Triển lãm mang đậm màu sắc quê hương, phim hoạt hình được trình chiếu nói về quá trình lịch sử và sự hình thành của phim hoạt hình của Việt Nam
Vừa qua, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris, Pháp đã khai mạc cuộc triển lãm tranh của hai cha con nghệ sĩ nhân dân Ngô Mạnh Lân và Ngô Đức Lâm, đồng thời trình chiếu những bộ phim hoạt hình nổi tiếng do nghệ sĩ nhân dân Ngô Mạnh Lân làm đạo diễn. Tới dự buổi khai mạc triển lãm có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng và phu nhân, cùng đông đảo bà con Việt kiều và những người bạn Pháp yêu mến Việt Nam.
Sáu bộ phim hoạt hình được trình chiếu tại cuộc triển lãm lần này là “Mèo con”, “Con rồng lửa”, “Những chiếc áo ấm”, “Con sáo biết nói”, “Chuyện ông Gióng”, “Chê cóc”. Đây là những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của ngành công nghiệp sản xuất phim hoạt hình của Việt Nam, gắn bó với tên tuổi của Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân. Nhiều bộ phim trong số đó đã đưa ông giành được nhiều giải cao trong các liên hoan phim quốc tế.
Nói về mục đích đưa các phim hoạt hình của Việt Nam quảng bá cho người dân Pháp và cho cộng đồng người Việt tại Pháp, Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân cho biết: “Đầu tiên, chúng tôi muốn giới thiệu, Việt Nam tuy còn nghèo, thiếu thốn phương tiện nhưng vẫn dành những sáng tạo của mình để phục vụ cho thiếu nhi. Những phim về loài vật, những phim đồng thoại, những phim về lịch sử, truyền thuyết, thần thoại, cổ tích… đều nhằm mục đích thể hiện lên hình ảnh, giúp các em nhận thức cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi mang các bộ phim này sang đây, không nghĩ là kỹ thuật cao hay thấp, mà vấn đề là giới thiệu một nền nghệ thuật của Việt Nam đã có cách đây 50 năm”.
Cùng mang đến cuộc triển lãm lần này còn có những bức ký họa bằng chì mà nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân đã thực hiện trong thời gian từ chiến dịch Điện Biên Phủ đến thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Thời gian đó, nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân được Hội Mỹ thuật cử ra khu vực huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội để ghi lại những hình ảnh tập luyện chiến đấu và lao động của các đại đội dân quân nam, nữ. Do vậy, những bức ký hoạt đượm màu thời gian của ông khi được trưng bày giữa thủ đô Paris dường như vẫn toát lên vẻ sống động của cuộc sống trong một thời kỳ máu lửa nhưng hào hùng của dân tộc.
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân cho biết thêm: “Tới với cuộc triển lãm lần này, tôi không mang tranh sơn dầu mà chỉ mang tranh ký họa. Tôi nghĩ là những ghi chép thực tế đó sẽ gợi được những ký ức, những kỷ niệm về thời kỳ đó và để giới thiệu hoạt động mỹ thuật của nước ta trong cả quá trình xây dựng hòa bình và trong thời kỳ chiến tranh.”
Cùng tham dự triển lãm có những bức tranh màu và sơn dầu về cảnh thôn quê Việt Nam của họa sĩ Ngô Đức Lâm, con trai của Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân. Những bức tranh đầy màu sắc và mô tả cuộc sống ở nông thôn Việt Nam sống động, hấp dẫn và lôi cuốn người xem. Họa sĩ Ngô Đức Lâm cho biết mỗi bức tranh như là một câu chuyện, cho thấy những cảm xúc chân thực về làng quê Việt Nam để khán giả cùng xem và cùng suy ngẫm.
Họa sĩ Ngô Đức Lâm nói: “Tôi là một người muốn diễn tả những hiện thực của cuộc sống, của con người ở các vùng nông thôn Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng muốn góp một phần nhỏ bé của mình để gìn giữ lại những nét văn hóa Việt, nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ và giới thiệu với bạn bè quốc tế nói chung và Việt kiều Việt Nam mình nói riêng về một nét văn hóa của dân tộc Việt Nam”.
Hai bộ phim hoạt hình “Mèo con” và “Con rồng lửa” được công chiếu trong ngày đầu tiên của triển lãm và các bức tranh của hai cha con nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân và Ngô Đức Lâm đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của không chỉ cộng đồng người Việt và bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam mà còn cả của những nghệ sĩ người Pháp gốc Việt.
Cùng chồng là ông Nguyễn Duy Tân – một người Pháp gốc Việt đến tham dự buổi khai mạc triển lãm và chiếu phim hoạt hình, bà Joële cho biết: “Tôi rất xúc động khi được xem các bộ phim hoạt hình được trình chiếu, đặc biệt là bộ phim hoạt hình “Con rồng lửa”, vì trong bộ phim này có nhiều biểu tượng của Việt Nam như “Rồng bay” (Thăng Long – tên cũ của Hà Nội), “rùa thần” (với truyền thuyết của Hồ Gươm gắn liền với vua Lê Lợi)...”
Họa sĩ người Pháp gốc Việt Vương Pat Cam lại có cảm xúc đặc biệt khác: “Những bức tranh ký họa về thời kháng chiến của thập niên 50-60 rất là đẹp. Rồi những bức tranh màu trưng bày rất đẹp, mình rất thích, màu sắc rất đẹp, rất quê hương và ấn tượng nữa, làm mình như muốn trở về quê nhà mình ngay tức khắc. Còn về phim hoạt hình, những bộ phim này rất hay, rất ấn tượng và đương đại, vì những nghệ sĩ đương đại bên Pháp này họ vẫn còn đang thực hiện sáng tác theo kiểu phim hoạt hình (nghĩa là cắt, chuyển hình, dựng lên thành phim…)”.
Vui mừng trước những thành công ban đầu của cuộc triển lãm này, ông Lê Hồng Chương – Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp cho biết: “Triển lãm này là một điển hình phối hợp giữa nguồn lực của Trung tâm văn hóa, nguồn lực của cá nhân các nghệ sĩ và nguồn lực chung của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Triển lãm này mang đậm màu sắc quê hương; những phim hoạt hình được trình chiếu ở đây là những phim nói về cả một quá trình lịch sử và sự hình thành của phim hoạt hình của Việt Nam, thì cái đó rất là quý để chúng ta có thể đưa cho công chúng Pháp xem những gì mà chúng ta có”.
Ông Chương cho biết, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp sẽ giữ lại các bộ phim và sẽ hợp tác với Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) và một số cá nhân để tuyên truyền cho các bộ phim có thể đi rộng hơn và sâu hơn tới công chúng Pháp./.
Theo VOV Online