Cập nhật: 17/05/2013 14:20:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đền Phú Đa toạ lạc trên cánh đồng xóm Giếng, xã Phú Hoa, tổng Tang Thác, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Nay thuộc xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đền thờ “Lãng Phương hầu Nguyễn Danh Thường, Tiên phong đặc tiến, phụ quốc Thượng tướng quân, tham mưu trung quân Đô Đốc phủ, Khâm sai kiểm sát thất thành”. Thời Lê - Trịnh, vì có công giúp triều đình ông được xây dựng đền từ lúc còn sống (sinh từ) để thờ mình. Đền làm thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786). Từ ngày xây dựng đến nay chưa phải đại tu lần nào nên ở đây có câu:

 

"Bắt đền ra đền Phú Đa,

Bao giờ đền đổ ta ra ta đền."

 

Thật là một công trình “vĩnh cửu”. Sở dĩ được như vậy là nhờ các nghệ nhân xưa kia đã rất thành công trong thi công kiến trúc và điêu khắc đá, mà nổi bật là việc xử lý nền móng, kén chọn nguyên vật liệu, thiết kế xây dựng và bố cục nội, ngoại thất.

 

Đền Phú Đa có 3 toà kiến trúc (cổng đền, đại bái, từ đường) bố cục theo kiểu chữ “Tam”. Cổng đền cách đại bái một khoảng sân, đại bái cách từ đường bởi một cống thoát nước. Vị trí đền ở giữa vùng chiêm trũng, giáp sông Hồng nên hàng năm (trước khi có đê bao) đều bị lũ lụt tràn qua. Để khắc phục điều đó, các nhà xây dựng ngày trước đã gia cố cho nền đền và các vùng phụ cận thành một gò đất cao hình nón; khi lũ lụt - sóng xô đến, nước sẽ bị cản từ xa và sức mạnh của nước lũ bị giảm dần, khi đến đền thì không còn đáng kể nữa. Nền đền lại được tạo thành nhiều cấp: Cổng đền thấp nhất rồi đến đại bái và cuối cùng cao hơn cả là nền toà từ đường. Những bậc thềm của các toà kiến trúc đều được lát những tảng đá xanh, vừa làm bậc lên xuống, đồng thời vừa có tác dụng kè đất và cản nước tràn vào đền. Rãnh thoát nước giữa đại bái vàtừ đường cũng được lát ba bề bằng đá xanh (mặt cắt của rãnh hình chữ U). Nhờ có rãnh này, nước từ hai bên mái nhà đổ xuống chảy ra rất nhanh mà không làm sói mòn nền đền. Với những tính toán công phu, những biện pháp chế ngự mưa bão, lũ lụt tài tình như thế, đã khiến cho đền Phú Đa mấy trăm năm qua không mảy may ngả nghiêng, sụt lở.

 

Trên nền móng vững chắc ấy là kiến trúc đền cũng được gia công hết sức chuẩn mực. Toàn bộ vật liệu làm đền đều bằng gỗ lim được kén chọn cẩn thận cả về kích thước và độ già của gỗ. Trước đây còn có 2 toà tả, hữu mạc, về sau được chuyển đến địa điểm khác để làm trường học. Các toà của đền đều có kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ lòng thuyền, vừa đẹp lại khoẻ. Ngoài một số chỗ được chạm trổ các hình vân mây, sóng nước, còn phần lớn kiến trúc đền Phú Đa đều được bào trơn, đóng bén, mộng sàm chặt khít, kể cả các rui trên mái cũng được bào nhẵn theo mực thước và soi đường gờ ở mép. Nhân dân ở đây kể rằng, năm 1965 xã quyết định chuyển toà tả mạc về trường học, khi dỡ vì mộng quá chặt không tháo được nên dân làng đành để cả toà mà khiêng đi, qua gần 3 cây số đến trường, toà tả mạc mộng vẫn chặt khăng như cũ không hề dệu dã. Điều đó nói lên trình độ giỏi giang về thiết kế và thi công xây dựng đền của các hiệp thợ thuở trước.

 

Về mỹ thuật trang trí tạo hình, đây là ngôi đền có nhiều di vật đá nhất trong số các kiến trúc cổ hiện còn ở Vĩnh Phúc. Chỉ tính những di vật được đục chạm thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh thì đều đã có 48 tác phẩm. Đó là những phù điêu tượng tròn quan lại, vệ sỹ, rồng, sư tử, voi, ngựa, chó, các đồ thờ: án gian, ngai, sập, bàn tấu, án thư, lư hương, đèn…và 10 bia đá còn nguyên vẹn, được khắc năm 1750 (1 bia) và 1767 (9 bia), nội dung ghi hương ước, điều lệ nghi tiết cúng giỗ hậu thần, phúc thần và liệt tổ, liệt tông, ghi khắc các điều dạy bảo con cháu biết cách ăn ở, các điều cam kết về bổn phận đối với từ đường.

 

Chạm khắc đá ở đền Phú Đa đã phản ánh những thành công nổi bật, trình độ cao về nghệ thuật chạm khắc, trang trí dân gian trên đá thời Lê mạt. Các nghệ nhân thời xưa đã biết căn cứ vào chất liệu và màu sắc của đá mà vận dụng và tận dụng chúng trong tạo hình cũng như trang trí nội thất kiến trúc. Với kỹ thuật chạm khắc tinh vi điêu luyện, với những đề tài thực trong cuộc sống, chạm khắc đá ở đền Phú Đa đã tạo nên cho di tích không khí vừa độ trang nghiêm mà không lạnh lùng, nhà ở của thần linh mà vẫn ấm áp hơi thở của cuộc sống con người.

 

Với giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, văn hiến điển chương như thế, trong tương lai gần, chắc chắn đền Phú Đa sẽ trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Phúc.

Tệp đính kèm