Gắn bó với báo chí nhiều hơn là những triển lãm, tranh biếm hoạ được coi là mảng tranh gần gũi nhất với đời sống, mang hơi thở hàng ngày, đề cập đến các vấn đề thời sự với những cách thể hiện sâu sắc.
Tuy nhiên, vai trò của tranh biếm hoạ gần đây dường như chưa được chú ý đến nhiều, chưa tương xứng với vai trò của dòng tranh này đối với xã hội.
Vẽ biếm hoạ không dễ
Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Vẽ tranh biếm hoạ hoàn toàn không dễ dàng gì. Ngay cả tôi cũng đã từng thử vẽ biếm hoạ, nhưng không thành công”. Theo ông Chương, người vẽ biếm hoạ không chỉ cần phải có khiếu hài hước, nhìn nhận sự vật theo một lăng kính hóm hỉnh và sâu sắc, mà còn phải vững về nghề, “phải có nghệ thực sự”. Vẽ biếm hoạ vừa phải nắm bắt, chọn lựa đúng hiện tượng để đưa vào tranh, vừa phải có cái tứ và cách thể hiện thật hài hước, cô đọng.
Là một “nhánh” của mỹ thuật đồ hoạ, lâu nay tranh biếm hoạ có một vị trí khá quan trọng trong cuộc sống. Tranh biếm hoạ được đánh giá là gần gũi, sát sườn với cuộc đời thực nhất, tất cả những vấn đề nóng hổi trong cuộc sống đều được các hoạ sĩ đưa vào tranh biếm hoạ. Hầu hết các tờ báo, từ báo in cho đến báo mạng... đều dành một góc cho tranh biếm hoạ, phản ánh từ chuyện tắc đường, lạm phát, tăng giá xăng, chạy trường cho con... cho đến chuyện an toàn thực phẩm, quy hoạch, bệnh viện quá tải... Hoạ sĩ Lý Trực Dũng, một cây bút biếm hoạ lâu năm nhận xét: “Biếm hoạ là thể loại mỹ thuật đặc sắc duy nhất có tính thời sự, nhạy cảm, dễ phổ cập, có thể đem lại nhiều tiếng cười cho người xem, đóng góp tích cực và hiệu quả vào quá trình hoàn thiện xã hội. Biếm hoạ không làm thay đổi thế giới, nhưng luôn đấu tranh chống cái xấu, cái ác vì Chân - Thiện - Mỹ, vì một thế giới tốt đẹp hơn”.
Tuy nhiên, cũng giống như cuộc sống, biếm hoạ có lúc trầm, lúc thăng. Hoạ sĩ Lý Trực Dũng chia sẻ, trước đây biếm hoạ từng được coi là “vũ khí sắc bén” trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, thế nhưng cũng chính vì cái chất hài hước sâu cay đầy phản biện của mình mà trong công cuộc xây dựng, phát triển xã hội mà không phải lúc nào biếm hoạ cũng được công nhận giá trị. Tranh biếm hoạ, ngoài vị trí là một góc nhỏ trong mặt báo, cũng chưa có nhiều những hoạt động dài hơi hay triển lãm tập trung để nêu bật được những chủ đề cụ thể...
Để biếm hoạ phát triển hơn
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương cho hay, tại Đại hội lần thứ 7 Hội Mỹ thuật Việt Nam, rất nhiều ý kiến của các hoạ sĩ biếm hoạ đã được đưa ra, rằng trong một thời gian dài biếm hoạ không được quan tâm. Ông Trần Khánh Chương khẳng định: “Nếu chưa đúng, chúng ta phải làm lại”. Phần việc làm lại đầu tiên là một triển lãm về tranh biếm hoạ, nhằm tôn vinh không chỉ các tác phẩm, mà cả các tác giả mới cũng như lâu năm trong nghề biếm hoạ, mới được tổ chức tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền vừa qua. Tiếp theo triển lãm này, cứ thay phiên nhau hằng năm, sẽ là cuộc thi biếm hoạ của báo Thể thao và Văn hoá tổ chức, cùng với triển lãm biếm hoạ của Hội. Cùng với một triển lãm chung tôn vinh tác giả, Hội còn có thể phối hợp với các cơ quan, ban ngành khác tổ chức các triển lãm theo từng chủ đề cụ thể, giống như trước đây đã từng tổ chức thi và triển lãm vẽ tranh biếm hoạ tuyên truyền cho Nghị định 36 CP về an toàn giao thông....
Ông Trần Khánh Chương cho biết, năm nay, Hội Mỹ thuật Việt Nam có mời các hội viên biếm hoạ (theo thống kê là 19 người) tham gia một trại sáng tác về biếm hoạ, coi đây như một hoạt động hỗ trợ để phát triển.
Ông Chương khẳng định, cùng với nhịp chung, ngành biếm hoạ sẽ phát triển. Còn về mặt nguyên tắc, biếm hoạ không phải để trưng bày mà phải đi vào đời sống, gắn bó với đời sống. Biếm hoạ nếu không in trong báo thì sẽ không còn là biếm hoạ, và báo chí cũng là con đường gần nhất, dễ dàng nhất để đưa biếm hoạ đến với người xem. Hoạ sĩ Lý Trực Dũng cũng cho rằng, điều quý giá nhất, và cũng là phần thưởng lớn nhất đối với các hoạ sĩ biếm hoạ là tác phẩm của họ được người xem đón nhận, cho dù in trên báo còn nhiều hạn chế như chỉ có hai màu đen trắng và in rất nhỏ.
Theo TUYẾT LOAN/Báo Nhândân điện tử