đến trí tuệ và sức sáng tạo của nghệ sĩ. Trước những khó khăn hiện nay, lãnh đạo và nghệ sĩ của Nhà hát đã xác định vai trò và trách nhiệm của đơn vị đầu đàn nghệ thuật ca múa nhạc nước nhà. Giám đốc Nhà hát Nguyễn Quang Vinh nêu ra những bước đi mới: 'Mạnh dạn thay đổi toàn diện trong tư duy và hoạt động để xây dựng phương hướng nghệ thuật đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Nhà hát, với nhu cầu của xã hội. Bên cạnh việc duy trì để gìn giữ nghệ thuật truyền thống quý báu của ông cha để lại thì việc nghiên cứu sưu tầm, nâng cao một số loại hình có thể phù hợp với nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp là một việc làm không dễ, bởi đầu tiên phải xác định rõ và coi nghệ thuật là sản phẩm tinh thần được sinh ra do nhu cầu của xã hội, xã hội nào sẽ có loại hình nghệ thuật phù hợp với nhu cầu tất yếu của nó. Chính vì vậy cần tập trung phát huy những ý tưởng, những sản phẩm có giá trị đích thực đã được công chúng đón nhận. Ðồng thời phải mạnh dạn thay đổi, vứt bỏ những gì còn yếu kém, lạc hậu không còn phù hợp và không có giá trị thực tế bởi không gắn liền với cuộc sống thực tại nên không thể đến được với công chúng'.
Hai đoàn nghệ thuật của Nhà hát đang tập trung vào hướng đi đó, Ðoàn ca múa nhạc dân tộc bên cạnh những nhiệm vụ phục vụ chính trị, đối ngoại của Ðảng và Nhà nước, tiếp tục duy trì và biểu diễn thường xuyên một số chương trình nghệ thuật truyền thống tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ. Trong khi đó kết hợp giới thiệu một số loại hình truyền thống có tính nguyên bản đã được hoặc chưa được UNESCO công nhận là di sản thế giới và một số loại hình được bắt nguồn từ truyền thống đã được nâng cao tạo hiệu quả sân khấu chuyên nghiệp. Ðoàn nghệ thuật đương đại đi sâu xây dựng những chương trình có quy mô hoành tráng phục vụ những sự kiện lớn của đất nước. Bên cạnh đó đoàn phải phát huy, phối hợp với các đơn vị, cộng tác viên xây dựng những chương trình nghệ thuật hiện đại mang tính xã hội cao, hấp dẫn có thể đến được với mọi tầng lớp công chúng.
Theo Nhandan Online