Cập nhật: 05/06/2009 22:01:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một chuyên gia của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, đồ chơi hay quần áo của trẻ em nếu biết phòng tránh thì vẫn sử dụng như bình thường. Vị GS này đưa ra lời khuyên, không nên lựa chọn đồ chơi bạo lực, có nhiều góc nhọn và quá nhiều mầu sắc cho trẻ. Đặc biệt, để tránh độc hại cho trẻ, khi mua đồ chơi về phải ngâm xà phòng qua 1 đêm, sau đó rửa sạch bằng nước lã, lau khô mới cho trẻ chơi.

Ai cũng phải thừa nhận, đồ chơi, quần áo dành cho trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc đều có mẫu mã, mầu sắc phong phú, giá thành rẻ hơn hàng trong nước sản xuất. Sau khi có thông tin quần áo có xuất xứ từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng, dư luận trong nước mấy ngày qua hết sức xôn xao, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Làm thế nào để phòng tránh những chất có hại cho cơ thể và sức đề kháng còn non nớt của trẻ em là điều mà rất nhiều phụ huynh đang quan tâm nhất hiện nay?

 

Hàng lậu tràn ngập thị trường, người tiêu dùng hoang mang

 

Dạo quanh một vòng thị trường Hà Nội những ngày này, khi mà thông tin có chất độc hại trong đồ chơi, nhiều loại quần áo (thậm chí còn có thông tin chứa chất gây ung thư Formaldehyde) có xuất xứ từ nước ngoài (chủ yếu là hàng nhập lậu), chúng tôi vẫn thấy hàng hoá này tràn ngập.

 

Phố Cầu Gỗ, phố Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân cơ man nào là quần áo, giày dép trẻ em có xuất xứ ngoại được đóng túi lớn, túi bé cho người mua buôn. Mầu sắc sặc sỡ, kiểu dáng bắt mắt, đủ loại từ tất cho đến quần, áo, váy, đầm... của trẻ em vẫn thu hút người tiêu dùng. Khi có thông tin về quần áo ngoại không tốt cho sức khỏe người sử dụng, nhất là với trẻ em, nhiều phụ huynh đã hoang mang.

 

Ngày 3/6, chúng tôi trở lại một số địa điểm hàng quần áo trẻ em Made in Vietnam thì thấy không khí sôi động khác hẳn trước đây. Chị Thu Hà, nhân viên bán hàng Made in Vietnam ở Cầu Giấy cho biết, quần áo trẻ em mấy hôm nay bán rất nhiều.

 

Tuy nhiên, đồ chơi trẻ em vẫn nằm trong guồng quay sính ngoại, nhất là dịp hè này. Lâu nay người ta vẫn nhắc đến sử dụng đồ chơi không rõ nguồn gốc sẽ gây tác hại đến sức khỏe của trẻ em, nhưng hầu như gia đình nào cũng từng mua vài món đồ chơi ngoại không có xuất xứ rõ ràng, hàng nhập lậu về cho con chơi.

 

Đồ chơi trong nước trở nên lép vế vì không thể so sánh về mẫu mã, công nghệ và giá thành được với đồ chơi nhập lậu. Nhiều bậc phụ huynh cho con chơi đồ chơi không rõ nguồn gốc, không rõ hướng dẫn sử dụng (vì chỉ có tiếng nước ngoài) với những hiểu biết rất mập mờ về tác hại của nó.

 

Biết phòng tránh vẫn sử dụng bình thường

Chúng tôi đã có buổi trao đổi với GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và được biết, Formaldehyde (tên hóa học là CH20) trong y tế người ta dùng CH20 để bảo quản thi thể. Còn trong sản phẩm công nghiệp người ta dùng để sản xuất các loại keo dán gỗ, sơn melamin sấy nóng, bột ép và tấm ép cách điện chống cháy. Riêng trong công nghiệp dệt, Formaldehyde thường đi vào trong hợp chất để xử lý vải.

 

GS-TSKH Trần Vĩnh Diệu cho biết: "Có thể có hàm lượng dư nào đó trong vải, nhưng hàm lượng dư đó phải vượt ngưỡng cho phép thì mới gây độc hại cho sức khỏe người sử dụng".

 

Theo GS-TSKH Trần Vĩnh Diệu, trong đồ chơi thông thường cho trẻ em như hiện nay thì khó có chất Formaldehyde. Đồ chơi chủ yếu là dùng nhựa nhiệt dẻo, nên không có chất gây độc hại ung thư như chúng ta lầm tưởng.

 

Khi chúng tôi đưa cho GS Diệu một số đồ chơi của Trung Quốc sản xuất, ông cũng cho rằng nhựa của đồ chơi này không vấn đề gì. Tuy nhiên, GS Diệu cũng đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng, nhất là các bậc phụ huynh phải trông giữ trẻ cẩn thận, tránh không cho trẻ đưa đồ chơi vào miệng vì nó không tốt.

 

Theo GS Diệu thì đồ chơi nhập lậu của những cơ sở sản xuất gia công thường không đảm bảo vì tạp chất ở trong sơn hoặc ở mầu phủ lên sơn. Những loại sơn phủ mầu sặc sỡ trên đồ chơi không ai biết rõ nguồn gốc, có thể chất lượng không tốt, chưa được kiểm tra đầy đủ độc hại, pha mầu không theo một cơ sở khoa học nào dễ dẫn đến trẻ bị nhiễm độc, chứ không phải do chất nhựa dẻo.

 

Giáo sư Diệu đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng, không nên lựa chọn đồ chơi bạo lực, có nhiều cấu hình, góc nhọn và quá nhiều mầu sắc sặc sỡ cho trẻ. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn, tránh độc hại cho trẻ, khi mua đồ chơi về phải ngâm xà phòng qua 1 đêm, sau đó rửa sạch bằng nước lã, lau khô mới cho trẻ chơi. Khi chơi xong, phải rửa tay cho trẻ sạch sẽ, không cho trẻ đưa đồ chơi vào miệng. Đối với quần áo, chăn ga, rèm cửa... mới mua về nên giặt sạch trước khi dùng. Giáo sư Diệu cho rằng, đồ chơi hay quần áo của trẻ em nếu biết phòng tránh thì vẫn sử dụng như bình thường.

 

Được biết, Cục Quản lý chất lượng hàng hoá, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường trước thông tin quần áo bị nhiễm độc. Người tiêu dùng hy vọng sẽ sớm có thông tin chính thức từ phía các cơ quan chức năng về vấn đề này.

 

 

Theo CAND

Tệp đính kèm