Hiện nay một số người dân đã tự ý tìm mua thuốc để dự phòng, điều trị virus cúm A(H1N1) mà không có đơn của thầy thuốc chuyên khoa. Việc sử dụng tràn lan và không hợp lý những thuốc trên có thể làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc.
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo trên trong công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TƯ và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế chiều 17/6.
Trước tình hình đại dịch cỳm A(H1N1) diễn biến phức tạp và đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nâng lên mức độ 6, nghĩa là đại dịch và tính đến ngày 15/6/2009 đó có 29.669 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tại 74 quốc gia, trong đó có 145 trường hợp tử vong, Bộ Y tế nước ta đã triển khai nhiều phương án để bảo đảm có đủ thuốc kháng virus cho công tác phòng, chống cúm A(H1N1).
Tuy nhiên, hiện nay do một số người dân chưa có đủ thông tin về dịch cúm A(H1N1), phác đồ điều trị, các quy định chuyên môn nên đã tự ý tìm mua thuốc để dự phòng, điều trị không có đơn của thầy thuốc.
"Việc sử dụng tràn lan và không hợp lý những thuốc trên có thể làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc. Bên cạnh đó, WHO đã có cảnh báo về việc mua thuốc kháng virus không có đơn, trong đó có việc mua qua mạng Internet, theo đó, WHO khuyến cáo công chúng không mua thuốc để điều trị hoặc phòng virus cúm A (H1N1) trừ khi được thầy thuốc kê đơn.
Ngoài sự cần thiết của việc mua thuốc theo đơn, công chúng cũng phải lưu ý về việc mua thuốc kháng virus qua Internet, ở một số quốc gia, việc mua bán thuốc qua Internet không được kiểm soát chặt chẽ khiến khách hàng có thể nhận được thuốc không đảm bảo chất lượng, thuốc giả dẫn đến hậu quả như: tử vong, điều trị thất bại hoặc bị tác dụng phụ nghiêm trọng" - Ông Cường đưa ra các lưu ý.
Để bảo đảm việc sử dụng thuốc kháng virus an toàn, hợp lý và hiệu quả, Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) yêu cầu các đơn vị thông báo rộng rãi tới người dân biết việc sử dụng thuốc kháng virus để điều trị và dự phòng phải tuân thủ theo hướng dẫn của Cán bộ y tế để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, tránh hiện tượng virus kháng thuốc.
Người dân tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc kháng virus và chỉ được mua thuốc khi có thăm khám và kê đơn của thầy thuốc.
Người dân cũng cần chú ý, thuốc kháng virus đã được dự trữ và chuẩn bị sẵn tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các Công ty sản xuất, kinh doanh dược theo sự phân công của Bộ Y tế để phục vụ nhu cầu điều trị và phòng bệnh của nhân dân. Người dân cần đến các cơ sở khám, chữa bệnh để được thăm khám, kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc.
Các công ty xuất, nhập khẩu, kinh doanh dược phẩm, các nhà thuốc, hiệu thuốc trên địa bàn quản lý chỉ bán thuốc kháng virus cho các cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh nhân có đơn của Thầy thuốc.
* Chiều cùng ngày, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm ở người, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, ngày 17-6 nước ta đã xác nhận thêm 1 ca dương tính với cúm A/H1N1. Bệnh nhân là trường hợp nam 18 tuổi, quốc tịch Mỹ, về VN ngày 11-6 trên chuyến bay NW1 tại sân bay Tân Sơn Nhất, quá cảnh tại Nhật Bản.
Sau khi về nước bệnh nhân cư trú tại Châu Thành, Tiền Giang và đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang. Như vậy, tính đến thời điểm này VN đã có 27 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 trong đó có 15 trường hợp đã được xuất viện, không có tử vong, các trường hợp còn lại đều đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Do sự lưu hành của nhiều chủng virus cúm tại VN, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ chủng virus cúm A/H1N1 tái tổ hợp với chủng cúm A/H5N1 tạo thành chủng virus cúm có độc lực mạnh hơn và có thể lây lan nhanh trong mùa đông tới.
Để hạn chế việc lây nhiễm cúm A/H1N1 từ những người mắc bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo những người về nước từ vùng đang có dịch phải chủ động cách ly, tránh mọi tiếp xúc gần (dưới 1 mét) với người khác, cố gắng hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, áp dụng các biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn. Khi có các triệu chứng của bệnh như sốt, ho, đau họng... thì phải đi khám và gọi điện báo cho những người thân mà mình mới tiếp xúc để họ chủ động thực hiện các biện pháp phòng và khám để phát hiện bệnh.
Trong thời gian dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mọi người dân nên hạn chế các chuyến đi và đến từ vùng có dịch nếu không quá cần thiết. Những người bị ốm, có biểu hiện nghi ngờ cúm A(H1N1) như sốt, ho, đau họng... thì nên cách ly, đeo khẩu trang, báo cáo cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn và xử trí kịp thời, không nên vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện bằng các phương tiện vận tải công cộng, đặc biệt là máy bay vì dễ làm lây lan bệnh ra cộng đồng.
Mọi người dân có thể tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi.
Những người về nước từ vùng đang có dịch phải chủ động cách ly, tránh mọi tiếp xúc gần (dưới 1 mét) với người khác, cố gắng hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, áp dụng các biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn. Khi có các triệu chứng của bệnh như sốt, ho, đau họng... thì phải đi khám và gọi điện báo cho những người thân mà mình mới tiếp xúc để họ chủ động thực hiện các biện pháp phòng và khám để phát hiện bệnh
Theo HNM Online